Đã xa rồi cái thời người người, nhà nhà mong ngóng đến dịp Tết để được lĩnh thưởng cuối năm. Tết và thưởng Tết không biết từ bao giờ đã trở thành nỗi “khiếp sợ” thấp thỏm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là người lao động.
Thời kỳ kinh tế suy thoái nên thưởng Tết là nỗi lo không chỉ của người lao động mà còn của cả doanh nghiệp (Ảnh Internet) Muôn hình vạn trạng hình thức thưởng TếtVừa đọc được tin trên báo mấy ngày nay về tình hình thưởng Tết 2015, chị Duyên thở dài rồi nhìn ra khe cửa sổ bé xíu trong căn phòng vốn được trưng dụng làm kho của cơ quan. Chị nhớ lại năm trước, cận Tết rồi mà cơ quan tịnh không động tĩnh gì về lương thưởng. Mấy chị em phụ nữ chỉ dám rì rầm bàn tán, đoán già đoán non… lòng dạ như lửa đốt vì hàng đống thứ đang chờ phải mua. Cánh đàn ông mỗi khi nghe nói đến hai từ thưởng Tết thì chỉ cười nhạt, húp một ngụm trà rồi ngồi rít thuốc.
Cách đây gần chục năm có thể nói là thời kỳ thịnh phát của công ty in nơi chị làm việc. Rồi mọi việc cứ ít dần đi. Báo giấy bây giờ mấy ai đọc nữa. Các loại sách báo, văn hóa phẩm khác cũng “hẻo” dần... Ngày 28 Tết, phòng hành chính gọi lên lĩnh thưởng. Cầm 300.000 đồng và chục cuốn block lịch nặng muốn gẫy tay, chị Duyên cười như mếu.
Thời kỳ huy hoàng của những con số nhiều chữ số hấp dẫn ở khoản thưởng Tết đã qua? (Ảnh Internet)
Năm vừa rồi, cơ quan buộc phải cắt giảm nhân sự ở một số bộ phận. Chị Duyên may không nằm trong số này nhưng cũng bị thuyên chuyển xuống kho. “May là còn chưa bị nghỉ việc đấy, chứ mình không bằng cấp gì, lại nhiều tuổi, biết làm gì nếu thất nghiệp” – chị buồn rầu tâm sự, rồi nhìn đống sách tồn kho nói vu vơ – “Năm nay không khéo lại được mang sách lịch sử, triết học với bí quyết làm giàu không khó… về thưởng Tết cho mấy đứa nhỏ ở nhà không biết chừng”.
Chồng chị Duyên làm cho một công ty bất động sản, năm ngoái thưởng Tết cũng không khấm khá gì. Nghe vợ mếu máo qua điện thoại, anh nói đùa: “Mẹ nó cứ yên tâm, thể nào anh cũng được công ty thưởng cho một căn hộ. Nhà đang ế chỏng trơ, mãi không bán được thì thưởng nhanh nhân viên cho chóng hết hàng”.
Câu chuyện của vợ chồng chị Duyên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp người lao động được thưởng Tết bằng hiện vật. Áp dụng nguyên tắc “của nhà trồng được”, “có gì thưởng nấy”, các doanh nghiệp mang nước mắm, gạch men, màn tuyn, quần áo, thực phẩm… ra thưởng Tết cho nhân viên. Thậm chí có doanh nghiệp còn cho nhân viên nghỉ Tết dài ngày, gọi là quà Tết.
Thưởng Tết bằng "cây nhà lá vườn" hoặc những món quà tinh thần không phải là chuyện quá xa lạ (Ảnh Internet) Mấy năm gần đây, nhân vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn nhức nhối mỗi dịp tết đến xuân về, một số doanh nghiệp đã nhạy bén nghĩ ra hình thức tự sản xuất quà “sạch” làm phần thưởng cho người lao động. Họ tự đặt mua lợn quê, gà sạch, nếp ngon, rồi tự gói giò, bánh chưng, bánh dày… tặng cho nhân viên.
Theo dự đoán của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, năm nay tình hình thưởng Tết của các doanh nghiệp sẽ không khá hơn hơn năm ngoái vì hoạt động kinh doanh vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, sẽ giảm thiểu những doanh nghiệp không có thưởng hoặc thưởng bằng hiện vật, sản phẩm như Tết năm 2014.
Nhiều chị em không ngồi "há miệng chờ sung"Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, Tết vẫn là dịp quan trọng nhất trong năm. Mặc cho các bà, các mẹ luôn “hùng hổ” tuyên bố sẽ có một cái Tết tiết kiệm nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Có những khoản cố định không thể không tiêu và vì thế, nếu không tính kỹ, nhiều gia đình vẫn rơi vào cảnh “thiếu trước hụt sau”. Là những người tay hòm chìa khóa, không ít chị em đã lên kế hoạch “ra tay” từ trước Tết, quyết không để gia đình rơi vào cảnh bị động chờ thưởng ngóng Tết.
Vốn là con dâu đất bưởi Diễn, chị Ngọc (Thanh Xuân – Hà Nội) năm nào cũng được họ hàng nhà chồng cho mấy chục quả bưởi ăn Tết. Nhà ăn không hết chị mang biếu hàng xóm, bạn bè, ai cũng khen nức nở. Năm nay, nghe ngóng chồng không làm ăn được mấy, chị Ngọc quyết chí đi buôn. Từ mấy tháng trước chị đã về quê, mua đứt luôn cả vườn bưởi. Cách đây nửa tháng, chị đã lên hái phân nửa. Bưởi Diễn càng để lâu càng xuống nước, ăn càng ngon ngọt. “Mình túc tắc bán từ giờ đến Tết kiều gì cũng hết” – chị Ngọc tự tin chia sẻ.
Không riêng gì chị Ngọc, nhiều chị em văn phòng đã tận dụng nguồn nông sản quê mình để kinh doanh online. Từ miến dong, măng khô, gà đồi, lợn mán đến giò lụa, bánh chưng… món nào cũng có. Kiểu kinh doanh này không bó buộc chị em về thời gian, lại nhanh và tiện, nên nhiều chị nhanh nhẹn đã kiếm thêm được kha khá tiền để dành cho Tết.
Một số chị khác lại sử dụng chính tài nghệ nấu nướng của mình để kiếm tiền. Thịt bò khô, các loại ô mai, mứt Tết, bánh ngọt… đều được các chị mạnh dạn đưa vào chế biến và bán hàng trên mạng.
Chị Kim Dung (An Dương – Hà Nội) cứ mỗi dịp cuối năm lại tất bật với căn bếp của mình, đặc biệt là món thịt bò khô. Chị kể nhiều khi bắt đầu làm từ sáng, đến lúc ngẩng mặt lên đã 11h khuya. Làm thịt bò khô cầu kỳ và mất khá nhiều thời gian, lại chỉ có mình chị xoay vần trong bếp, nhưng do không muốn chậm hàng đã hẹn với khách nên lúc nào cũng phải cố gắng.
Chị Kim Dung tìm kiếm nguồn tiêu Tết bằng việc kinh doanh món thịt bò khô tự tay mình làm.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Câu chuyện thưởng Tết sẽ vẫn là đề tài nóng trong không ít mâm cơm gia đình. Người lao động sẽ vẫn nuôi hi vọng vào một khoản thưởng nào đó.
Trong hoàn cảnh hiện nay, đôi khi, hi vọng lại là thứ cứu cánh của không ít người.