Phía sau dáng người mảnh mai, búi tóc cài hoa điệu đà và chân dung dịu dàng, hiền thục là sự nổi bật và thu hút của người phụ nữ độc lập và mạnh mẽ trên chính trường. Aung San Suu Kyi là cái tên của nữ chính trị gia được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua.
Bà Aung San Suu Kyi hiện đang là cái tên được báo chí thế giới nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây bởi những đóng góp của bà với đất nước Myanmar, rằng đây là lần đầu tiên họ có được người phụ nữ cầm quyền và giữ trọng trách cao đến vậy.
Hẳn ai khi nhìn thấy người phụ nữ này xuất hiện trên truyền hình hay chỉ là một bức ảnh đơn thuần đều không thể không ấn tượng với mái tóc búi sau được cài hoa rất điệu đà, một điều rất khó thấy ở các nữ chính trị gia khác. Có vẻ như những bông hoa ấy đã tạo cho bà một vẻ bề ngoài gần gũi, mềm mại và phảng phất nét truyền thống giữa những bộn bề của thế giới hiện đại. Chính điều này đã khiến cho bà trở nên thật khác biệt.
Nhờ mái tóc ấy, bà đã tìm được cho mình một người chồng rất mực yêu thương ở xứ người. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của bà cũng lắm thăng trầm bởi sự nghiệp chính trị đè nặng lên vai.
Bỏ lại chồng con để làm chính trị
Bà Aung San Suu Kyi từng theo học tại đại học Oxford ở Anh. Với trang phục truyền thống Myanmar và bông hoa cài duyên dáng trên tóc, Suu Kyi đã gây ấn tượng mạnh với người đàn ông châu Âu yêu vẻ đẹp phương Đông. Một kết thúc có hậu đã diễn ra sau câu chuyện tình đẹp của chàng sử gia người Anh và người phụ nữ sau này trở thành biểu tượng của nền dân chủ Myanmar.
Michael Aris và Aung San Suu Kyi kết hôn vào năm 1972. Trong suốt 16 năm sau đó, bà sống êm đềm hạnh phúc với thiên chức làm vợ, làm mẹ cho chồng và con trai. Tuy nhiên, vì là con gái của của Thủ tướng Aung San (anh hùng lập quốc) nên tình yêu đất nước vẫn luôn cháy trong tâm khảm của người phụ nữ ấy.
Năm 1988, Aung San Suu Kyi trở về Myanmar khi nghe tin mẹ đẻ mình đột quỵ. Bà không biết rằng, từ đây, cuộc đời và sự nghiệp chính trị của mình bước sang một trang khác. Khắp nơi trên đất Myanmar, người ta truyền tai nhau rằng bà đã trở về. Sau đó 1 năm và suốt 19 năm sau nữa, bà bị quân đội quản thúc nên không thể trở về Anh cùng gia đình.
Trong khi đó, Michael Aris vẫn dõi theo từng bước chân của vợ. Ông hiểu và sẻ chia với người phụ nữ bé nhỏ nhưng có một trái tim vĩ đại mà mình đã chọn. Không những vậy, ông còn âm thầm thực hiện các hoạt động bảo vệ, ủng hộ danh tiếng của bà trên khắp Myanmar và quốc tế.
20 năm dài đằng đẵng, không một ngày nào Aung San Suu Kyi không đứng trước sự giằng xé: lựa chọn cuộc sống bị quản thúc trên quê hương hay trở về trong vòng tay Aris và 2 cậu con trai ở trời Âu. Dù rất đau lòng, bà đành nén lại những tình cảm cá nhân, lựa chọn chung sức chung lòng với đồng bào của mình và đất nước Myanmar trên con đường gian nan đi tìm dân chủ.
Năm 1998, Aris bị ung thư giai đoạn cuối và đã hơn 30 lần ông nộp đơn xin visa vào Myanmar nhưng đều bị từ chối. Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi hơn ai hết mong từng ngày được trở về Oxford để nhìn mặt chồng lần cuối nhưng nếu làm như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc Suu Kyi mãi mãi là kẻ tha hương.
Suu Kyi đã quyết định chọn việc nước, bà mặc chiếc váy có màu sắc yêu thích nhất, cài một bông hồng lên tóc và đi đến Đại sứ quán Anh để quay đoạn phim từ biệt chồng mình, nói với ông rằng chính tình yêu của ông đã là điểm tựa cho bà. Rất tiếc, đoạn video này chỉ tới được Oxford 2 ngày sau khi ông Aris đã mất.
Khi biết được điều này, người phụ nữ ấy đã đau khổ biết chừng nào nhưng vẫn cố gắng gượng vì đất nước. Hết mong ngóng chồng, bây giờ bà lại chờ con trai. Từ khoảng thời gian chồng mất năm 1999, mãi đến năm 2010 bà mới thôi bị quản thúc và gặp được con trai mình.
Cuộc sống hiện tại
Sau từng ấy thời gian, Aung San Suu Kyi hôm nay đã trở thành biểu tượng của công cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở đất nước Myanmar, người dân yêu mến gọi bà là “ngọn hải đăng của niềm hi vọng”. Thế nhưng, ít ai biết đằng sau người phụ nữ đầy tự tin, quyết liệt của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) lại có những hi sinh thầm lặng đến vậy.
Trúng cử vào quốc hội Myanmar, mặc dù không được làm Thủ tướng nhưng bà Suu Kyi vẫn được truyền thông thế giới nhắc đến như một con người vĩ đại và sống vì nhân dân.
chính trị gia, chính trị, phụ nữ