Đời sống

Những bức tranh khiến bạn bất ngờ về sự ngược đãi

Bạn tưởng chỉ cần nhìn qua, bạn có thể hiểu thấu một ai đó? Bạn có thể sẽ phải suy nghĩ lại khi nhìn những bức tranh trong chiến dịch “Ngưng ngược đãi”.

“Ngưng ngược đãi” và cái nhìn khác về bạo hành tinh thần

Bắt đầu bằng một câu hỏi đầy thách thức: “Bạn nghĩ bạn biết về họ? Đoán xem? Không hề!”, album tranh cổ động “Ngưng ngược đãi” kêu gọi ý thức của cộng đồng chống lại sự ngược đãi, sự bạo hành tinh thần với người khác đang khiến cộng đồng mạng Việt “sốt xình xịch”. Những bức tranh vẽ theo kiểu cách điệu đổ bóng chạm đến 9 đối tượng bị ngược đãi, bị hiểu lầm và 9 câu chuyện ẩn giấu đằng sau đó, chỉ sau 2 ngày được đăng tải trên mạng xã hội Facebook đã thu về hơn 15.400 lượt chia sẻ và hơn 12.000 lượt thích và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

ngược đãi
Bộ ảnh có thể sẽ khiến bạn thay đổi quan niệm về sự ngược đãi bắt đầu bằng câu hỏi đầy thách thức.

Những hình ảnh cũng như nội dung câu chuyện của các nhân vật đã gây được ấn tượng không nhỏ cũng như đã làm nổ ra những cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng. Bên cạnh những ý kiến cho rằng những câu chuyện và tình huống gợi ra trong bộ tranh chưa thực sự thuyết phục, những “chất vấn” về ngôn ngữ, cách kể chuyện trong tranh, dân mạng đa phần đều cảm thấy bộ tranh này thú vị và chạm đến một vấn đề có thật trong xã hội hiện đại. 

ngược đãi
Những gì chúng ta nhìn thấy, nghĩ về người khác có thể hoàn toàn sai lầm.

ngược đãi
Những lời nói tiêu cực của kẻ khác có thể khoét thêm nỗi đau.

ngược đãi
Đã từng là lính, mãi mãi là lính, dù hiện tại, họ có thể là một ông già hom hem.

Một người dùng Facebook có nick Hiểu Diệp Vương bày tỏ quan điểm: “Thật sự phải bật tiếng cảm ơn với người thiết kế nên những tấm hình và dòng chữ này! Vì quanh ta đã gặp nó quá nhiều. Xã hội hiện đại, con người sống ngày càng nảy sinh tính ích kỷ và đố kỵ. Chúng ta "vô tình" làm tổn thương tới người khác, mà không biết được rằng liệu chính mình có phải kẻ cuối cùng vừa đốn ngã tinh thần một ai đó hay không”. Đồng quan điểm, nick Tom Huynh bình luận: "Một hành trình ngàn dặm bắt đầu với những bước đi đầu tiên. Cứ đi rồi sẽ đến"! Vì chúng ta không sống cuộc đời của họ nên xin đừng phán xét”.

ngược đãi
"Chúng ta không sống cuộc đời của họ nên xin đừng phán xét”.

ngược đãi
Nói những điều không hay về những người ta chưa thực sự hiểu, đó cũng có thể là ngược đãi.

ngược đãi
Bạn đã từng bắt nạt một kẻ yếu đuối hơn mình bao giờ chưa?

Đáp lại quan điểm của một số người dùng mạng cho rằng những bức ảnh “Ngưng ngược đãi” đã nói quá vấn đề, rằng người Việt Nam hiền hòa, thân thiện, không có chuyện bạo lực tinh thần đến mức như trong những câu chuyện mà chiến dịch đề cập, nick Vũ Mỹ Hằng cho rằng: “Lời nói có sức công phá tổn thương nhiều người, hãy suy nghĩ trước khi phát biểu. Mình đã, đang và cố gắng sẽ không nói thế với họ. Các nhà khoa học chưa phát minh ra được loại máy đo áp lực tinh thần, nên không khép tội được những kẻ nói thiếu suy nghĩ đang góp phần hủy hoại người khác, nếu không, rất có thể nguyên nhân cái chết của một ai đó là “bị giết” chứ không phải “tự tử” như chúng ta nghĩ”.

Còn người dùng mạng Vivian Nguyen cũng gay gắt viết: “Bạo hành tinh thần đang dần lên ngôi. Họ hoàn toàn không nhận ra hành vi của mình là vi phạm đạo đức con người và ngay cả vi phạm pháp luật. Nhưng cái thói bạo lực vô hình ấy vẫn hòa với đời sống như chuyện rất đỗi bình thường mà ai nấy đều chấp nhận. Im lặng trước những hành vi đồng nghĩa với cổ vũ cho họ rằng họ đang đúng!

ngược đãi
Những trò đùa vô tình có thể trở nên độc ác.

ngược đãi
Sự ám ảnh về cân nặng, vóc dáng có thể giết chết sự tự tin của một cô gái

ngược đãi
Những người điên thường có một quá khứ đầy sóng gió, bạn đã thử tìm hiểu bao giờ chưa?

Một số cư dân mạng khác cũng chia sẻ những kinh nghiệm đau đớn, những câu chuyện mình đã bị tổn thương trong quá khứ, như nick Cá Ngão viết: “Tôi đã từng bị như thế nên tôi không bao giờ làm như thế với bất cứ ai... Hãy ngưng ngược đãi nếu bạn không đủ khả năng làm nó khác đi!”, hay như chuyện của một cô gái đã từng bị bạn bè cấp 3 ngược đãi, khủng bố tinh thần vì chuyện kém nhan sắc, nhưng sau đó, cô đã tự vượt qua và sống tốt.

