Đời sống

Thầy giáo độc dị của Đường lên đỉnh Olympia

Thầy mang biển số xe máy 2011 – ngày nhà giáo Việt Nam, khi đọc ngược lại là thầy giáo độc nhất vô nhị, đào tạo ra thế hệ học trò nhất nhất không nhì.

14 năm đồng hành cùng Olympia

Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch (sinh năm 1969) tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong suốt 23 năm làm nghề giáo – gia tài của thầy đo bằng sự trưởng thành của học trò.

Thầy Thạch lập nên mái nhà học tập chung, nơi vừa cười, vừa khóc cho học trò có tên Thạch Gia Trang từ năm 1995. Mỗi người đỗ đạt sẽ mang đến tặng thầy một cây non, trồng trên sân mái nhà, thầy đặt là "Vườn đại học". Từ đây, bao thế hệ đang học và ra cuộc sống đều gọi thầy là bố, với cái tên quen thuộc Thạch Lão Gia.

Thầy giáo độc dị của Đường lên đỉnh Olympia 1
Thầy Nguyễn Đức Thạch cùng học trò Hồng Chiến.

Tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, thầy tuyển chọn, đào tạo và đưa học trò đi thi Đường lên đỉnh Olympia trong suốt 14 năm qua. Thầy gắn liền với Olympia đến nỗi, trước khi mua xe máy, thầy phải có bằng được biển số ưng ý là 85V5-2011 (trong đó V5 là chức vô địch năm thầy và trò quyết tâm đạt được).

Cho đến nay đã có 14 nhà leo núi mang về 17 vòng nguyệt quế lớn nhỏ. Trong đó có em Lê Bảo Lộc đã lọt vào trận chung kết năm Olympia 11, lần đầu tiên mang cầu truyền hình trực tiếp về tới Ninh Thuận.

Một trong những gương mặt ấn tượng là Đặng Hồng Thoại – học trò đầu tiên dự thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2001. Chàng trai này đã đạt 320 điểm – giải nhất thi tuần và giữ kỷ lục người có số điểm cao nhất đến năm thứ 6. Hồng Thoại cũng về đích với 150 điểm – cao nhất Đường lên đỉnh Olympia từ năm thứ 1 đến 14.

Trong suốt 14 năm qua, đều đặn lúc 13h chủ nhật hàng tuần, thầy và trò tại Thạch Gia Trang đều ngồi trước tivi xem Đường lên đỉnh Olympia , trên tay cầm giấy bút sẵn sàng trả lời với tốc độ của thi thật. Kết thúc trận đấu nhưng những cuộc tranh luận sôi nổi vẫn kéo dài đến tối.

Giáo viên Văn dạy Toán cho các nhà leo núi

Điều đặc biệt, người thầy chuyên đào tạo cao thủ thi Olympia lại là giáo viên dạy Văn. Nhiều người tự hỏi, thầy sẽ ôn luyện thế nào khi Olympia kiến thức nghiêng về khoa học tự nhiên?

Thầy giáo độc dị của Đường lên đỉnh Olympia 2
Thạch Gia Trang - nơi thầy và trò cùng ôn luyện lên đỉnh Olympia.

Ở Thạch Gia Trang, thầy và trò ôn luyện bằng cách học hỏi lẫn nhau. Người thầy giữ vai trò định hướng, sau đó đưa ra giải pháp cho trò. Thầy Thạch bày tỏ: “Nếu học trò không giải được hoặc giải chậm, tôi sẽ phải giải được và giải nhanh hơn máy tính”.

Thầy Thạch cho biết, trước một bài toán, việc đầu tiên là tìm ra đáp án. Sau đó phát triển thành nhiều dạng khác nhau bằng cách lật ngược vấn đề, rút ra nguyên tắc xử lý. Điều này sẽ giúp học sinh có được phản xạ thông minh.

Thầy giáo Văn dạy Toán tự nhận mình không biết sử dụng máy tính và thường xuyên áp dụng bài toán trồng cây của lớp 5 vào nhiều đề toán phức tạp khác với quan niệm: “Toán tiểu học sẽ giúp ta hiểu bản chất vấn đề, Toán đại số và giải tích chỉ là áp dụng công thức đôi khi sẽ dẫn đến lúng túng”.

Trước khi lên đường leo núi, thầy và trò ôn luyện từ 6 tháng đến 1 năm, đa dạng về lĩnh vực. Đặc biệt, với trường hợp em cho Nguyễn Vũ Hưng - trường THPT Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), thầy Thạch đi xe máy 180 km để củng cố kiến thức và chiến thuật cấp tốc trong 1 ngày. Nhờ đó Hưng tiến bộ vượt bậc trong phần khởi động. Hưng cũng là người đầu tiên có vòng nguyệt quế trong tỉnh, hiện đang làm việc tại Pháp.

