Đời sống

Khổ sở bịa chuyện khi trẻ truy hỏi “con sinh ra từ đâu”

Hầu hết đứa trẻ nào cũng đều thắc mắc “con sinh ra từ đâu?” và những câu trả lời né tránh sự thật của bố mẹ dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến trẻ.

Con sinh ra từ nách, rốn

Đây là câu trả lời phổ biến nhất của các ông bố bà mẹ từ trước tới giờ. Theo anh N.Kiên (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại thì: “Hôm ấy đang ngồi chơi, tự nhiên cậu con trai hơn 3 tuổi hỏi: Bố ơi! Con sinh ra từ đâu ạ?

Vì chưa có sự chuẩn bị sẵn nên mình trả lời theo cách ngày xưa vẫn hay được nghe là: "Con sinh ra từ nách". Thằng bé nghe thấy câu trả lời thì lại hỏi: "Nách bố hay nách mẹ ạ?"

Lần này thì mình trả lời nhanh là nách mẹ. Tưởng thằng bé chịu yên, ai dè nó đi tìm mẹ, vạch nách ra xem rồi bắt mẹ nó mô tả lại chi tiết xem nó chui ra như thế nào. Thế là mẹ nó lại phải bịa tiếp theo ý mình rằng: Bố mẹ lấy nhau một thời gian thì một hôm nách mẹ mở và con chui ra. Lúc con chui ra xong thì nách mẹ lại liền như cũ".

Kho so bia chuyen khi tre truy hoi “con sinh ra tu dau”

Ảnh minh họa

Tưởng rằng trả lời thế là xong và thằng bé sẽ quên ngay. Ai dè từ sau hôm ấy gặp người thân nó lại đòi vạch nách lên xem “sắp có em bé chui ra chưa?”

Cũng giống như anh Kiên, chị H.Hồng (Hà Đông, Hà Nội) cũng bối rối khi trả lời câu hỏi đó của con. Chẳng là hôm đó, đang ngồi xem tivi, đến đoạn quảng cáo sữa bầu thì con bé gần 5 tuổi hỏi mẹ là: “Mẹ ơi! Có em bé trong bụng kìa! Thế con có ở trong bụng mẹ không ạ? Con sinh ra từ đâu vậy mẹ?”

Chị Hồng đành trả lời con là: “Con ở trong bụng mẹ đến khi đủ chín tháng mười ngày thì mẹ sinh con ra qua rốn”. Con bé lại hỏi: “Sao lại là chín tháng mười ngày hả mẹ? Mà rốn bé thế con chui ra như thế nào ạ?”

Sau khi nghe mẹ giải thích rằng: “Phải ở trong bụng mẹ đủ ngày như thế thì con mới đủ sức khỏe để chui ra ngoài. Còn rốn mẹ nhỏ thế vì lúc mới sinh con cũng nhỏ lắm, mẹ phải nuôi mãi con mới lớn được thế này đấy!”. Sau khi giải thích xong để đánh lạc hướng của con, chị phải giả vờ hỏi sang chuyện con ở lớp như thế nào, “nếu không nó lại có cả đống câu hỏi tại sao đằng sau mà mình không biết phải trả lời thế nào”. – Chị Hồng chia sẻ.

"Con là do bà mụ nặn ra"

Đây là câu trả lời của anh T.Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) khi nghe con hỏi “Làm sao con lại ra đời ạ?”. Với lý do "không biết phải giải thích cho con thế nào vì bé còn nhỏ, chưa thể nghe câu trả lời thật", ông bố trẻ đành đưa ra đáp án qua loa rằng “con là do bà mụ nặn ra”.

Cậu con trai lại thắc mắc: “Bà mụ nhìn như nào hả bố? Sao bà ý lại nặn ra con giống bố mà không giống mẹ? Bà ấy nặn con bằng gì ạ?”

“Đã trót thì phải theo đến cùng, thế là mình kể rằng bà mụ giống như bà tiên xinh đẹp có đũa thần. Mỗi khi gia đình nào cần có một em bé thì bà ấy sẽ xuất hiện vung đũa thần và nặn ra một em bé cho nhà đó".

“Thế thì bố hãy xin bà ấy nặn ra một em bé nữa cho nhà mình đi ạ!” Câu nói này của con khiến mình bị bất ngờ, rồi mình trả lời rằng: "Khi nào con lớn hơn, biết tự chăm sóc bản thân và chăm em thì bố sẽ gọi bà mụ đến nặn em. Sau lần đó, nó cứ gặp mọi người lại năn nỉ gọi bà mụ tới giúp mình”. – Anh Hải nhớ lại.

Chị T. Hoài (Đống Đa, Hà Nội) cũng chọn đáp án "tiên nữ đưa con xuống đây" khi con hỏi về "xuất xứ" của mình. "Tuy vậy, sau đó bé cứ mơ mộng và đòi hỏi phải đối xử như một tiên nữ" - chị chia sẻ.

Một số ông bố bà mẹ khác lại chọn cách trả lời con rằng: “Con được nhặt về”, “Con đại bàng bay đến thả con trước nhà nên bố mẹ để lại nuôi”; "Bác sĩ mổ phanh bụng mẹ ra và tìm thấy con trong đó..."

Có thể thấy, trả lời các câu hỏi về giới tính của trẻ là một trong những trách nhiệm của người làm cha mẹ. Thế nhưng, việc trả lời như thế nào để giúp con hiểu và không làm tổn thương con vẫn là bài toán khó với không ít bậc phụ huynh. Việc từ chối trả lời và để trẻ tự tìm câu trả lời cho những tò mò của mình cũng tạo ra không ít tai nạn đáng tiếc sau đó.

aFamily

câu hỏi khó


      © 2021 FAP
        4,301,149       306