Gửi con đi học nội trú vài ngày trong quân đội hoặc một số thiền viện đang là lựa chọn của nhiều bậc cha mẹ trong thời gian con nghỉ hè.
Khi
con nghỉ hè, ngoài những hoạt động vui chơi, giải trí, học kỳ quân đội hay khóa tu mùa hè cũng là phương án được nhiều cha mẹ nghĩ đến. Không phải đưa đón con hằng ngày như các lớp học năng khiếu hay học thêm, đặc thù của học kỳ quân đội hay khóa tu mùa hè là bố mẹ sẽ gửi hẳn con học nội trú tập trung trong một thời gian ngắn.
Nghỉ hè trong quân đội
Khoảng vài năm trở lại đây, khái niệm
học kỳ quân đội đã dần trở nên quen thuộc với nhiều phụ huynh thành phố khi muốn tìm kiếm những khóa học kỹ năng sống, rèn luyện tác phong nề nếp cho trẻ.
Có cậu con trai 13 tuổi chỉ biết ăn với học, chẳng bao giờ động chân động tay đến việc nhà, mùa hè này, chị Nguyễn Thanh Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết tâm “đẩy” cậu ấm đi học kỳ quân đội. Chị đã tìm hiểu nhiều chương trình rèn kỹ năng sống mùa hè, cân nhắc lên cân nhắc xuống, cuối cùng, lựa chọn một chương trình cho cậu con “đi bộ đội” ở Sơn Tây. “
Các chương trình học kỳ quân đội hầu như đều do các trung tâm thanh thiếu niên kết hợp với các đơn vị quân đội nên tôi cảm thấy yên tâm khi gửi con theo học. Có một số chương trình tương tự nhưng bọn trẻ “đóng quân” ở Bắc Giang thì xa quá, sợ con tôi chưa thích nghi ngay được.” – chị Nga chia sẻ.
Cũng như nhiều phụ huynh gửi con vào quân đội để rèn luyện ngắn hạn, chị Nga hy vọng, con trai chị sẽ được tiếp thu tinh thần, tác phong, lối sống của người lính cũng như các kỹ năng sống khác sau khóa học. Chị cũng cho biết, mình thậm chí còn hồi hộp hơn cả con trai, vì khóa học tới đây là lần đầu tiên con chị bị tách khỏi gia đình cả chục ngày, không có bố mẹ ở bên cạnh để chăm chút, phải tự lo những việc cá nhân, phải ăn cơm tập thể, hoạt động đúng giờ giấc điều lệnh…, không biết cậu bé có thích nghi được không.
Nhiều cha mẹ cho con tham gia học kỳ trong quân đội với hy vọng trẻ sẽ có môi trường tốt để học kỹ năng sống. (Ảnh minh họa) Giống như chị Nga, anh Nguyễn Quốc Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) hy vọng, con mình sẽ “lột xác”, thay đổi sau kỳ huấn luyện. Anh chia sẻ, con trai anh năm nay lên lớp 8 và bắt đầu có một số biểu hiện ương bướng của tuổi dậy thì, lại mải chơi, suốt ngày cắm đầu vào máy tính chơi game.
Con nghỉ hè, anh định đăng ký cho con theo học một khóa rèn luyện trong quân đội, nhưng cậu bé phụng phịu chưa đồng ý, vợ anh thì xót con, sợ con không theo được nếp sống khuôn khổ trong quân đội nên cũng chưa ưng. Tham khảo ý kiến của một số người bạn có kinh nghiệm, anh vẫn quyết tâm gửi con vào “trại huấn luyện” vì “
Con một người bạn của mình trước đây cũng rất vô tư, không bao giờ đụng tay làm việc nhà, sáng bố mẹ gọi dậy tập thể dục thì phải gọi như hò đò, vậy mà sau một khóa rèn luyện, về nhà, cậu bé ấy răm rắp giúp mẹ nấu cơm, rửa bát, tính cách đàn ông hơn hẳn, buổi sáng vẫn giữ nếp dậy sớm, còn rủ bố mẹ dậy chạy bộ nữa. Hè này, cậu bé ấy sẽ học tiếp khóa nữa nên mình muốn gửi cậu nhà mình đi cùng cho có bạn”.
Để con có thể tham gia các khóa huấn luyện học kỳ quân đội diễn ra trong khoảng 7 – 10 ngày, phụ huynh phải chi trả một khoản tiền khoảng 6 triệu đồng với hy vọng, quân đội sẽ rèn luyện cho con mình những kỹ năng, thói quen mà ở nhà các em chưa có. Những mong muốn như của anh Quốc Anh, chị Nga là chính đáng, tuy nhiên, học kỳ quân đội có lẽ cũng không phải là "chiếc đũa thần" khiến trẻ hoàn toàn thay đổi tâm tính hay một nơi trông trẻ ngắn hạn mà còn phải phụ thuộc vào tâm lý, sự thích nghi của trẻ cũng như sự rèn luyện, duy trì thói quen và giáo dục của gia đình. Mặt khác, học kỳ quân đội cũng như bất cứ khóa học mùa hè nào có lẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi những học viên trẻ cảm thấy hứng thú, không bị gò ép, bắt buộc.