Fanpage chia sẻ bộ ảnh cũng bất ngờ khi được dân mạng chú ý
Bên cạnh những ý kiến chia sẻ, bình luận và thích thú trước ý tưởng bộ tranh “Ngưng ngược đãi”, không ít cư dân mạng cho rằng, phần lời chú thích của bộ tranh này có phần gượng gạo, cách thể hiện ý tưởng không sinh động, thậm chí còn cho rằng, đây là sản phẩm “đạo” ý tưởng.

Quản trị viên của fanpage Chiến dịch Việt Nam Ơi, nơi đã đăng tải bộ tranh gây tranh cãi này đã thẳng thắn cho biết, toàn bộ hình ảnh được họ đăng trên fanpage là lấy nguồn từ bộ ảnh “Stop Bullying” của Ultimate Design, được tình nguyện viên của Chiến dịch Việt Nam Ơi làm phụ đề tiếng Việt dựa trên tinh thần tôn trọng ngôn ngữ của bản gốc, có phóng tác cho phù hợp văn hóa Việt Nam. Các quản trị viên fanpage cho biết, bộ ảnh Stop Bullying của Ultimate Design cho phép chia sẻ tự do, nhưng bắt buộc phải giữ lại nguồn, và việc họ làm phụ đề tiếng Việt đã có sự đồng thuận, thông qua từ phía Ultimate Design. Chiến dịch Việt Nam Ơi cũng thông báo điều này công khai, đồng thời tag (đánh dấu) trang fanpage của Ultimate Design trên mỗi ảnh, nên họ không ngại nghi vấn “đạo” ý tưởng.

Tiết lộ về mục đích làm phụ đề tiếng Việt và chia sẻ bộ ảnh “Stop Bullying” (được dịch là “Ngưng ngược đãi”) trên fanpage của mình, quản trị viên Chiến dịch Việt Nam Ơi cho hay: “Tụi mình chỉ muốn mang thông điệp chính đi xa hơn thôi. Những trường hợp trong bộ ảnh ít nhiều chúng ta cũng gặp trong cuộc sống, có điều là chúng ta không nhận ra thôi. Bộ ảnh của Ultimate Design đã tinh tế liệt kê lại những điều bình thường đó nhưng nhờ vậy mà mọi người có thể nhìn thấy được những việc làm trước giờ của mình đã đang làm vô tình làm tổn thương tinh thần, thể xác người khác. Tụi mình cảm thấy đồng cảm nên quyết định làm phụ đề tiếng Việt.”
 
ngược đãi
Bộ tranh "Ngưng ngược đãi" thu hút được sự quan tâm của cư dâng mạng Việt.

Họ cũng cho biết, chính họ cũng bất ngờ khi nhận được nhiều phản hồi, quan tâm của cư dân mạng như vậy. Trước những phản ứng tích cực có, tiêu cực có, đóng góp có, phản bác có của dân mạng, họ hy vọng, việc chia sẻ bộ ảnh “Ngưng ngược đãi” sẽ giúp thay đổi ý thức cộng đồng, mong rằng những ai thấy được bộ ảnh này sẽ lưu lại gì đó ở trong lòng để sau này khi ở trong những tình huống tương tự, họ sẽ thay đổi thái độ.

Điều thú vị là, khi truy cập vào fanpage của Ultimate Design - đơn vị sáng tạo ra bộ ảnh, “Stop Bullying” được đăng tải khoảng hơn 1 tuần, nhưng bản thân bộ ảnh không tạo được nhiều chú ý, dù từ khóa liên kết “# StopBullying” đã kết nối nó đến rất nhiều fanpage, trang cá nhân có nội dung kêu gọi chấm dứt sự ngược đãi, bạo hành tinh thần dưới nhiều cấp độ. Vậy mà, khi được làm phụ đề tiếng Việt, nó lại được cộng đồng mạng chú ý khá nhiều.

ngược đãi
Tại fanpage của nhà thiết kế ý tưởng, bộ tranh này có vẻ ít được chú ý hơn.

Cũng cần nói thêm, fanpage chia sẻ bộ ảnh này, Chiến dịch Việt Nam Ơi, cũng không phải là một fanpage thuộc dạng “đình đám”, quen thuộc với cộng đồng mạng Việt. Tính đến thời điểm hiện tại, fanpage này mới có 27.000 lượt yêu thích, khá khiêm tốn so với nhiều fanpage khác. Quản trị viên của fanpage này cho hay, fanpage được tạo ra từ năm 2012, là diễn đàn của một là một tổ chức xã hội nhỏ, tập hợp khoảng 100 thành viên yêu thích công việc thiện nguyện, ủng hộ chống biến đổi khí hậu. Nhóm này hoạt động chủ yếu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tập trung vào các hoạt động từ thiện cho người nghèo vào những dịp lễ Tết.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều và cả những nghi vấn của dân mạng xung quanh những bức ảnh “Ngưng ngược đãi”, có thể nói, thông điệp và những vấn đề, câu chuyện mà bộ ảnh đặt ra rất đáng để suy ngẫm.

aFamily

ngược đãi, bạo hành, bạo hành tinh thần, cộng đồng mạng, cư dân mạng, bộ tranh xúc động


      © 2021 FAP
        4,298,346       581