Họ là những phụ nữ đời thường nhưng đã thành công từ niềm đam mê cá nhân. Câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ Việt vì tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Thương Sorbey – Người phụ nữ sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam
Chị Nguyễn Khánh Thương (Thương Sorbey), sinh năm 1982, phát hiện mình bị mắc ung thư vú giai đoạn 4 sau lễ ăn hỏi ít ngày, khi chị vừa bước qua sinh nhật tuổi 30 ít tháng. “Tôi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú tháng 4.2014. Phụ nữ nhìn cơ thể tôi chắc cũng còn cám cảnh, nói gì đến đàn ông. Phải mất hơn 2 tháng kể từ lúc mở băng vết mổ, tôi mới thấy hết sợ hãi những vết sẹo trên ngực mình. Tôi mới vượt qua được cảm giác mình thật xấu xí và mới ngừng hỏi chính mình rằng, tôi có còn là phụ nữ không?”, chị kể.
Thương Sorbey - Người sáng lập Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam
Thế rồi, trong quá trình tìm hiểu về bệnh tật cũng như điều trị, chị nhận ra rằng, phụ nữ Việt Nam nói chung thiếu thốn một cách nghiêm trọng thông tin về ung thư vú, những người đã mắc bệnh không được hỗ trợ tốt về tinh thần và thể chất. Đó là lý do thúc giục chị thành lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam với sứ mệnh tăng cường phát hiện sớm ung thư vú và cải thiện chất lượng sống cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh.
Bên cạnh việc làm quản trị cho diễn đàn ung thư vú Việt Nam và chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung đăng tải trên website của Mạng lưới, chị Thương còn tham gia các nhóm, diễn đàn phụ nữ mắc ung thư vú ở Úc, Anh, Mỹ, Canada... “Có một vài điểm khác biệt mà tôi thấy rõ giữa phụ nữ Việt mắc ung thư vú và phụ nữ ở các nước phát triển đó là sự hiểu biết về ung thư vú và phác đồ điều trị của phụ nữ phương Tây tốt hơn hẳn so với phụ nữ trong nước. Do đó họ kiểm soát tác dụng phụ tốt hơn trong quá trình điều trị”.
Chị Thương cho biết mình đã thay đổi nhận thức về bản thân khá nhiều từ sau khi mắc bệnh ung thư vú
Quá trình điều trị ung thư rất đau đớn nhưng chị Thương cho biết mình đã thay đổi nhận thức về bản thân khá nhiều từ sau khi mắc bệnh. “Tôi tạo ra những niềm vui nho nhỏ cho cuộc sống hàng ngày của mình, trong những việc làm rất nhỏ như trồng rau, trồng hoa, nấu nướng, dọn nhà, giặt giũ, là lượt quần áo cho chồng…Tôi rất thích một câu ngạn ngữ đúc kết rằng: “Một con người hạnh phúc không chỉ là một con người mang lại hạnh phúc cho người khác mà còn là một con người biết làm cho chính mình vui sướng và là một con người biết ơn cuộc đời”, chị chia sẻ.
Điều trị ung thư vú đã di căn khiến toàn bộ xương cốt, cơ khớp chị bị tổn thương, đau đớn. Hàng đêm, chị Thương mất ngủ và rụng tóc thường xuyên. Da dẻ chị trở nên nhăn nheo, cháy sạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Thế nhưng, bất chấp vẻ ngoài thay đổi, chị Thương vẫn lạc quan về cuộc sống “Một phụ nữ sẽ đẹp lên, sẽ yêu cuộc sống khi cô ấy tự tin vào bản thân, biết yêu bản thân, biết yêu người khác và được yêu. Bạn có thể mất đi tuyến vú nhưng bạn còn trái tim, bạn còn ánh mắt, bạn còn nụ cười, bạn còn vô vàn những giá trị, phẩm chất tuyệt vời khác. Tôi muốn tặng tất cả những phụ nữ đồng cảnh câu nói của cô gái Turia Pitt, một người mẫu xinh đẹp đã gặp tai nạn cháy hết toàn bộ cơ thể, khuôn mặt biến dạng, đôi bàn tay trở thành khuyết tật… ở tuổi 25. Cô ấy tự tin bảo rằng: “con người bạn có nhiều giá trị hơn hình hài, chắc chắn là như vậy”.
