Bị trẻ quát mắng, ném đồ đạc… thậm chí là xua đuổi, nhưng bà mẹ gần 60 tuổi này vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng. Lòng vị tha, tình yêu thương đã khiến người phụ nữ độc thân này trở thành mẹ của 26 đứa con và 15 đứa cháu cả nội lẫn ngoại, trưởng thành từng ngày ở một ngôi làng mang tên S.O.S.
Mẹ Lợi và các con hạnh phúc bên tổ ấm gia đình tại Làng trẻ em SOS Hà Nội. Ảnh: Mai Nguyễn
Không chồng nhưng có...15 cháu nội, ngoại
Đó là câu chuyện của bà Khuất Thị Lợi (58 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội), người thường được cả khu làng S.O.S và những đứa trẻ trong căn nhà “Hoa loa kèn” gọi một cách thân mật là: Mẹ Lợi. Căn nhà tuy nhỏ nhưng đồ đạc được bày trí rất gọn gàng. Đây là tổ ấm hiện tại của mẹ Lợi cùng 8 người con, vừa trai vừa gái. Con gái lớn năm nay học lớp 12, cô út vừa bước vào lớp 2. Tính đến thời điểm hiện tại, mẹ Lợi có 26 người con và 15 cháu nội, ngoại.
Hỏi về lí do đến với làng trẻ S.O.S, bà Lợi chia sẻ: “Đó là cái duyên của đời tôi. Tôi không kết hôn nhưng tôi muốn chăm sóc những đứa trẻ, đặc biệt là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. 25 năm qua, tôi vui và cảm thấy được an ủi khi nhìn các con trưởng thành. Tuy nhiên, làm việc gì cũng gặp khó khăn lúc ban đầu, đã có lúc tôi thấy nản lòng thật sự”.
Trường hợp khiến bà nhớ nhất là về một đứa trẻ khi được đưa vào làng lúc 4 tuổi, khóc suốt nửa ngày, nhất định không ở lại, không chịu nói chuyện với ai. Khi bà Lợi vỗ về, an ủi “Thôi nín đi, ở đây với mẹ” thì bé giãy nảy, đẩy ra và quát lớn “Ai gọi mẹ mà cứ tự xưng là mẹ”, sau đó ném đồ đạc vào mặt bà rồi bỏ chạy ra ngoài. “Lúc ấy thực sự tôi không biết phải làm gì, chỉ biết ngồi nhìn theo con, nước mắt thì cứ chảy ra”, bà Lợi chia sẻ.
Bà Lợi kể, không chỉ trẻ nhỏ, các cháu lớn cũng không chịu “mở lòng” với các mẹ. Những hôm đầu, mỗi con tự thu mình một góc, căn nhà không tiếng cười, chỉ có tiếng mẹ nói, gọi các con xuống ăn cơm. Bữa ăn cũng không ai nói với ai câu nào, không khí nặng trĩu bao trùm căn nhà nhỏ.
Tối đến, bà Lợi phải nằm tâm sự, an ủi, kiên trì “làm thân” với từng đứa trẻ, hy vọng các con sớm bắt nhịp, làm quen môi trường mới. “Nằm cạnh các con nhưng chúng lại coi tôi như người vô hình, không đứa nào chịu chuyện trò gì cả. Nhiều tuần liền, không đêm nào tôi chợp mắt được, nước mắt cứ trào ra, nghĩ thương phận mình tủi nhục”, bà Lợi bùi ngùi kể lại. Thế rồi, bằng sự kiên trì, tình yêu thương đối với trẻ nhỏ, dần dần các con cũng đã chịu nói chuyện với mẹ Lợi và các anh chị em trong nhà cũng không còn xa lánh nhau nữa.
Một đời nuôi... con mọn
Nuôi dưỡng và chăm sóc đứa trẻ không phải do mình sinh ra đã khó, huống hồ một lúc bà Lợi phải lo cho từ 8-9 đứa con, mỗi đứa một cảnh, một tính nết, một nhận thức riêng. Thời gian biểu một ngày của bà hầu như không còn chỗ trống. Đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp, tắm rửa, cho con ăn.... ngày nào cũng như người nuôi con mọn.
