Công việc chính là nhân viên văn phòng, nhưng mỗi sáng anh Vương đều dậy sớm đạp xe đi đánh giày trước khi đến công ty. Có ngày, anh chạy cả xe tay ga đi làm nghề này. Vương chia sẻ, đánh giày là đam mê của mình.
Người đánh giày đầy thú vị là anh Nguyễn Hồng Vương (31 tuổi, quê Phú Yên). Anh vào Sài Gòn sinh sống và làm việc cũng hơn 17 năm, từng trải qua rất nhiều nghề nghiệp như bán hàng, phục vụ nhà hàng, bán ve chai... trước khi đến với nghề đánh giày cách đây hơn 10 năm.
Đều đặn mỗi ngày, anh Vương dậy sớm, mang theo bộ đồ nghề và đạp xe từ phòng trọ đi đánh giày. Kể về cái duyên đến với nghề này, chàng trai 8x nói: "Tôi chỉ học đến hết lớp 9 thì nghỉ. Năm 15 tuổi tôi vào Sài Gòn làm đủ nghề mưu sinh, không ngại việc nặng nhọc. Được số vốn, năm 18 tuổi tôi mở quán cơm thế nhưng khi ấy, bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm nên kinh doanh ế ẩm. Buồn bã, tôi đi dạo cho khuây khỏa thì gặp một cậu đánh giày chạy lại mời mọc. Tôi nói vui là cho tôi học đánh với, thế là cậu ta một chiếc, tôi một chiếc cùng nhau đánh".
Anh hay đến các quán cà phê làm nghề bởi nơi ấy có nhiều người ngồi uống trước giờ đi làm. Khách uống nước nhiều khi đã quen mặt anh. Và họ thường hỏi bằng câu xã giao là "dạo này việc nhà đất phát triển không?". Sở dĩ hỏi vậy vì đánh giày chỉ là công việc phụ, môi giới bất động sản mới là việc chính, chiếm nhiều thời gian nhất của anh Vương.
Mỗi ngày, người đàn ông này chỉ đánh giày từ 7h sáng cho đến khoảng 8h30 thì nghỉ. Sau đó, anh trở lại với công việc văn phòng. Ban đầu, nhiều người ngạc nhiên, không nghĩ rằng một người đi làm công sở lại còn kiêm cả đánh giày. "Tôi cũng không lấy làm ái ngại vì đây là việc chân chính lại có thu nhập, thuận tiện cho việc khác. Ngày tôi dậy sớm đạp xe coi như tập thể dục rồi đánh giày chưa đến 2 tiếng nên vẫn đi làm việc khác được". Anh không làm việc này vào khung giờ khác, vì buổi sáng sớm là khoảng thời gian có nhiều khách nhất.
Và đặc biệt hơn, không chỉ chạy xe đạp mà anh Vương còn đi cả xe tay ga để đánh giày. Cả khi đi lên công ty, anh cũng mang theo bộ đồ nghề để có thể làm việc bất cứ khi nào.
Mỗi ngày, anh Vương đánh trung bình 10 - 15 đôi với giá 15 ngàn/đôi. Theo nhiều người nhận xét, mức giá này rẻ hơn chỗ khác.
Ngoài ra, chiếc thùng đựng đồ nghề của anh được treo tấm bảng với thương hiệu Ghét Ẩu. Anh bảo, đó là thương hiệu riêng trong nghề mà không phải người đánh giày nào cũng có. Vì vậy, mọi người thường gọi anh là "Ghét ẩu" thay vì tên thật. Mỗi tháng, anh lại thiết kế một bảng hiệu mới.
Anh Vương giải thích: “Cách đây 2 tôi có đánh một đôi giày có cấu trúc rất phức tạp. Lần thứ nhất đánh xong đưa cho ông khách, ông ấy kêu đánh lại. Đánh xong tôi đưa ông ấy thì cũng bị trả lại. Phải đến lần thứ 4, vị khách mới chấp nhận. Tôi lấy tiền công đánh giày là 15 ngàn. Ông ấy nói đánh bốn lần thì phải là 60 ngàn chứ. Tôi trả lời ông ấy rằng: "Con đánh một lần hay bốn lần cũng chỉ lấy 15 ngàn, chỉ mong là khách hàng hài lòng. Vừa rồi, ông không ưng ý vì con làm ẩu, không kỹ càng". Thế là ông ấy rút tờ 200 ngàn ra trả tiền công cho tôi. Sau lần đó, tôi hiểu được giá trị của cái tâm mình đặt trong công việc. Từ đấy tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu Ghét ẩu”.
Từ đó đến nay, vẫn với giá 15 ngàn/đôi nhưng anh đều làm rất kỹ lưỡng. Có những công đoạn, những thợ đánh giày khác không làm nhưng anh tự làm thêm để hài lòng khách. Trong ảnh là công đoạn khía đế giày để tạo ma sát.
Anh Nguyễn Hoàng Thành (34 tuổi) chia sẻ: "Tôi biết anh này 2 năm nay rồi, lần nào uống cà phê cũng nhờ đánh giày. Phải nói là ai cũng thừa nhận anh ta đánh rất kỹ càng, nói chuyện thân thiện mà giá cả rẻ hơn hẳn".
Anh cho biết, mỗi lần đánh giày thời gian tối đa cũng chỉ đến 15 phút. Nếu khách không thể đợi thì anh không nhận. Khi đi hành nghề với thương hiệu "Ghét ẩu", anh Vương đã bị rất nhiều phản ứng xấu từ đồng nghiệp. Có người đánh giàycho rằng anh gây sốc để giành khách, người thì nói anh có ý ngầm chê bai người khác làm không cẩn thận. Và họ đã gây không ít khó khăn cho anh.
Hơn nữa, việc làm này đôi khi lại ảnh hưởng đến công việc môi giới bất động sản. Có khách hàng khi biết anh làm nghề này đã không đồng ý ký hợp đồng. Tuy nhiên, lại có khách hàng tỏ ra thích thú, nhất là khi họ hiểu được ý nghĩa của công việc anh đang làm.
Có nhiều lúc, người đàn ông quê Phú Yên còn tình nguyễn sửa giày dép miễn phí khi có người nhờ. Trong ảnh, anh đang dán lại dôi dép cho một người phục vụ cà phê. Hiện tại, ba mẹ ở quê đều chưa hề hay biết anh làm đánh giày. "Nhưng dù có biết thì cũng đâu có sao, vì đó là thu nhập và đam mê của tôi, lại là nghề chân chính thôi mà", anh giải thích.
Sau thời gian đánh giày, anh Vương lại áo sơ mi, quân tây đóng thùng đi gặp gỡ khách hàng. Thời gian còn lại, anh lên công ty làm việc.
Có khi, anh ngồi hàng giờ ở quán cà phê, cặm cụi với chiếc laptop làm việc. Dự định sắp tới của anh là sẽ mở rộng dịch vụ đánh giày một cách chuyên nghiệp hơn.
Khi được hỏi về sự lựa chọn duy nhất giữa đánh giày và công việc văn phòng, anh trả lời: "Đánh giày là đam mê, còn công việc khác thì là ham muốn. Với tôi, được làm việc mình thích là hạnh phúc".