"Tôi học để yêu chính mình, để hạnh phúc và để cảm thấy đẹp từ bên trong"
Bằng chính câu chuyện của mình, chị Thương Sorbey gửi thông điệp đến những phụ nữ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú quái ác học cách yêu chính mình để cảm nhận vẻ đẹp từ bên trong mình. “Tôi nghĩ hình dáng hoàn hảo bên ngoài, từ làn da, vóc dáng… chỉ là cái vỏ bên ngoài của cái đẹp. Thần thái con người mới là cái lõi của cái đẹp hay nói cách khác chính là cách chúng ta nghĩ gì về chính mình, cách chúng ta ứng xử với cuộc sống. Hình thức bên ngoài của tôi chỉ ở mức trung bình, giờ lại ốm đau nên tôi luôn cố gắng học hỏi mỗi ngày để ứng xử với chính mình, với xung quanh tốt đẹp hơn. Tôi học để yêu chính mình, để hạnh phúc và để cảm thấy đẹp từ bên trong”.
Trần Linh – Người phụ nữ vẽ tranh bằng bánh ngọt
Trần Linh mê trào lưu chụp ảnh đồ ăn (food photography) và mỗi lần xem những bức ảnh chụp đồ ăn tuyệt đẹp của các nhiếp ảnh gia nước ngoài, chị muốn tự tay thực hiện những tác phẩm như thế. Thế là chị quyết tâm theo đuổi cả hai nghề: vừa làm bánh, vừa chụp ảnh.
Đầu tiên chị mày mò các công thức làm bánh, xem các video làm bánh qua internet để tiếp cận nhiều phong cách khác nhau rồi tự pha trộn các kiểu làm bánh khác nhau để tạo ra những chiếc bánh mang cá tính riêng. Với nhiếp ảnh cũng thế, chị vừa chụp vừa khám phá, vướng ở đâu thì tìm hiểu ở đấy chứ không học bài bản từ A-Z.
Trần Linh - Người vẽ tranh bằng bánh ngọt
Mỗi chiếc bánh của Trần Linh thiết kế đều có câu chuyện riêng
Hiện tại, Trần Linh đã thực hiện khoảng 100 mẫu và công thức bánh khác nhau, đa phần là bánh đường (fondant), nhưng với chị, thế giới đó “vẫn hấp dẫn và đầy thách thức, bởi ta có thể tái tạo hình ảnh thế giới xung quanh, vận dụng các kiểu kiến trúc, họa tiết từ thiên nhiên, bắt chước mọi hình dạng chỉ với nguyên liệu là đường và bột. Bên cạnh đó, có lẽ vì được khám phá ở cả hai lĩnh vực ẩm thực và nhiếp ảnh, từng ngày chinh phục những thử thách mới nên mình chơi mãi mà chưa chán, càng chơi càng say mê hơn”.
Vốn cầu toàn, muốn bất kỳ sản phẩm nào tạo ra cũng phải hoàn hảo, chị Linh đã vứt đi không biết bao nhiêu chiếc bánh thất bại trước khi tìm ra công thức chuẩn nhất, ngon nhất. Thậm chí có những sản phẩm chị dành cả tuần để làm bánh, trang trí từng chi tiết, tạo bối cảnh để chụp ảnh, sao cho bức ảnh ấy hoàn hảo nhất ở thời điểm được chụp.
Một số tác phẩm bánh fondant của Trần Linh
Say mê và muốn chinh phục cái đẹp, khát vọng sở hữu một bộ sưu tập bánh và ảnh của riêng mình, Trần Linh cặm cụi làm bánh, chụp ảnh rồi đănng lên Facebook cá nhân. 150 tác phẩm trong album "Kitchen Story" của chị mang theo những câu chuyện, hơi thở cuộc sống và tâm hồn chị. Mỗi tấm ảnh được post lên luôn nhận được vài trăm lượt "like" cùng hàng trăm bình luận ngưỡng mộ của bạn bè. Số bạn bè mới và người theo dõi Facebook cá nhân của chị để chờ đón những tác phẩm mới, để học hỏi những công thức làm bánh, kinh nghiệm chụp ảnh hay giản đơn là trầm trồ trước những tác phẩm của Trần Linh cũng không dưới vài nghìn người. Chị cho hay, chị cũng có thêm hàng trăm người bạn mới bên ngoài thế giới ảo, vì mê những tấm ảnh chụp bánh đã đến làm quen, chia sẻ niềm đam mê với chị.
Sắp tới, Trần Linh dự định sẽ mở cake studio chuyên các dịch vụ liên quan đến bánh ngọt. Studio cake này sẽ là một nơi để các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật làm bánh ngọt và đam mê chụp ảnh đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, là nơi họ có thể khám phá thế giới diệu kỳ của đồ ngọt.
Mỹ Linh – Cô gái Việt thoát chết ở Nepal bỏ việc nghìn đô để khám phá thế giới.
