Bất kỳ ai đi ngang qua góc đường Tuệ Tĩnh, Tôn Thất Hiệp (Q.11, TPHCM) cũng đều đã quen với một bà cụ đầu tóc bạc phơ ngồi bên quán hàng nhỏ có phần xập xệ và cũ kỹ. Đã hơn 40 năm nay, bà Trần A Kíu vẫn ngày ngày bám trụ nghề bán bột chiên, hủ tiếu.
Bà Trần A Kíu, năm nay 73 tuổi, là người Hoa. Gia cảnh nghèo khó nên bà phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ với đủ nghề. Đến những năm 30 tuổi bà phát hiện ra góc nhỏ trước trường mầm non là địa điểm thu hút người qua đường nên dọn ra bán hàng ăn. Từ đó đến nay đã 40 năm, dù trời nắng hay trời mưa, cứ 4 giờ chiều là bà lại dọn hàng ra bán đến tận 10 giờ khuya, không nghỉ một ngày nào.
Quán bà Kíu ở số 196 - 198 Tuệ Tĩnh, Q. 11, TPHCM, thời gian bán từ 16h - 22h mỗi ngày. Quầy hàng của bà rất đơn giản, không bảng hiệu, không tủ kiếng. Tất cả chỉ vỏn vẹn mấy hủ gia vị và vài chiếc thau đựng nui, bột chiên, bánh canh, hủ tiếu… bày trên chiếc bàn gỗ do bà tự tay đóng. Nhìn từ ngoài vào thậm chí nhiều người còn không biết bà bán món gì.
Vì tuổi đã cao nên bà làm rất chậm, bà lại chỉ có một mình, nên khách đến ăn thường phải đợi ít nhất 10 phút mới có đồ ăn. Dù vậy, cảm thông cho bà chủ quán lớn tuổi, không vị khách nào phàn nàn hay hối bà phải làm nhanh. Chị T., 32 tuổi, một vị khách quen của quán cho hay “Nhà tôi ở gần đây nên lâu lâu hay ghé quán ủng hộ bà. Thấy tội bà lắm, già cả vậy mà bán có một mình, không thấy con cái ra phụ. Có hôm đến 10 giờ khuya vẫn thấy bà cụ lọ mọ một mình dọn dẹp đống nồi niêu, chén bát”.
Bà Kíu có hai người con, con trai năm nay 50 tuổi, con gái đã 32, cả hai đều đã có gia đình và con cái. “Hồi trước thì tụi nó cũng ra đây phụ, nhưng kể từ khi lập gia đình rồi thì bận rộn không ra nữa. Đứa con trai cả cũng chạy xe ôm suốt, còn đứa con gái phải đi giúp việc nhà cho người ta, có thời gian đâu”, bà Kíu tâm sự. Dù nói vậy nhưng cụ vẫn không giấu được ánh mắt buồn khi nhắc về hai con. “Ờ, mỗi ngày hai lượt phải kêu hai chuyến xe đẩy mới thồ hết đống nồi niêu xong chảo, bàn ghế về nhà cũng cực nhưng bà quen rồi. Thà bán hàng sớm khuya còn khỏe, chứ nằm không ở nhà là bệnh liền”.
Món ăn của bà giá rất bình dân, chỉ trung bình 15.000 đồng/món. Bột chiên là món bà bán đắt hàng nhất. Với số lượng ít ỏi, chỉ 1kg bánh canh, 1kg nui, 1kg hủ tiếu, 4kg bột chiên, mỗi ngày bà chỉ kiếm được trung bình 200.000 đồng, hôm nào đông khách thì được 300.000 đồng, nhưng có hôm ế ẩm, bà chỉ bán được 70.000 đồng. “Bây giờ khu này đông người bán nên tiền thu được ít lắm, bù chi phí củi lửa, nguyên liệu này nọ, còn lại thì đủ ăn. Mà bà cũng ăn ít lắm nên cũng không lo lắng gì. Chỉ mong ngày nào cũng bán hết hàng là vui rồi”.
Những lúc vắng khách, bà lại ngồi cặm cụi cắt bột, xắt thịt, xắt hành.
Mấy hôm nay khách đông hơn thường lệ, bà loay hoay hết bắc chảo lên chiên bột rồi bưng nồi nước lèo để làm tô bánh canh. Thương bà một thân một mình, những người bán hàng bên cạnh hay chạy qua giúp đỡ. “Những khi đông khách có con bé hàng xóm hay chạy ra phụ bà bưng đồ ăn, rửa chén, tính tiền. Có con bé phụ bà đỡ phải chạy tới chạy lui“, bà Kíu tâm sự.
Không chỉ những người bán hàng mà cả những vị khách hàng cũng nghĩ ra nhiều cách để giúp đỡ bà cụ. Có người thì lâu lâu ghé quán ủng hộ, có người thì ăn xong trả tiền cao hơn và từ chối nhận tiền thối lại. Cô bé này thì ủng hộ bà bằng cách ăn tù tì hai món cùng lúc.
Thấm mệt sau ba giờ đồng hồ miệt mài xào nấu, bà cụ đưa tay quệt mồ hôi trên trán, vừa cười vừa nói: “Sau này không còn sức bán nữa thì tôi kiếm nghề gì đó để làm chứ tôi không muốn là gánh nặng cho con cái. Cuộc sống của tụi nó đã vất vả lắm rồi”.