Chừng 30m2 mặt tiền phố cổ, quán bánh cuốn nhân thịt của cô An không chỉ là điểm hẹn quen thuộc của người dân Thủ đô mà trong suốt 26 năm nay luôn trở thành một lý do “níu chân” du khách nước ngoài.
Bánh cuốn “không hàn the” thu lãi bạc triệu
Chỉ mới 7 giờ tối, quán bánh cuốn nhân thịt của cô An – chủ cửa hàng bánh cuốn Q.A đã chật cứng vì không còn chỗ. Tận dụng mặt tiền phố cổ, diện tích nhỏ hẹp, tuy nhiên, lượt khách kéo về quán mỗi lúc một đông, có khách còn không quản trời rét và con nhỏ, vẫn chọn ngồi ngoài vỉa hè để mong thương thức một đĩa bánh cuốn nóng.
Cô An dù bận rộn nhưng vẫn tươi cười nắm bắt sở thích và tâm lý của khách hàng
Dường như đã thành thông lệ, “Lợn hay gà vậy cô/bác/cháu…?”, câu cửa miệng của người chủ quán hàng tương đương với lời chào nhiệt thành mà hồn hậu. Mặc dù, quán rất đông nhưng bánh cuốn chẳng bao giờ làm sẵn. Cần mẫn, điềm đạm hỏi về yêu cầu và nắm bắt sở thích của từng thực khách, đôi bàn tay của người tráng bánh cuốn lành nghề vừa nhanh thoăn thoắt tráng bánh, lồng nhân rất điệu nghệ, quên cả thời gian.
Quán mở từ chiều tối đến tận đêm khuya, càng về khuya, khách kéo đến quán càng đông, bởi theo cô An giải thích: “Nhịp sống phổ cổ là vậy, đêm là cái dạ dày lại biểu tình, người ta lại có nhu cầu ra đường, tiện thể ngắm phố cổ về đêm. Đó cũng là cái thú vui tao nhã của người Hà Nội xưa, giờ vẫn được duy trì”.
Khách của quán chủ yếu là người già. Có cụ đã 75 tuổi, nhà ở phía đối diện mà ngày nào cũng ghé quán. Tâm đắc với đĩa bánh cuốn nhân thịt gà, cụ gọi luôn cả một đĩa chân gà lận. Cụ kể cụ “thức quà này, cụ ăn quanh năm”, con cháu có nấu cơm nhưng “tuổi già ăn có hạn thôi”, cụ cười xòa. Cụ vừa về thì lại có hai cụ nhà ở tận Phan Chu Trinh vẫn sang tận nơi để có thể thưởng thức hương vị bánh cuốn gia truyền. Cô An cho biết, ngày nào hai cụ cũng “dắt nhau” sang gọi bánh nhân thịt gà. Đã chín mấy rồi mà hai cụ còn tình cảm lắm. Cụ ông chân yếu nên cụ bà sẵn sàng trở thành đôi chân của cụ ông như vậy đấy”.
Mặc dù, chẳng một lời tiết lộ về bí quyết kinh doanh của quán, song từng cử chỉ ân cần, niềm nở nắm bắt sở thích và tâm lý của khách cũng cho thấy phong cách phục vụ nhanh nhưng vẫn giữ phong thái điềm đạm, trọng chữ “tín”, trọng “chất” hơn trọng “lượng” của quán. Để ứng xử thông minh trong lúc khách đến “dồn dập”, cô An luôn “phải dặn khách để tiện sắp xếp”, để khách có thể sẵn lòng ngồi chờ khi những lượt bánh cứ thế nối tiếp nhau.
Chẳng một dòng chữ ghi “Bánh cuốn gia truyền”, nhưng quán bánh cuốn của cô đã nức tiếng khắp “trong làng ngoài ngõ”. Cô tâm sự, hồi nhỏ thấy bà và mẹ tráng bánh cuốn nên cũng học hỏi được một chút ít, sau này, khi lấy chồng, cô được mẹ truyền lại công thức và tự cô đã duy trì và phát triển quán cho tới ngày nay.