Bỏ công việc lương cao để đi du lịch một mình, dạy tiếng Anh cho trẻ em những nơi mình đi qua, sống sót qua trận bão tuyết khủng khiếp tồi tệ nhất trong 10 năm qua tại dãy Himalaya (Nepal) và ngay sau đó gửi một bức thư đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục về sách giáo khoa Anh ngữ... Võ Thị Mỹ Linh đã tạo dấu ấn về hình ảnh một người Việt trẻ đầy cá tính trong năm 2014.
Chân dung Võ Thị Mỹ Linh
Mỹ Linh sinh ở Huế (1989), sau đó cùng gia đình chuyển vào Bình Phước. Cô học ĐHKHXH&NV TP HCM, từng là phóng viên tạp chí Mốt & Cuộc sống, rồi chuyển sang làm ngân hàng và cuối cùng bỏ việc để đi du lịch.
Nói về quyết định táo bạo bỏ việc để đi du lịch, Mỹ Linh cho biết cô không hề hối tiếc về quyết định này, thậm chí còn cảm ơn vì nhờ đó mà cô đã có những trải nghiệm tuyệt vời.“Tôi từng đi cùng bạn giữa đêm, bước qua những người đàn ông say xỉn nằm vật vạ giữa đường phố Ấn Độ. Tôi từng cuốc bộ đi học, đếm từng đống “shit” để bước qua vì ở Ấn Độ người ta ăn ngủ ngoài đường nên phóng uế ngoài đường nhiều. Tôi từng thức nằm co ro 40 tiếng trên tàu Ấn Độ, mất tiếp 5 tiếng đồng hồ ngồi trên xe bus để đến Saunali, từ Saunali cuốc bộ quan biên giới Nepal, từ biên giới Nepal lại ngồi trên chuyến xe bus tử thần 8 tiếng đồng hồ để đến thành phố Pokhara của Nepal. Tôi rút ra một điều “Nguy hiểm là có thật nhưng sợ hãi chỉ là sự lựa chọn”, cô kể.
Mỹ Linh và những nữ sinh trung học ở Nepal
Không có nhiều tiền nên Linh chọn những nước nghèo để đi du lịch. Và đi du lịch nhưng không chỉ để ngắm cảnh, ở mỗi đất nước Linh đến cô đều dừng lại để sống và làm tình nguyện dạy học cho trẻ em.“Vì những nước nghèo sẽ giúp tôi sống được lâu ở đất nước họ. Lúc đi tôi chỉ có 3000USD. Tôi dành 1000 USD để đặt vé, 2000 còn lại là chi trả cho ăn ở. Đi du lịch, tôi cần người nói chuyện, cần người kể cho tôi nghe thứ này thứ kia nên tôi không thích đi du lịch kiểu ngắm cảnh là vì vậy. Nếu chỉ ngắm cảnh thì ở Việt Nam thôi cũng đủ rồi, biển trời sông núi, cả hang động lớn nhất thế giới Việt Nam cũng có, hà cớ gì phải đi. Tôi muốn đi để giao tiếp, càng giao tiếp nhiều thì tôi càng hiểu về văn hóa, đất nước họ đồng thời kĩ năng tiếng Anh của tôi càng được cải thiện”.
"Đi để trải nghiệm, để thấy mình trưởng thành, để thấy mình biết ít quá và cần đi mà học hỏi nhiều hơn nữa" là phương châm du lịch của cô gái trẻ Mỹ Linh
Mỹ Linh bày tỏ quan điểm của một người trẻ về cách giải thoát bản thân trướcnhững nhàm chán của cuộc sống.“Tôi cũng chẳng đi nhiều đâu, chỉ mới du lịch bụi ở 2 nước là Nepal và Ấn Độ. Nên nếu các bạn thích chu du, thích giải thoát thì đó là quyền của các bạn, tôi không có ý kiến gì. Mỗi người có một cách để giải thoát bản thân khác nhau. Nhưng đi để chinh phục được cái ngọn núi cao nhất nhì thế giới rồi tự cho bản thân mình là kiên cường thì không phải. Điều tôi quan trọng là học được gì sau những chuyến đi, để thấy mình lớn lên, để thấy mình trưởng thành, để thấy mình biết ít quá và cần đi mà học hỏi nhiều hơn nữa. Tôi mong các bạn đi nhiều, nhưng đi để thu lượm kiến thức, đừng đi chỉ vì thu lượm những tấm hình để chứng tỏ cho mọi người thấy là bạn từng đến đó”.
