Có người nói rằng muốn khám phá đời sống người dân Sài Gòn, bạn phải đi sâu vào trong những con hẻm. Thật vậy, nếu ngoài đường phố cuộc sống Sài Gòn lúc nào cũng tất bật, náo nhiệt, thì khi bước vào trong hẻm bạn như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác.
Nếu Hà Nội có 36 phố phường thì Sài Gòn đặc trưng là có hàng nghìn con hẻm chằng chịt như ma trận nằm rải rác tất cả các quận trong thành phố. Hẻm là nơi sinh sống, nơi làm việc cũng là nơi thư giãn, vui chơi của biết bao người dân Sài Gòn. Trong những con hẻm nhỏ chỉ vừa vặn cho một chiếc xe đạp cũng có nhà và nhà. Cửa nhà này chiếu tướng cửa kia chỉ cách nhau năm sáu tấc, mọi người có thể nhìn thấy tất tần tật mọi sinh hoạt của nhau. Trong ảnh là một cô bé đang giặt đồ bên trong một con hẻm trên đường Ba Đình (Q.8). Còn đây là một thanh niên đang rửa xe ngay trước cửa nhà trong một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) Trên lối đi của những con hẻm chật hẹp hay những con hẻm có lộ giới lớn, người dân trong hẻm vẫn thích làm mọi việc nhà ngay trước cửa nhà mình, nơi sẽ có nhiều hàng xóm trò chuyện ở những nhà đối diện và gần kề. Hẻm cũng là nơi không gian vui chơi, nô đùa của trẻ emNơi các cụ già tụ họp nhau để đánh cờ tướngCũng là nơi các bà mẹ hướng dẫn con những bài học đầu đời về cây cối, hoa cỏ… Nơi mỗi khi chiều về, mọi người trong hẻm lại tụ tập trên những chiếc ghế đá ngồi trò chuyện. Vào hẻm, người ta còn bắt gặp những hình ảnh hồn nhiên phơi bày những vật dụng sinh hoạt rất cá nhân, rất đời thường của mỗi gia đình. Đó là đôi giày phơi nắng ngoài sân. Những bộ quần áo treo ngay trước cả nhà hay trên những lan can. Những chiếc ấm nước, bếp lửa lộ thiênHay những con vật nuôi trong nhà như gà, chó, mèo… Hẻm Sài Gòn giống như một Sài Gòn thu nhỏ - nơi người ta có thể bắt gặp những con người làm đủ các ngành nghề khác nhau. Mỗi buổi sáng, những chú xe ôm tụ tập nơi đầu hẻm để đón khách hay đơn giản là ngồi đợi những vị khách quen sinh sống ngay bên trong hẻm. Ảnh chụp trong con hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3)Trong con hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật cũng có rất nhiều cụ ông, cụ bà làm nghề bán vé số. Mỗi sáng họ thức dậy rất sớm và tỏa ra nhiều con đường trong thành phố để chào mời, đến khi chiều về họ lại tụ tập nghỉ ngơi trên những băng ghế đá ngay giữa khu dân cư. Những người bán hàng rong cũng chọn những con hẻm làm nơi mưu sinh. Ảnh chụp một con hẻm trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) Những hàng quán cũng thi nhau mọc lên để phục vụ nhu cầu của ngay chính người dân trong hẻm. Dù cư ngụ trong hẻm nhưng có bí quyết nấu ăn ngon hay bán hàng giỏi, nhiều quán ăn, quầy hàng vẫn ăn nên làm ra và thậm chí trở thành những thương hiệu nổi tiếng của Sài Gòn. Trong ảnh là những hàng quán bên trong con hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật, một khu ăn uống nổi tiếng của Sài Gòn. Hẻm 181 Xóm Chiếu (Q.4) là một thiên đường ăn vặt của giới trẻ Sài Gòn. Nhiều năm trước, con hẻm này rất nhỏ, nhưng sau 6h tối lại tấp nập người đẩy xe đồ ăn ra bán dọc hai bên đường, từ: xôi, chè, cháo, cơm, hủ tiếu,...với giá rất bình dân. Bên trong con hẻm còn có 4, 5 trường học dành cho trẻ mầm non, tiểu học, trung học nên cứ mỗi khi chiều về con hẻm này lại trở nên rất tấp nập. Chính vì cùng sống, cùng mưu sinh thế nên mọi người trong hẻm trở nên gần gũi và họ sẵn sàng giúp nhau mỗi khi ai đó có nhu cầu. Bất kỳ ai đến thăm con hẻm 60 đường Lý Chính Thắng (Q,3) đều nhắc đến bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (71 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.8), là người bán bánh mì và gom ve chai lấy tiền “nuôi heo đất” làm từ thiện giúp đỡ chính những người trong hẻm. Nhờ có bà Cúc mà những người trong con hẻm này như có được một sợi dây gắn kết với nhau. Có người gọi bà là dì Cúc “ve chai, dì Cúc “bánh mì”, hay dì Cúc “heo đất”, bởi bao nhiêu tiền lời từ việc bán bánh mì, bánh ngọt, ve chai, bà lại cặm cụi bỏ vào heo đất để giúp người nghèo.Con hẻm trên đường Phan Đình Phùng (P2, Q. Phú Nhuận) được người dân trong hẻm gọi là hẻm Ông Tiên vì nơi đây “cái gì cũng miễn phí”. Đó là ông Út làm nghề vá xe và chạy xe ôm, miễn phí cho người khuyết tật. Đó là thùng nước miễn phí để dành cho bất kỳ vị khách nào trên đường đang lên cơn khát. Người dân hẻm cũng tổ chức dịch vụ mai táng miễn phí.
Tủ thuốc miễn phí do bà con trong hẻm chung tay đóng góp đã xuất hiện ở đầu hẻm cách đây 10 năm. Chiếc tủ thuốc đã kịp thời giúp đỡ nhiều người bị tai nạn xây xát, chảy máu, ngất xỉu... được bà con nơi đây dìu vào sơ cứu trước khi đưa đến bệnh viện.Một số con hẻm cũng có chợ, gọi là hẻm chợ. Có thể liệt kê ra như hẻm chợ Bàn Cờ, nằm trên đường Cao Thắng, chợ Long Vân nằm sâu trong một con hẻm trên đường Bạch Đằng thuộc phường 24 quận Bình Thạnh – họp từ sáng sớm với đủ các thứ hàng rong dành cho công nhân và dân lao động. Trong ảnh là một con hẻm chợ trong cư xá 30/4, Q. Bình Thạnh. Những con hẻm ở Q. 5, Q. 6, khu Chợ Lớn mang một màu sắc rất khác – đó là hẻm của cộng đồng người Hoa sinh sống. Điểm đặc biệt là tên hẻm được đắp bằng chữ nổi ngay trên cổng hẻm hoặc chữ gắn trên một khung sắt cố định, như hẻm Triều Thương (257 Cao Văn Lầu Q.6), hẻm Thịnh An Lý (12, Trần Hòa, Q.5), hẻm Tô Châu Lý (47, Trần Hưng Đạo, Q.5)… Tên hẻm cũng có nhiều ý nghĩa. Hẻm Triều Thương được bà con ở đây giải thích rằng: Triều là người Triều Châu (hay còn gọi là Tiều Châu) và Thương nghĩa là thương gia. Hẻm được các thương gia người Triều Châu đến sinh sống và lập nghiệp đặt tên.Không gian hẻm người Hoa rất khép kín, giống như một khu dân cư thu nhỏ. Hẻm luôn là hẻm cụt, các nhà quây quần với nhau quanh con hẻm nhỏ, trước cửa nhà là khoảng sân chung, rất ít hàng quán. Các sinh hoạt diễn ra trong hẻm không khác gì tại sân nhà của một khu chung cư hoặc cư xá. Trong ảnh là hẻm Hào Sĩ Phường (206 Trần Hưng Đạo, Q.5), một con hẻm cổ có kiến trúc rất đẹp, là địa chỉ được rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa, đời sống người Hoa.Sau cùng, hẻm Sài Gòn chính là Sài Gòn – hay nói đúng hơn, vào hẻm, người ta bắt gặp những hình ảnh đặc trưng cho đời sống người dân Sài Gòn. Nơi mổi buổi sáng, mọi người kéo nhau ra đầu hẻm để ăn tô hủ tiếu. ... hay ngồi nhâm nhi ly cà phê bên trang báo mới. Thế đó, vào hẻm Sài Gòn, những vòng quay cuộc sống dường như chậm lại, nơi người ta có thể thong thả lắng lòng mình, tìm về những phút bình yên.