Cứ những dịp cuối năm, khắp phố xá lại treo biển "sales off", hạ giá, thanh lý… để hút khách. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều chị em phụ nữ mê mua sắm dễ rơi vào cảnh "cháy túi".
Dọc theo đường Cầu Giấy về Hồ Tùng Mậu hoặc các tuyến phố Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch khắp nơi đều là bảng hạ giá, giảm giá nhân dịp cuối năm. Các mặt hàng sale off đa phần là hàng thời trang như giày dép, quần áo, túi xách…
Chuyện của "tín đồ" shopping
Là một tín đồ shopping, Minh Hằng (26 tuổi, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) thường không ngại ngần bỏ vài triệu đến vài chục triệu để săn hàng hiệu, hàng “độc”. Hằng cho biết, một năm có 2 đợt giảm giá mạnh nhất là cuối hè và cuối năm. Hai đợt này “ngốn” của cô nàng một khoản bằng ít nhất là 3 tháng lương/đợt.
Vì chưa có gia đình nên cô nàng chẳng bao giờ phải lo tiết kiệm nên có thể “vung tay” thoải mái. Hằng nói cô nàng chỉ có mỗi sở thích mua sắm, bình thường lướt web thấy thích món nào là chuyển khoản để “rinh” em về ngay. Huống chi cuối năm, trung tâm thương mại và cửa hàng giảm giá đầy rẫy khiến “cơn nghiện mua sắm” của cô nàng càng trỗi dậy mạnh mẽ.
“Từ đầu tháng 12 đến giờ mình đã lùng mua được chục chiếc váy thu đông rất đẹp, mặc hợp thời tiết lắm, đi chơi đi làm đều ok” – Hằng vừa nói vừa mở tủ khoe những chiếc váy xòe, váy ngắn, váy dạ hội… còn chưa xé mác của cô nàng – “Còn cả đôi giày này nữa, bình thường là 2,5 triệu nhưng đang giảm giá 30% nên chỉ còn hơn 1,7 triệu. Không mua bây giờ thì còn đợi đến bao giờ nữa”, cô nàng hí hửng như vớ được những món hời.
Nhiều cửa hàng thời trang treo biển giảm giá từ 20 - 50% để thu hút khách
Khi được hỏi về chuyện không tính toán lo toan gì cho tương lai, cô nàng liền chẹp miệng: “Mình cũng muốn tiết kiệm lắm. Nhiều lần đã “dặn lòng” rằng không được bén mảng tới mấy trung tâm thương mại, không được nhìn ngang ngó dọc vào các cửa hàng, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà là tới cơ quan, không la cà quán xá. Nhưng khổ nỗi những biển quảng cáo cứ đập vào mắt, ma-nơ-canh liên tục thay quần áo mới, mở facebook ra cũng đầy rẫy banner quảng cáo. Thử hỏi làm sao mình có thể kiềm chế được?”.
Vậy là cô nàng đổ lỗi ngay cho việc “cháy túi” của mình là tại người ta mời gọi chứ bản thân cô nàng “rất biết chắt chiu”. Hằng than thở: “Từ giờ đến cuối năm âm lịch, mình còn biết bao thứ cần mua nữa. Nào là quà biếu tết cho ông bà bố mẹ, quà cho các em các cháu, rồi còn quần áo tết và mỹ phẩm cho mình(!!!). Chưa năm nào mình còn tiền khi đến 30 tết. Có lắm khi phải đi vay tiền tiêu trong khi lương của mình cũng chẳng đến nỗi nào. Nhiều khi cũng xấu hổ ra trò”.
Hỏi thăm cô nàng còn ai có “thú vui tốn tiền” như vậy nữa không? Hằng liền giới thiệu tới ngay chị đồng nghiệp cùng phòng, một trong những người chuyên “săn” hàng hóa mùa sale off.
Chạy đua với hàng giảm giá
Hẹn gặp được chị Lê Quỳnh (31 tuổi) – đồng nghiệp của Minh Hằng trong con ngõ nhỏ đường Đặng Văn Ngữ (Đống Đa), chị Quỳnh cười nói: “Đừng chụp ảnh lên nhé, có gì đáng để khoe khoang đâu. Mình chỉ tiết lộ và chia sẻ đôi câu chuyện thôi”.
Chị cho biết, dù đã có gia đình và hai đứa con (một cháu 4 tuổi, một cháu 1 tuổi) nhưng sở thích mua sắm là một trong những sở thích tốn kém và tai hại nhất của chị. Nhiều khi tan làm từ 5 giờ nhưng chị lang thang dạo phố tới 7 giờ mới về đến nhà. Cũng may nhà có bà nội nên các cháu mới không bị đói.
“Đồ mà mình thường mua là quần áo, giày dép, nón mũ, ba lô, đồ chơi cho tụi nhóc. Ngoài ra còn có đồ dùng cho ông xã và mẹ chồng. Mình thích quan tâm tới người nhà. Đặc biệt dịp cuối năm này, nhiều mặt hàng giảm giá nên mình tận dụng thời điểm này để mua sắm”, chị Quỳnh nói.
Năm nào chị cũng dành riêng một khoản lớn để dồn cho hai tháng cuối năm, chờ đợi các cửa hàng treo biển giảm giá là xông xáo vào đầu tiên để chọn và trả tiền.