Trần Thúy An – Chân dài 9X đi tình nguyện 13 nước
Cao 1m75, cô gái trẻ Trần Thúy An, 23 tuổi, không chỉ là một "chân dài" xinh đẹp mà còn là "siêu thủ lĩnh" tình nguyện". Cô gái 23 tuổi này đã trải nghiệm cuộc sống ở 13 nước khác nhau trong các chuyến tình nguyện của mình.
Chân dung "siêu thủ lĩnh" Trần Thúy An
Đối với Thúy An, cơ hội đến với quận Ballymun thuộc Thủ đô Dublin của Ai-Len và làm việc với tổ chức Kế hoạch Hành động toàn cầu Global Action Plan (GAP - một mạng lưới các tổ chức quốc tế cùng làm việc với nhau trong việc nâng cao năng lực cộng đồng về vấn đề sống và làm việc theo thói quen bền vững hơn) là một trong những trải nghiệm thú vị và ấn tượng nhất. Thúy An cho biết dự án Community Garden cung cấp những mảnh vườn cho người dân địa phương, cụ thể là những người có nhiều thời gian rảnh rỗi và có khuynh hướng không tự chăm sóc bản thân, đặc biệt người già và người khuyết tật. Họ được khuyến khích đến những khu vườn này để cùng làm việc với nhau, cùng nhau thảo luận và trồng những loại cây mình thích như hoa hoặc rau màu. Sau mỗi vụ mùa, họ được đem hoa, rau củ quả trồng được về nhà mình. Thúy An cũng tham gia trồng trọt, làm vườn với những người dân ở đây với tư cách là một tình nguyện viên của tổ chức.
Thúy An lần đầu trải nghiệm cầm cào đất, xẻng ở Ai len
Khi đến Ai Len, Thúy An cũng tham gia dự án lớp học nâng cao nhận thức cho trẻ em về môi trường, tại đây cô rất ấn tượng về phương pháp tiếp cận với trẻ em ở đất nước này.Cô cho biết: "Người lớn lắng nghe nhiều hơn và tạo điều kiện cho trẻ em lên tiếng nhiều hơn. Tất cả các bài học là bài học mở, hoàn toàn không có một cái “kết bài” nào được đưa ra từ người lớn mà sau mỗi bài giảng, trẻ con sẽ tự đưa ra kết luận cho riêng mình. Bên cạnh đó, qua việc tiếp xúc với trẻ con ở đây, tôi nhận thấy ý thức về bảo vệ trẻ em của họ cũng khá cao, đơn giản như khi muốn chụp hình trẻ con thì phải có giấy đồng ý từ bố mẹ".
Chụp hình lưu niệm cùng một người bạn nước ngoài là thành viên của Dự án Công dân toàn cầu AIESEC.
Những chuyến đi của An hoàn toàn miễn phí nhưng không phải chỉ đi chơi, du lịch mà là những chuyến đi để học tập, trải nghiệm và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Đến mỗi một đất nước, tiếp xúc với những con người ở đấy, An lại học thêm nhiều điều bổ ích. “An nhớ nhất là chuyến hành trình dài 2 tháng làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh và Toán học cho các bạn nhỏ tại Indonesia. Do sơ suất từ BTC chương trình mà An không có chỗ ngủ qua đêm, lại không tìm được nơi đổi tiền. Trong lúc lo lắng và sợ hãi như thế, An được một người dân tốt bụng cho ngủ lại tại nhà, còn giao luôn cả chìa khóa nhà cho An vào hôm sau. Sau lần đó, An cũng học được cách cần phải chủ động trước mọi tình huống bất ngờ xảy ra”.
Để được là một trong 29 bạn trẻ tiêu biểu đại diện Việt Nam tham dự Tàu Thanh niên Đông Nam Á , Thúy An mất gần 3 năm để theo đuổi chương trình này.
Có bảng thành tích khủng: thủ lĩnh sáng lập CLB Children Link Club Sài Gòn, giành giải Siêu thủ lĩnh năm 2013, một trong 1000 bạn trẻ trên thế giới tham gia diễn đàn văn hóa thế giới do Liên hiệp quốc tổ chức tại Bali, Indonesia, đi tình nguyện ở 13 quốc gia là một tài sản kha khá của cô nàng chỉ mới 23 tuổi, nhưng với Thúy An, đó vẫn chưa phải là điểm dừng của cô gái năng động mê dịch chuyển này.An dự định sẽ làm việc ở một tổ chức phi chính phủ trong vòng 2 năm, sau đó sẽ cố gắng xin học bổng ra nước ngoài học tập và rèn luyện thêm. “Nhưng trước mắt, An sẽ lên kế hoạch cho chuyến phượt một mình tại các quốc gia ở Châu Âu”, cô nàng bật mí.