Từ 5 năm nay, 16 cụ già bán vé số sống chen chúc trong căn nhà chỉ rộng 30m2. Cuộc sống khó khăn nhưng thật ấm áp, thân thương
Căn nhà nhỏ mang biển số 24/22A, trên đường Nguyễn Văn Cừ (P.Cầu Kho, quận 1) đang là nơi sinh sống của 16 cụ già bán vé số.
Mỗi người một thân phận nhưng đều chung cảnh nghèo khó. Từ 5 năm nay, họ rủ nhau về sinh sống trong căn nhà rộng khoảng 30m2, có một gác xép với giá thuê 5 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Tiến (51 tuổi, quê Phú Yên) là người đứng ra thuê căn nhà này. Ông giải thích: “Trước kia, tôi có người em kết nghĩa cũng mướn hẳn căn nhà rộng rồi gọi mấy cụ già bán vé số, hàng rong về ở. Thấy việc này ý nghĩa nên tôi làm theo. Khi mấy người già bán vé số thấy tôi mở lòng gọi về cùng sinh sống họ rất vui. Tuy nhiên, mình chỉ nhận người đồng hương cho dễ gắn bó, tin tưởng nhau hơn”.
Tất cả các cụ ở đây đều bán vé số mưu sinh và cùng đến từ mảnh đất Phú Yên. Hơn một nửa “nhân khẩu” trong ngôi nhà đều gắn bó với nơi đây từ 3-4 năm. Có thời điểm, căn nhà nhỏ này là nơi trú ngụ của gần 30 mảnh đời.
Với vai trò “trưởng nhà”, ông Tiến giữ nhận nhiều nhiệm vụ nhất. Cứ 8h sáng, ông chạy xe sang đường An Dương Vương (Q.5) lấy vé số cho mọi người bán, buổi chiều lại chạy đi lấy tờ dò kết quả. Trong khi đó, công việc chính của ông là xe ôm.
Hầu hết các cụ đều đi bán vé số lúc buổi chiều. Trong ảnh, bà Hồ Thị Thảo (64 tuổi) dắt ông cụ Nguyễn Khói (76 tuổi) đi bán vé số. Từ 2 năm nay, khi về sống chung với mọi người, và Thảo tình nguyễn làm “đôi mắt” cho cụ Khói. Hai người bán chúng vé số. “Được bao nhiêu tôi và bả ấy cưa đôi”, ông Khói cười cho biết.
Có nhiều cụ sức khỏe tốt hơn nên bán đến 2h sáng. Vì bán về khuya nên buổi sáng mọi người thường ngủ dậy muộn. Khoảng thời gian từ sáng đến chiều, có người tranh thủ đi bán thêm vé số hoặc nghỉ ngơi tại nhà. Buổi trưa, căn nhà vốn chật lại được chia thành nhiều gian nhỏ càng trở nên nóng bức. Dù sinh hoạt gặp nhiều bất tiện nhưng mọi người đều tự nhủ cố gắng vì nhau. Trong ảnh là gian phòng nhỏ xíu như hộp diêm, là nơi nghỉ ngơi của 3-4 người.
Bữa cơm chính thường bắt đầu lúc 3 giờ chiều. Mọi người quây quần, ngồi sát bên nhau. Các món ăn đạm bạc, chủ yếu là cá khô và canh rau. “Bữa nay ăn sang hơn hẳn mọi ngày vì có thêm ít hột vịt kho tàu do hàng xóm tặng”, bà Hồ Thị Thảo (64 tuổi) chia sẻ.
Bữa cơm thiếu thốn nhưng mọi người không ai than trách. Họ chia sẻ, nhường nhìn nhau những miếng ăn ngon nhất.
Trước kia, chị Đào Thị Lơ cũng bỏ đồng ruộng ngoài quê vào Sài Gòn đi bán vé số. Tuy nhiên, do không bán được nhiều nên mọi người khuyên chị ở nhà trong nhà và nấu ăn. Mỗi ngày chị chi hết khoảng 150 ngàn cho việcđi chợ, nấu nướng. Chị cho biết: “Mỗi tháng mọi người cũng góm góp cho tôi vài trăm đến một triệu chi tiêu”.
Sau bữa ăn trưa, mỗi người tìm 1 góc nghỉ ngơi để chuẩn bị cho công cuộc mưu sinh từ tối đến khuya.
Tuy nhiên, căn nhà chật chội, nóng nực nên không phải ai cũng ngủ nghỉ được. Vài người tìm ra ban công trò chuyện. Những câu chuyện xoay quanh việc mưu sinh, nỗi nhớ con cái, quê hương.
Ông Hà An (64 tuổi) và bà Huỳnh Thị Mai (57 tuổi) tươi cười nói chuyện. Vì cùng nghề nghiệp, cùng quê hương lại chung cảnh nghèo khó nên mọi người sống rất chan hòa, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau những khi khó khăn. Bình thường, khoảng hai tháng là các cụ lại về quê một lần, nửa tháng sau vào lại Sài Gòn.
Lúc rảnh rồi, chị Lơ hay xoa bóp chân cho bà Võ Thị Mậu (84 tuổi). Bà Mậu ở đây được 5 năm. Bà bị điếc và hay đau nhức xương khớp.
Chiều 20/5, ông Tiến nhận được số tiền 4 triệu đồng từ một nhà hảo tâm. Ông rất vui và nhanh chóng chia đều cho mọi người, dặn dò người này giữ tiền cẩn thận cho người đi vắng.
Nụ cười của ông Huỳnh Thu (76 tuổi). Ông vào Sài Gòn từ 4 năm nay. Ở quê, dù có ba người con nhưng tất cả đều nghèo túng, làm ruộng không đủ sống nên ông Thu cũng phải đi tìm kế sinh nhai để tự nuôi bản thân.
Đúng 5 giờ chiều, những mảnh đời già lại dìu dắt nhau đi bán vé số. “Những người khỏe đi một mình nhưng ở đây chúng tôi hay đi chung 2 – 3 người để trợ giúp cho nhau”, ông Ngô Văn Tiến nói.
Bản thân ông Tiến cũng chạy xe chở hai người đi vòng các con đường ở quận 8 để bán vé số. “Hai người này chân yếu nên không thể đi nhiều đươc. Tôi chở họ đi đến các quán ăn, khu vui chơi cho đến 12 giờ đêm thì chở về. Sau đó, tôi lại ra góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ làm xe ôm đến 5 giờ sáng thì về”.