Ấy thế nhưng bù lại, các con ngày một hiểu ra, ngày một thương yêu nhau và coi bà như là người mẹ sinh ra chúng. Bé Nhi, người đã từng ném đồ vào người và quát mắng bà cũng đã trở nên thân thiết với bà. Bà Lợi đã bật khóc khi đọc tấm thiệp với dòng chữ lem nhem của bé Nhi: “Con xin lỗi vì đã cãi và ném đồ đạc vào mẹ. Mẹ tha lỗi cho con”. Nhiều lần bà Lợi bị ốm, các con xúm lại hỏi han, động viên bà mau khỏi, mua thuốc, nấu cháo cho bà và phân công nhau làm việc nhà. Những việc làm hết sức đời thường mà bất cứ đứa con nào cũng có thể làm đối với mẹ mình nhưng đối với bà Lợi, đó là những hành động vô cùng ý nghĩa, đủ làm bà thấy mãn nguyện và ấm lòng.
Bà Lợi chia sẻ: “Dù xuất thân thế nào, tính nết ra sao nhưng khi đã vào làng, trở thành con của tôi thì tôi sẽ hết lòng chăm sóc. Mặc dù thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng như đã bỏ cuộc, nhưng chính các con là động lực để tôi đi tiếp. Nhìn thấy các con lớn lên ngoan ngoãn, khỏe mạnh tôi cũng thấy an lòng và thấy không hối hận về quyết định của mình”.
Giờ nhiều con của bà đã trưởng thành, đang học tập, công tác hoặc đã có gia đình riêng nhưng đều coi làng trẻ S.O.S là nhà của mình, coi mẹ Lợi là người đã sinh ra họ lần hai. Năm nào, mỗi dịp Tết đến, trong nhà cũng rộn rã tiếng cười nói của mọi người. Các con trai, gái, dâu, rể đều đưa cháu về thăm bà và các “con mới” của bà. Các con của bà, tuy không còn chung sống với các em sau này nhưng tình cảm anh chị em đều gắn bó như người một nhà.
Cô con gái thứ sáu của mẹ Lợi tên là Quỳnh, đã kết hôn, đang sống cùng chồng và hai con nhỏ tại Mỹ. Năm nay, gia đình chị Quỳnh quyết định đón năm mới ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chị Quỳnh đưa con nhỏ về ăn Tết tại quê nhà. Bé trai lớn 6 tuổi, bé gái 3 tuổi, do chưa hiểu tiếng Việt, ban đầu việc giao tiếp giữa hai đứa trẻ với "bà ngoại" và các "cậu", các "dì" cũng gặp không ít khó khăn. Các bé chỉ hiểu thông qua hành động và cử chỉ của mọi người. Tuy nhiên, nhìn bà cháu quấn quýt, hai đứa trẻ vui đùa với các cậu, các dì, ít ai nghĩ rằng đây lại là những người không hề có quan hệ gì về mặt huyết thống. Tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau đã gắn kết những con người tưởng chừng như xa lạ, tạo nên một mái ấm gia đình.
Mẹ ơi, sao các cậu, các dì... bé thế? Đó là câu hỏi ngây thơ của những đứa cháu ở các gia đình tại Làng trẻ em SOS Hà Nội. Mỗi người mẹ ở đây thường có từ 8-9 người con. Khi con lớn trưởng thành, có cuộc sống riêng, các mẹ lại nhận các “con mới” về nuôi. Do đó, mỗi mẹ thường có rất đông các con và các cháu. Cô Lợi cho biết, đứa cháu lớn nhất của cô năm nay học lớp 8, trong khi đứa con út hiện tại mới học lớp 2. Mỗi lần đến chơi, các cháu dù lớn tuổi hơn nhưng vẫn tôn trọng gọi cậu, dì, cô, chú theo đúng… “vai vế” trong nhà. |