Hình ảnh người cha địu con đi nhặt rác loanh quanh phố Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn khá thân quen với nhiều người dân nơi đây.
Dưới cái lạnh sáng sớm hay tối khuya xuống thấp tới 9 độ C, người bố Nguyễn Hùng (quê ở Bắc Giang) vẫn lẩy bẩy địu con thơ dọc đường Nguyễn Sơn để kiếm ăn mỗi ngày.
“Bông con ơi, cái chai nhựa còn nguyên con này, à, còn có cái xúc xắc vẫn mới này con!”, anh Hùng mắt sáng lên, mừng rỡ nói như reo khi cào bới được chiếc chai nhựa to, món đồ chơi cho con giữa đống rác hôi hám. Khi xe rác đến, anh lại dừng xe và bắt đầu vớ cào và tìm rác.
Sau khoảng 15 phút cào bới, khi đã lượm được một vài đồ phế thải có “giá trị” như lon sắt, vỏ chai, bao nilon và nhiều thứ không tên khác, anh cùng con gái tên thật là Mơ (anh thường gọi với tên thân mật là Bông) lại tiếp tục đi tìm kiếm những thùng rác khác.
Những người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh anh Hùng cõng con đi
nhặt rác trên đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn.
“Hai bố con nó tội lắm”, đó là câu cửa miệng mà bất cứ ai sống quanh khu vực này đều nhận xét khi nhắc đến hoàn cảnh của họ. Để giúp bố con anh, người dân xung quanh mấy con phố này gom tiền mua tặng anh một chiếc điện thoại để “
biết bố con anh đang ở đâu mà chạy ra đưa đồng quà, tấm bánh, gói sữa, hay đồ đồng nát như chai lọ, bìa giấy cho anh”, bác Cảm – người dân khu phố Nguyễn Văn Cừ cho biết.
Hình ảnh hai bố con tha thẩn nhau đi khắp các thùng rác để tìm kiếm, cào bới rác đã khá quen thuộc với người dân phố này
Địu con trên lưng, hai bố con lại rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ để tìm kiếm chai lọ để bán đồng nát
Sau trận ốm nặng, bây giờ đôi khi thần kinh của anh Hùng đôi khi không bình thường
“Ở đây muốn tồn tại tôi cần nhặt rác. Chỉ có nhặt rác mới sống được, mới kiếm được đồ ăn cho các con thơ của mình", anh nhìn con và nói.
Anh Hùng kể, ngay từ khi còn nhỏ sau một cơn sốt nặng anh đã bị biến chứng, toàn thân luôn run rẩy, sức khỏe yếu, thi thoảng thần kinh không ổn định. Anh từng có vợ, người con đầu của anh là một bé trai tên Sỹ 7 tuổi, con gái thứ 2 hiện mới ngoài 3 tuổi. Anh Hùng cho biết, trước đây do hoàn cảnh đói nghèo, không chịu được cảnh cơ cực nên vợ anh đã bỏ đi, để lại hai đứa con nhỏ. Anh em bé Bông lớn lên trong sự thiếu thốn mọi bề từ vật chất tới tình cảm.
Đã từ lâu thùng rác là nơi hai bố con dừng chân
Anh Toàn – một người dân gần đó cho biết: “Tôi biết gia đình anh Hùng cách đây mấy năm. Bố con anh trọ ở ngay khu vực Thạch Bàn trong một nhà trọ tồi tàn với chi phí khoảng 500 - 600 ngàn đồng 1 tháng. Hai anh em bé Bông sống trong tình yêu thương của bố và bà con lối xóm”.
Bé Bông tuy còn nhỏ nhưng rất hiểu bổ, yêu bố
Anh Toàn nói thêm, vì nhà gần đây nên anh cùng bà con lối xóm ai cũng xót xa khi dăm bữa nửa tháng anh em bé Bông lại sốt đùng đùng, còi cọc. Nhà nghèo nên chẳng bao giờ các bé biết tới đi khám bệnh, ba bố con cứ rau cháo nuôi nhau qua ngày.
Sáng sáng, đứa con trai lại ở trong nhà dọn dẹp, nấu cơm chờ bố về. Bố đưa bé Bông đi đến lớp mẫu giáo - trường Chích Bông để học rồi đi nhặt rác. Tới chiều, anh lại đến lớp đón con rồi địu con đạp xe khắp các nơi để nhặt nhạnh phế liệu.
Bác Chu – người dân trên phố hiểu về hoàn cảnh của anh cho biết, không ít những nhà hảo tâm tới và đề nghị được làm cha mẹ đỡ đầu cho anh em Bông nhưng anh Hùng nhất quyết không đồng ý. Anh bảo, dù anh có nghèo nhưng anh luôn cố gắng chăm sóc con, cố gắng làm lụng tốt nhất để con có được cái ăn, sự no đủ tối đa mà anh có thể làm.
Nụ cười của hai bố con khiến ai cũng phải xót xa. Bố cười vì bố không được hoàn toàn minh mẫn, còn đứa con cười vì thấy bố yêu con, bố vui.
Dù Bông mới chỉ 3 tuổi nhưng bé rất yêu bố, bé nghe lời bố, biết lúc nào bố mệt, bé lại ôm bố và bảo: “Bố ơi, bố nghỉ”.
Tết gần kề, nhà ai cũng đều quây quần trong mâm cơm, người thì đôn đáo đi mua sắm chuẩn bị đồ về quê còn bố con anh Hùng vẫn tranh thủ địu nhau đi nhặt rác.
Nhiều người ở khu phố thỉnh thoảng có cái bánh, hộp sữa hay vỏ chai nước, hộp giấy… cũng để dành cho cha con anh.
Thiếu hơi ấm, vòng tay của người mẹ, anh Hùng biết anh em bé Bông thiệt thòi nhiều lắm nhưng anh chẳng có cách nào khác ngoài việc chăm chỉ làm, và yêu thương con nhiều hơn.