Với cô, không chỉ là thức ăn ngon mà còn là cảm xúc được mang đến trong từng món ăn đó. “Bởi những tình cảm người đầu bếp truyền vào món ăn sẽ khiến món ăn đó tự tỏa hương sắc và mùi vị. Đó là mùi vị của yêu thương. Món ăn ngon mà vô cảm chứng tỏ người đầu bếp đã thất bại”. Cô chia sẻ, “bí kíp gia truyền” cũng chỉ là công thức chết nếu người sử dụng nó không biết cách tìm tòi, sáng tạo để biến công thức đó thực sự là của mình”.
Thực khách dừng chân tại quán luôn bị thu hút bởi sự mến khách, thái độ mặn mà với từng lượt bánh cuốn trắng mịn của cô An. Bột sau khi trải qua công đoạn tráng thành một lát mỏng, được cuốn trắng mịn, e ấp mộc nhĩ và hành phi vàng ruộm, kèm chả cắt miếng trông rất bắt mắt.
Trông bề ngoài, sẽ rất khó phân biệt đĩa bánh cuốn nhân thịt lợn hay nhân thịt gà. Nhưng dù là loại bánh nào thì nhân được cho rất đầy đặn lồng trong vỏ bánh cuốn được tráng rất mỏng và mềm mịn
Đặc biệt, bánh cuốn không hề bị ngấy bởi thứ nước chấm “đúng độ” và công thức “bánh cuốn không hàn the”. Bánh được tráng rất mỏng, đảm bảo độ mềm mịn và trở nên đầy đặn nhờ nhân hỗn hợp thịt, hành và mộc nhĩ được xào lên thơm ngậy. Bởi theo cô An, bánh cuốn có hàn the khi ăn sẽ thấy rất dai và cứng, lại không hề đảm bảo an toàn.
Bác Thắng, 50 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) tấm tắc khen bánh cuốn của quán: “Bánh cuốn của quán được chế biến theo lối cổ, vệ sinh sạch sẽ bởi công nghệ làm bánh ẩm. Ở đây, bánh cuốn người ta tráng lấy, khác với bánh cuốn thời nay toàn làm sẵn xong hấp lại, ăn như cơm nguội hấp”.
Chị Vikki (30 tuổi) – một du khách người Anh tỏ ra hạnh phúc khi lần đầu tiên cùng chồng (anh Garetn) thưởng thức bánh cuốn tại quán: “Món ăn này rất rẻ và tốt hơn những thức ăn trong siêu thị ở Anh. Quy trình chế biến khá vệ sinh. Người bán hàng rất hiếu khách và nói tiếng Anh rất hay”.
Quán mở đến tận đêm khuya để phục vụ khách. Khách đông đến nỗi cô đếm không xuể mà “có đếm kiểu gì cũng sót tới vài chục người”, cô An cười xòa. Mỗi suất bánh cuốn nhân thịt lợn giá 20.000 đồng/suất, bánh cuốn nhân thịt gà gia 25.000 đồng/suất. Chả có ba loại chả quế, chả mỡ và chả cốm, mỗi loại 5000 đồng/miếng. Cô An ước tính mỗi ngày đón cả trăm lượt khách, trừ khoản chi phí cho nguyên liệu, bột, chả, than, gas, cô lãi gần 20 triệu đồng mỗi tháng.
“Chiken or Pork?”
Đặc biệt, khách ghé quán không chỉ hấp dẫn bởi thức quà gia truyền còn ấn tượng với khả năng nói tiếng Anh lau láu, tự tin như nói tiếng mẹ đẻ của cô.
Được hỏi thì cô khoe học từ con dâu cô. “Nó tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ ra. Trước không học tiếng Anh, tây vào ăn cứ phải nhờ mấy thằng tiếp tân khách sạn bên đường thấy khó chịu quá. Tức mình nên cô bắt nó dạy mình vài chữ. Ít nhất cũng phải biết đòi tiền nó chứ”, cô cười.
Cô thắc mắc tự hỏi không hiểu vì sao hiện tại một số người trẻ lại lười học tiếng Anh. Học tiếng Anh dễ dàng nếu chịu rèn luyện thường xuyên. Cô nói rằng học tiếng nước ngoài cũng như hiểu biết về văn hóa của họ cũng là cách để hiểu về tiếng mẹ đẻ và văn hóa của nước mình. Nếu có một điều ước, cô sẽ ước mình được học tiếng Anh cho đến khi nói lưu loát như người nước ngoài, để có thể hiểu sâu hơn về con người và văn hóa nước họ.
“Việc thực hành nói tiếng Anh quan trọng là tự tin”. Cô chia sẻ mất vài tháng cô mới nói thành thạo được một số từ ngữ như “Chiken or Pork?”, “Có chả” hay “Không chả”, “Ăn ở đây hay Mang đi”,… Con dâu cô dạy cô phương pháp học tiếng Anh hiện đại, nghe tiếng Anh để hiểu và học từ mới, học cấu trúc câu,… Chắc vốn tiếng Anh của cô bánh cuốn cũng chỉ nhỉnh hơn cô Toán, chủ cà phê 61 B.S chỗ mình hay ngồi. Cô Toán nói cũng chỉ vừa đủ mấy từ “Nóng hay Đá, “Sữa hay Không sữa” và giá tiền,…
Nhưng thế cũng là quá đủ cho các cô tự tin hội nhập với kinh tế quốc tế. Hương vị cà phê là một trong rất nhiều lý do khiến cho những du khách, dù mới chỉ trong cuộc gặp đầu tiên, đã luyến nhớ Hà Nội.
“Are you Lonely?” (Cậu thấy cô đơn không?”)
Nép mình khiêm nhường ở một góc phố B.S tĩnh tại và trầm tư, quán cà phê là một địa chỉ quen thuộc của những người “nghiện” cà phê phố cổ. Nhắc tới cà phê B.S, người ta sẽ lại nhớ tới cô chủ quán tên Toán niềm nở trò chuyện với khách cho tới khi qua cữ cà phê.
Mỉm cười, vẫn bằng một giọng đều đều, hoài niệm của người đã hơn hai chục năm gắn bó với góc phố B.S này, cô Toán ôn lại những quãng buồn vui của quán. Cô Toán tâm sự, quán cô không có nhiều khách “Tây”, nhưng nhớ nhất là một anh chàng người Italy, lần nào ghé quán cũng tới một mình và gọi một ly cà phê đen đậm đặc. Thậm chí, cả năm trời mới có dịp ghé thăm Hà Nội, “cậu ta gọi cho một tràng 4 ly cà phê đen đặc quánh”, cô chủ quán hồn hậu kể. Thậm chí có lần, thấy cậu ta ngồi với chiếc laptop, miệt mài với trang Microsoft Word, những cữ cà phê cứ nối tiếp nhau đến hết ngày, cô bật hỏi: “Are you Lonely?” (Cậu thấy cô đơn không?”. “I Love HaNoi”, hạnh phúc trong tôi là cuối ngày được nghe câu nói này từ một người trẻ ngoại quốc.
Cô nhớ rõ cảm giác hạnh phúc vẹn nguyên của một người khi mới đầu ngày mới, tỉnh dậy đã thấy dòng người xếp hàng dài trước quán. Họ không quên chia sẻ nỗi vui vô bờ khi trở lại Hà Nội sau một chuyến đi du lịch dài ngày. Anh chàng người ngoại quốc “nghiện” cà phê năm nào tâm sự rất thật: “Điều đầu tiên sau khi quay trở lại Hà Nội là được thưởng thức ly cà phê đen sánh đặc và thấy nụ cười rạng rỡ của cô chủ quán”.