Gửi con "đi tu" mùa hè
Gửi con đến các chùa học tu trong những
khóa tu mùa hè cũng là cách nhiều phụ huynh nghĩ đến khi tìm hiểu các hoạt động khi
con nghỉ hè. Trước đây, các khóa tu mùa hè thường do các chùa, thiền viện tự tổ chức với quy mô nhỏ, nhưng gần đây, nhiều trung tâm kỹ năng sống cũng kết hợp với các chùa để mở rộng quy mô các khóa tu mùa hè lên đến vài trăm trẻ một mùa. Các khóa tu này thường diễn ra trong thời gian ngắn, từ 3 – 10 ngày, đối tượng học tu được chia theo từng lứa tuổi, cao nhất là 25 tuổi (học sinh, sinh viên).
Có nhiều lý do để các bậc phụ huynh đưa con em đến khóa tu mùa hè tại các chùa, thiền viện, có thể là muốn con tách khỏi cuộc sống công nghệ, internet trong một thời gian ngắn, có thể là muốn con được học Phật pháp để chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống, trân trọng những gì đang có, cũng có thể chỉ là để rèn luyện cho con trẻ biết làm những việc nhỏ, đơn giản mà ở nhà cha mẹ không có đủ thời gian và kiên nhẫn để chỉ cho trẻ…
Trong các khóa tu mùa hè, cũng tương tự như học kỳ quân đội, các học viên sẽ tách hoàn toàn gia đình và thế giới bên ngoài để ở nội trú tại chùa, thiền viện và trải nghiệm đời sống tu tập với những hoạt động như ngồi thiền, ăn chay và tự phục vụ những nhu cầu cá nhân của mình như giặt quần áo, rửa bát sau khi ăn cơm… Bên cạnh đó, các học viên sẽ được học giáo lý, nghe giảng pháp phù hợp với lứa tuổi, thường là các bài nói hướng các em đến việc hiếu kính với ông bà, cha mẹ, đời sống chân thiện mỹ, xa rời các tệ nạn tiêu cực của xã hội, tham gia thể dục thể thao, học Phật ca…
Gửi con tham dự các khóa tu trong thời gian nghỉ hè cũng là lựa chọn của nhiều phụ huynh. (Ảnh minh họa) Các chùa, thiền viện thường không thu phí của gia đình trong khóa tu mùa hè mà các gia đình tùy tâm đóng góp nên cách nghỉ hè này không tốn kém như nhiều khóa học kỹ năng khác. Tuy nhiên, lịch sinh hoạt của các học viên tại khóa tu mùa hè thậm chí còn “gắt” hơn cả học kỳ quân đội, thường khởi đầu lúc 3 – 4 giờ sáng với việc ngồi thiền, học Phật pháp, ăn chay, học các việc cơ bản như nấu cơm, nhặt rau, quét sân… xen kẽ với học giáo lý.
Lê Thị Mai Ngọc (16 tuổi) từng tham gia khóa tu mùa hè ở một thiền viện tại Vĩnh Phúc chia sẻ: “
Em bị bố mẹ ép lên tu học để cai công nghệ. Hồi mới lên, em khóc như mưa, vì tất cả đồ công nghệ, kể cả điện thoại di động không được phép mang vào phòng ở trong thiền viện. Ngày đầu, em cảm thấy thực sự khủng khiếp với lịch sinh hoạt ở đó, cảm thấy vừa nhớ nhà, vừa ghét bố mẹ lắm luôn! Ở nhà, 7 giờ em mới ngủ dậy, vậy mà phải dậy từ sớm, ăn uống thì chỉ có đồ chay, lại còn phải tự giặt quần áo, tự rửa bát nữa. Đến ngày thứ ba, thứ tư thì em quen dần và thấy như mình đang được sống lại tuổi thơ vậy, rất nhẹ nhàng, thanh thản. Cuối khóa tu, em thậm chí còn nghĩ mình sẽ sống không cần có điện thoại di động nữa cơ!”
Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua và thích nghi nhanh như Mai Ngọc. Ngọc kể, không ít trẻ, nhất là những bé chưa từng được giới thiệu về nếp sống ở chùa, chưa từng được ăn chay hoặc chưa từng xa cha mẹ bao giờ đã khóc vì nhớ nhà, vì lạ chỗ, không được ngủ thoải mái như ở nhà, thậm chí có bé đã đòi về giữa khóa tu. Từ kinh nghiệm của mình, thiếu nữ này cho rằng, các bậc cha mẹ nên hỏi ý kiến con trước khi quyết định chọn khóa học, rèn luyện mùa hè cho con, tránh cho trẻ sự ức chế tâm lý, thậm chí phản kháng lại cha mẹ vì cảm giác bị ép buộc, bị bỏ rơi.