“Mới cuối tuần trước mình vừa đi một vòng quanh Chùa Bộc và mua về được một lô quần áo, phụ kiện cho anh xã. Thời trang nam ít giảm giá lắm nên lần nào giảm là mình phải nhanh chân ngay. Từ cà vạt cho đến thắt lưng, rồi còn cả quần áo lót, tất chân… Đằng nào cũng phải mua sắm thì tại sao không chọn lúc sale off, thanh lý mà mua”.
Biển thanh lý nhiều khi chỉ là một trong những "chiêu" kích cầu của chủ cửa hàng
Không chỉ mặt hàng thời trang, chị còn “rước” rất nhiều đồ gia dụng hạ giá khác như quạt sưởi, tủ lạnh, máy hút bụi, máy tập thể dục… về.
Dễ dàng nhận thấy, phụ nữ luôn là người dễ “cháy túi” dịp cuối năm do không kiểm soát được tài chính, không cân đối được thu chi. Chẳng hạn trong trường hợp của Hằng, biết rõ mình có thể không dùng đến nhưng cô nàng tiếc vì rẻ hoặc mua vì đẹp, cứ cố “rước” về khiến khoản tiền bị tiêu phí, lạm chi trở nên khổng lồ. Còn chị Quỳnh là người nắm giữ tài chính trong nhà nhưng chị cũng chưa lên được kế hoạch thu chi cho cân xứng với thu nhập của hai vợ chồng. Đồng thời chưa nhìn nhận ra những mặt hàng cần thiết trong sinh hoạt để hạn chế mua sắm khiến việc lạm chi xảy ra.
Bản lĩnh đàn ông
Ngược lại, cánh mày râu thường "tỉnh táo" hơn. Hoàng Anh Tuấn (28 tuổi, lập trình viên) cho biết, anh chàng chỉ mua những gì mình thiếu chứ không bao giờ mua những gì mình thấy hoặc mình thích. Đồ dùng hàng ngày trừ khi bị hỏng không thế sửa được, buộc phải mua thì dù lúc đó không giảm giá hoặc mới tăng giá, Tuấn cũng sẵn sàng "móc hầu bao" để mua. Đặc biệt, rất ít khi Tuấn bỏ thời gian dạo phố để mua sắm linh tinh như các chị em phụ nữ.
Vì thế, điều mà Tuấn "hãi" nhất là phải đưa bạn gái đi mua sắm. "Cô ấy mua đủ thứ, kể cả những thứ bình thường không thấy cô ấy đụng đến nhưng vì đang được khuyến mãi, tặng kèm một sản phẩm khác là cô ấy nhặt vào giỏ. Hoặc có thứ nào đó vừa đẹp vừa rẻ là cô ấy mua rồi ép mình dùng. Mình thật không hiểu cô ấy. Mình không phải là người tiếc tiền nhưng thực sự thì mình không muốn chi tiêu vào những khoản vô bổ như thế thành ra cứ tưởng rẻ mà lại thành đắt", Tuấn nói.
Khắp các siêu thị, cửa hàng điện máy ở Hà Nội đều trưng biển giảm giá, khuyến mãi "khủng"
Kể cả siêu thị cũng tưng bừng khuyến mãi
Còn anh Chí Thành (36 tuổi, Đống Đa) cho biết, hai vợ chồng anh cũng hay xảy ra mâu thuẫn nhỏ vì vợ anh không kiểm soát được chi tiêu trong nhà, đặc biệt vào dịp cuối năm. "Nhà mình có 5 cái chảo chống dính do được tặng khi mua đồ điện gia dụng của một siêu thị điện máy. Ngoài ra trong nhà có đủ thứ từ máy rửa rau quả, máy massage, bếp lẩu điện, bếp nướng, quạt sưởi (trong khi nhà đã có điều hòa hai chiều)... Mỗi lần thấy vợ "rước" thứ gì về là anh và các con toát mồ hôi tìm chỗ để", anh Thành lắc đầu kể.
Chị em "ứng xử" với chiêu trò khuyến mại
Đánh trúng tâm lý thích mua sắm của chị em phụ nữ, nhiều chủ cửa hàng đã “chơi bài” giảm giá, hạ giá, thanh lý để hấp dẫn khách tới xem và mua sắm. Thu Hà (30 tuổi) chủ một cửa hàng thời trang trên phố Bà Triệu cho biết, các mặt hàng của chị đều là hàng nhập khẩu, rất ít khi giảm giá. Nhưng để kích cầu mua sắm, chị cũng treo biển giảm 10 – 15% trong một tháng cuối năm. Quả thật là lượng khách đông hơn rất nhiều và số hàng bán được cũng tăng đáng kể.
Ngoài các mặt hàng thời trang thì tại siêu thị đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, hàng công nghệ thì cuối năm chính là thời cơ để tung ra những “chiêu” kích cầu nâng doanh số bán hàng cả năm bằng những chiêu khuyến mại "khủng".
Không thể phủ nhận mùa sales là cơ hội để người tiêu dùng có thể mua được những món đồ giá rẻ, nhưng việc cân đối tài chính và xem xét dựa trên nhu cầu cần thiết hay không cũng phải luôn được đặt lên bàn cân so sánh cùng với mức giá. Chị em nên tỉnh táo để tránh tình trạng rơi vào trạng thái "cháy túi" ngay sau ngày nhận lương.