Học văn để làm người

Trong suốt cuộc đời làm nghề giáo, thầy Thạch luôn trăn trở về cách dạy văn giúp học trò thoát ra khỏi sự khuôn mẫu, sáo mòn. Cứ vào đầu năm học, dù bất kể lớp nào cũng được thầy đưa ra đề bài như dạng điều tra xã hội học có tiêu đề “Môn văn và tôi”.

Thầy giáo độc dị của Đường lên đỉnh Olympia 3
Chiếc biển số xe máy 2011 đã cùng thầy đi phượt khắp đất nước Việt Nam.

Qua bài làm của học sinh, người thầy nhận được những câu viết là sự thật, đáng buồn như: “Em là người Việt, đã nói tiếng Việt từ nhỏ rồi thì cần gì phải học văn”. Hay: “Em học là để có điểm tổng kết loại giỏi vì môn văn mà mất danh hiệu thì uổng”.

Nhận biết được môn Văn đứng ở vị trí nào với học sinh và xã hội, thầy Thạch tự điều chỉnh cách dạy và học cho phù hợp. Trong bài giảng đầu tiên thầy luôn hỏi học sinh: “Theo các em học văn là để làm gì?”.

Học trò được phép nói thoải mái những suy nghĩ của mình. Một, hai hoặc ba năm sau, có em sẽ trả lời: “Học văn là để làm người” – lúc ấy thầy Thạch biết mình đã đi đúng hướng.

Không ghi bảng, không dò bài, không thuyết giáo dài dòng là cách dạy Văn cũng rất đặc biệt của người thầy này. Dạy học như chính bản tính con người, thầy Thạch kể: “Tôi thường nói chuyện trên trời để học trò tự hiểu cái dưới đất, có bài 1 tiết tôi dạy đến 3 tiết nhưng có bài 2 tiết dạy chỉ 10 phút”. Trong đó, việc luôn cập nhật tình hình thời sự trong bài học là điều gây hứng thú với học trò.

Từ những bài giảng văn không khuôn mẫu, nhiều lần thầy Thạch bắt gặp những dòng viết vừa chân thật, vừa xúc động của học trò trên báo. Trong đó, Ái Nhân đã từng tâm sự: “Thầy là ông giáo nghèo, tiền bạc sống hôm nay chưa cần biết ngày mai nhưng ông luôn là người đầu tiên bỏ tiền ra quyên góp rồi kêu gọi học trò, bạn bè giúp đỡ cho một học sinh bị tai nạn, hoàn cảnh đáng thương, cảnh đời vượt khó ...

Ông cũng sẵn sàng cưu mang (đúng nghĩa đen) những thằng học trò lông nhông, khó khăn, tuổi nổi loạn... về ở nhà của mình để dạy dỗ, cảm hóa bằng cả tình thương và hầu bao còm cõi của ông”...

Người thầy treo trong nhà dòng thư pháp “An bần, lạc đạo” ấy suốt 10 năm trước tự bỏ chi phí đưa học trò đi thi Olympia chưa bao giờ thấy công việc của mình là vất vả, thiệt thòi. Quan điểm của thầy: “Không chịu mất thì không bao giờ được gì cả. Làm gì cũng phải đầu tư thời gian, tâm huyết”.

Chính vì vậy, thầy từng tuyên bố “rửa tay gác kiếm” từ Olympia năm thứ 11 nhưng vẫn nhiệt huyết bởi còn bởi thầy Thạch muốn chứng minh học trò của mình không phải "ăn may", "chiến thắng không thuyết phục" như một số lời nhận xét. Và hơn hết, người thầy suốt bao năm tâm huyết mong muốn ngày nhìn học trò giành ngôi vị quán quân, mang lại niềm tự hào cho mảnh đất thầy yêu thương và gắn bó.

Ngoài dạy học, Thạch Lão Gia có niềm đam mê với phượt và tình yêu đặc biệt với vùng núi phía Bắc. Nhiều trận đấu Olympia xuất hiện dáng hình quen thuộc của người thầy gầy gò, đội chiếc mũ thổ cẩm người dân tộc H’Mông. Trong mỗi chuyến phượt lên miền núi, thầy đều mua những chiếc mũ nhỏ dự trữ. Mỗi trò đi thi Olympia (từ năm thứ 11) đều được thầy cho một chiếc để đeo mọi lúc, mọi nơi và đặt cho một cái tên dân tộc. Điều này đã trở thành truyền thống của Thạch Gia Trang.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,300,560       181