Đời sống

Hồi ức xúc động của người chính ủy thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh

Suốt 40 năm sau ngày đất nước hoà bình - cái tên Chính uỷ Bùi Văn Tùng - người thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh vẫn được nhắc đến và lưu vào thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.

“Tôi lúng túng không biết làm sao thảo một văn kiện đầu hàng. Từ bé đi học, lớn lên làm anh bộ đội Cụ Hồ đã mấy chục năm, chưa ai chỉ vẽ cho tôi cách soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương cả. Với tôi lúc đó cách mạng chỉ có 2 vấn đề cơ bản nhất: chính quyền và quân đội. Khi mất chính quyền thì quân đội không còn. Và ngược lại, không có quân đội thì chính quyền không thể tồn tại. Nghĩ đến đó, tôi vớ tay lấy bút và tập giấy pơ luya trên bàn để viết và đưa cho Dương Văn Minh. 40 năm- nghĩ lại giờ phút đó, tôi vẫn thấy tim mình vẫn như rung lên! Giải phóng rồi! Độc lập rồi!”. Ánh mắt như có lửa rực lên trên khuôn mặt của người chính uỷ lữ đoàn tăng 203 năm nào. Suốt 40 năm sau ngày đất nước hoà bình- cái tên Chính uỷ Bùi Văn Tùng- người thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh vẫn được nhắc đến và lưu vào thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.

Chính uỷ Bùi Văn Tùng và bản thảo tuyên bố đầu hàng


Dò đường vào dinh Độc Lập bằng tấm bản đồ du lịch

Những ngày cuối tháng 4, năm 1975, tiếng động cơ trực thăng ầm ì trước đó bỗng dưng im tiếng. Đại sứ Martin và những tay súng thuỷ quân lục chiến người Mỹ cuối cùng đã rời khỏi đất nước Việt Nam vào lúc tinh mơ. Đó là một cuộc tháo chạy tán loạn. Và Sài Gòn lúc ấy dường như đông đặc lại. Im lặng và chờ đợi. Một điều gì đó chắc chắc sẽ xảy ra và làm thay đổi tất cả không khí ngột ngạt này.

“Lúc đó, những chiếc xe tăng T54 và T59 thuộc lữ đoàn 203 cắm cờ xanh đỏ sao vàng đang từ Biên Hoà lao về Sài Gòn với mục tiêu duy nhất và cuối cùng chính là dinh Độc Lập. Trong tay tôi lúc đó chỉ có duy nhất một tấm bản đồ du lịch mà người bà con tặng cho khi tôi ghé về thăm quê nhà. Sài Gòn lúc đó đã nằm trong tầm tay của những người lính xe tăng chúng tôi! Cầm tấm bản đồ mà lòng cứ rung lên bần bật” Ông Bùi Văn Tùng- Chính uỷ lữ đoàn tăng 203 năm nào bồi hồi nhớ lại.

Trong ký ức của ông, đúng vào lúc 9g30 sáng ngày 30-4, tại cầu Sài Gòn bất ngờ đoàn xe tăng bị chặn lại  bởi hoả lực của tám chiếc M48 và M113. Đúng vào lúc này, trên radio, tổng thống Dương Văn Minh đơn phương tuyên bố ngừng bắn và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh “yêu cầu binh sỹ chấp hành lệnh của tổng thống”. Thế nhưng, bất chấp lệnh đó, tiếng súng kháng cự và cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt. Những chiếc tàu chiến của hải quân Sài Gòn đang neo đầu ở Tân Cảng bắt đầu nã đạn tới tấp vào đoàn tăng giải phóng. Hai chiếc T54 đi đầu bị bắn cháy, nhiều chiếc khác bị hỏng và lao đầu xuống vệ đường. Nhiều chiến sỹ hi sinh tại chỗ vào chính thời khắc này. “ Nhiệm vụ của người lính lúc này là bằng mọi cách phải tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Tôi và nhiều chiến sỹ khác lật tung tấm bản đồ du lịch để tìm kiếm con đường ít ác liệt hơn để di chuyển”. Ông Tùng run run kể.

