Đời sống

Yêu thời công nghệ số

Với smartphone, một bạn trẻ kể rằng mình đã tốn thời giờ gấp ba lần thời chỉ có điện thoại nhắn tin loanh quanh chuyện nhớ nhung của những người đang yêu.

yêu thời smartphone

Một bạn trẻ khác lại nói, kể từ khi có smartphone, thêm mạng xã hội của Facebook, bạn ấy đã yêu khá nhiều lần. Yêu ở đâu? Tôi ngớ ngẩn hỏi lại, thì bạn bảo là người yêu đến từ Facebook.

Thì ra những người trẻ lười gặp nhau ngoài đời, họ pha một tách trà hay cà phê và ôm tất cả những gì có được, từ laptop, máy tính bảng hay smartphone, là lên đường phiêu lưu khắp nơi. Bạn nào biết tiếng Anh càng phiêu lưu xa xôi ngàn dặm, sưu tập người yêu "ảo" đủ quốc tịch.

Những tình yêu thời internet rất dễ dàng. Chỉ cần làm quen, rồi chia sẻ vài bức hình, nếu thấy được mắt là có thể nói chuyện qua lại, bày tỏ tình cảm qua Facebook, Viber, Skype... Cô sinh viên kể có thời điểm cô "yêu ảo" một lúc hai người, một người Âu, một người Ấn Độ.

Cô cũng yêu mọi lúc, mọi nơi, làm gì cũng không tập trung, chỉ chăm chụp ảnh tự sướng, khoe trên mạng. Nhưng đến khi những người yêu ảo ngỏ ý muốn gặp gỡ bằng một kỳ du lịch thì cô đành nói lời chia tay vì sự ngăn cách của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Dù sao cô gái kia còn biết dừng lại. Còn một bạn trẻ khác thì than thở đang phải cai nghiện yêu "online". Đêm đêm anh lang thang trên mạng xã hội, kết nối làm quen, trò chuyện với người yêu ảo. Đến lúc bị gia đình thúc bách phải giới thiệu người yêu và cần suy nghĩ nghiêm túc về chuyện hạnh phúc lâu dài thì anh phát hiện ra vài vấn đề nan giải.

Rút cục những mối tình đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật và anh cũng nhận thấy mình nghiện yêu "online" dẫn đến việc lười giao tiếp trực tiếp, mất hứng thú với những sinh hoạt ngoài đời.

Các nữ đồng nghiệp, hàng xóm, không ai đẹp "huyền ảo" như người tình "online", không ai dí dỏm, thông minh như người trên mạng, cũng chẳng ai làm anh bỏ được thói quen sốt ruột nhìn các tín hiệu màn hình để xem nàng ẩn hiện trên mạng ảo thế nào.

Mọi việc đều đem lại cảm giác lý thú, trừ mỗi chuyện nó làm anh ngại phải cố gắng, ngại phải hành động, nên bây giờ đã chuẩn bị bước sang tuổi ba mươi, dẫu đang xoan đấy, nhưng đường về nhà vợ còn xa xôi lắm.

Và một trường hợp khác nghiện yêu "online" chỉ bởi không có khả năng chi trả cho những cuộc tình thực tế. Bởi chi phí cà phê, quà cáp đối với một người mới bước vào đời cũng không nhẹ.

Họ đành vào mạng, mời nhau từ ly cà phê Starbucks đến những chiếc bánh kem, rồi "up" hình món tối, món sáng ì xèo mà không tốn xu tình phí nào ngoài khoản đầu tư hàng "công nghệ số” đang ngày càng rất rẻ.

Nhưng đáng lo ngại nhất là người có gia đình vẫn nghiện yêu "online", một thứ tình yêu xuất phát từ tình cảm có thực, tuy sợ thay đổi, sợ đổ vỡ gia đình nhưng vẫn muốn phiêu lưu. Mới đây, một vụ ly hôn nghe có vẻ hy hữu nhưng đã báo hiệu một trào lưu tan vỡ gia đình xuất hiện.

Người chồng thấy vợ lúc nào cũng cầm smartphone, tưởng vợ nghiện Facebook, cũng la mắng, nhăn nhó, nhưng không ăn thua gì. Đến một hôm, chị vợ bỏ quên điện thoại ở nhà và anh chồng đã phát hiện vợ mình đang có một cuộc phiêu lưu tình ái ảo.

Khuyên giải một thời gian mà vợ không lay chuyển, quá chán cái cảnh người vợ bê trễ việc nhà, thay vì chăm con thì chỉ biết chăm sóc cái điện thoại, họ quyết định ly thân. Người vợ được tự do, càng yêu cái điện thoại nhiều hơn và kiên quyết đòi lại cuộc sống đơn thân để được thoải mái đi tìm những điều mới lạ trên mạng ảo.

Nếu thấy chồng hay vợ bạn suốt ngày cầm smartphone và hay cười mỉm, hãy cảnh giác chuyện có thể mất vợ, mất chồng ngay trong nhà. Kỳ quái nhưng là có thật!

aFamily

smart phone, yêu


      © 2021 FAP
        3,826,044       1,189