Nhận được quyết định không để ổ kháng cự ở cầu Sài Gòn cầm chân quân giải phóng quá lâu, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã ra lệnh cho lực lượng pháo binh, cao xạ và bộ binh sư đoàn 304 tham chiến. Tiếng súng bắt đầu ngưng khi hai chiếc M48 của quân VNCH nổ tung ngay trên cầu Sài Gòn, hai chiếc tàu chiến bị bắn cháy.

“Ngã tư Hàng Xanh đã ngay trước mặt. Đường nào vào dinh Độc Lập? Tôi và mấy anh em dò nhanh trên bản đồ, đường phố Sài Gòn chớ có phải đường như ở quê mình đâu mà lấy một trục quốc lộ làm chính để định hướng? Tấm bản đồ du lịch Sài Gòn- Gia Định lúc đó thực sự là một cứu cánh và nhiều năm sau nghĩ lại, tôi xem đó là định mệnh để tôi và nhiều người khác thực hiện được nhiệm vụ người lính của mình”. Chính uỷ Tùng khẳng định.

Thời khắc lịch sử khó quên

Gần 11 giờ trưa ngày 30-4-1975, dinh Độc Lập đã nằm dưới quyền kiểm soát toàn bộ của quân giải phóng. Lúc bấy giờ, trong đầu Trung tá Bùi Văn Tùng nghĩ ngay đến  việc phải làm ngay chính là phải buộc Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn. “ Lúc ngồi trên xe Jeep cùng với Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫn, Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái và nhà báo Tây Đức Borries Gallasch để đi đến Đài Phát thanh, mặc dù rất mệt mỏi nhưng trong đầu tôi luôn nghĩ làm sao để ông Minh đọc được lời tuyên bố đầu hàng rõ ràng và ngắn gọn nhất?” Ông Tùng kể.

Tại Đài phát thanh Sài Gòn lúc ấy, trong khi mọi người chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm pin, thiết bị để ghi âm thì Tổng thống Dương Văn Minh bảo với Trung Tá Bùi Văn Tùng: “Ông muốn tôi nói thế nào thì ông cứ viết ra đi! Và tôi muốn được gọi là Tướng Minh chứ đừng gọi là Tổng thống”. Trung tá Bùi Văn Tùng lắc đầu bảo: “ Ông phải danh xưng là Tổng thống, vì dù có làm Tổng Thống chính quyền trong 1 giờ thì ông vẫn là Tổng thống nên tôi nghĩ ông phải xưng là Tổng thống và chịu trách nhiệm với tuyên bố đầu hàng này”.

11h30, Đài phát thanh Sài Gòn vang lên tuyến bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”

Tiếp sau lời tuyên bố đó, là giọng miền Trung của Trung tá Bùi Văn Tùng vang lên: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn".

Giữa những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, người Chính uỷ lữ đoàn tăng 203 Bùi Văn Tùng năm nào giờ đây đã yếu hơn hơn rất nhiều sau trận tai biến của tuổi già. Thế nhưng, trong câu chuyện được kể lại bằng giọng run run với thế hệ trẻ, ánh mắt của ông vẫn hừng hực lên một ngọn lửa của lòng yêu nước, của một tinh thần chiến đấu quật cường, anh dũng. Ông nhẹ nhàng bảo: “ Đó là cả một quá khứ hào hùng của một đời người. Trải qua bao nhiêu khổ cực, vinh quang và những tranh cãi xung quanh tuyên bố đầu hàng ngày 30.4 mà một thời báo chí và nhiều nhà nghiên cứu tốn rất nhiều giấy mực. Đến giờ, tôi vẫn luôn nghĩ mình đã thực hiện đúng nghĩa vụ người lính của mình. Sống trọn vẹn và trong sạch trong tháng ngày hoà bình. Ước nguyện tuổi già là được về với quê nhà xứ Quảng để nghe chim kêu, nghe những dòng sông chảy. Đời người có là bao nữa đâu!”.
aFamily

chính ủy bùi văn tùng, tuyên bố đầu hàng, chân dung nhân vật, lịch sử việt nam, giải phóng miền nam


      © 2021 FAP
        3,821,696       2,069