Trong cái gấp gáp, xô bồ thường tình nơi phố thị, ở một góc trên con hẻm 96 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) từ nhiều năm nay vẫn có người đàn ông cần mẫn, tận tụy vá xe, mở tủ mua thuốc, nấu nước miễn phí cho người nghèo.
Người đàn ông đó là Đỗ Văn Út (52 tuổi), người được dân trong hẻm gọi bằng cái tên thân mật là ông "3 trong 1".
Tỉ mỉ vá chiếc xe cho khách ông Út nồng hậu chia sẻ: “Những người nhặt ve chai, bán vé số ngày kiếm được bao nhiêu tiền đâu nên tôi đâu giám lấy tiền vá xe của họ”. Bắt đầu làm việc vào mỗi 5 giờ sáng, suốt mười mấy năm qua, ông như là vị cứu cánh cho dân nghèo, dù là đêm muộn hay sáng tinh mơ, chiếc xe hỏng nặng hay chỉ xì hơi thông thương, chỉ cần dắt đến tiệm của ông thì mọi chuyện lại xuôi chèo mát mái.
Không có con, sống trong căn nhà thuê trên đường Cô Giang (quận Phú Nhuận) cùng với vợ, ông lấy công việc và làm việc thiện làm niềm vui. “Tôi chẳng nghĩ việc làm của tôi là cao lớn gì đâu, tôi thấy đó là những việc nên làm và phải làm mà thôi”, ông cười xòa khi được hỏi đến lí do làm việc nghĩa.
Ngoài việc vá xe miễn phí, ngay đầu hẻm, ông Út còn đứng ra mở một tủ thuốc từ thiện cho người nghèo, người vô gia cư. “Nhiều lúc vá xe thấy nhiều người bị tai nạn quá, máu me bê bết, mà tiệm thuốc tây lại xa nên tôi mua thuốc về rồi mở ra cái tủ thuốc này”, ông Phúc chia sẻ.
Ban đầu toàn bộ cơ số thuốc trong tủ được ông tự bỏ tiền túi mua về rồi dựa trên kinh nghiệm y tế được học qua từ những lớp học của quận, cộng với toa đơn của bác sĩ, hễ có người nhặt ve chai, người nghèo hay người vô gia cư nào, cảm nắng, ốm sốt, tai nạn đi ngang qua đây đều được ông cấp thuốc và sơ cứu kịp thời. Để tránh nhầm lẫn, ông còn cẩn thận viết tên lên mỗi toa thuốc để lỡ ông có ở đây thì những người khác còn biết đúng thuốc mà uống.
Chỉ tay vào tủ thuốc ông Út nói: “Lúc đầu tủ thuốc tôi không khóa đâu, nhưng nhiều người vô ý thức quá, cứ mở tủ lấy bừa nên tôi phải khóa lại và dán thêm dòng chữ kia”. Vì không phải lúc nào cũng có mặt để trông nom tủ thuốc nên ông giao chìa khóa tủ thuốc cho thêm 2 người trong hẻm. Tiếng lành đồn xa, giờ thì tủ thuốc từ thiện đã khá đầy đủ nhờ có thêm cơ số thuốc từ các bác sỹ, y sỹ góp tặng, những người cơ nhỡ đi ngang qua đã lỡ có ốm đau, tai nạn cũng yên tâm hơn vì đã có tủ thuốc của ông Út.
Ngoài tủ thuốc từ thiện, mỗi buổi ông đều giành ra một khoản thời gian để nấu trà đặc rồi chuẩn bị nước lọc để mang đi để chế nước uống miễn phí cho người đi đường. Chỉ tay vào 4 chai nước 20l đặt bên bộ đồ nghề vá xe cũ, ông Phúc bảo: “Nấu nước chẳng tốn bao nhiêu thời gian, ăn cơm, ngủ lúc nào rảnh thì nấu lúc đó, chứ Sài Gòn thì nóng, mà đâu phải ai cũng có tiền mua nước suối nên tôi quyết định mua cái phích rồi chế nước uống miễn phí cho người đi đường”,
Ông Út còn làm thêm tấm biển đặt bên dưới phích nước để người đi đường khỏi ái ngại khi vào uống nước hay sửa xe. Người dân trong hẻm biết ông làm việc nghĩa giúp đời nên nhiều người cũng đã cùng chung tay, chung sức, người góp ít nước, người góp cái ly uống nước, người góp ít tiền mua trà, người thì tự nguyện đứng ra trong coi tủ thuốc, tất cả tạo nên một cái không khí rất đậm tình người nơi hẻm nhỏ.
Ông Phúc (63 tuổi) chạy xe ôm ở đầu hẻm, người cùng ông Út đứng ra quản lý tủ thuốc cười xòa: “Thấy Út nó làm việc nghĩa tôi cũng “nhột”, nên hễ có người khuyết tật hay nghèo khổ lỡ bước hay bị tai nạn tôi đều chở đi bệnh viện không lấy tiền”
Giúp người sống chưa đủ, ông Út còn lo chuyện hậu sự cho những người đã khuất. Từ mấy năm nay, ông cùng người em kết nghĩa của mình là anh Việt chủ cơ sở mai táng Vạn Phúc tự đi in ấn rồi treo tấm biển ngay đầu hẻm để “quảng bá”. Với những trường hợp hợp nghèo khó sẽ được giúp chiếc hòm, nhưng còn với những trường hợp quá khó khăn cơ sở sẽ hỗ trợ hoàn toàn, không lấy một xu, bất kể ngày lễ Tết.
Ông Út nói thêm: “Hồi trước tôi trọ ở Hóc Môn, có nhiều điện thoại gọi tới mong muốn được trợ táng, nhưng vì nhà quá xa, đi lại khó khăn, có trường hợp đến không kịp lúc, gia đình chôn cất đơn sơ, tôi hối hận lắm nên quyết định chuyển trọ lên quận Phú Nhuận để tiện cho việc trợ táng.”
Cầm album hình mẫu những chiếc hòm ông Út phấn khởi nói, lúc trước chia có nhiều kinh phí, những chiếc hòm tặng rất nhỏ, phải gói ghém xác lại mới vừa, giờ thì có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ nên ông Út cùng người em kết nghĩa đã có điều kiện tặng những chiếc hòm lớn hơn, đẹp hơn cho người đã khuất.
Vợ chồng ông không có con, hai mảnh đời dựa vào nhau vào sống, khi hỏi đến việc liệu vợ ông có ý kiến gì khi ông suốt ngày “Vác tù và hàng tổng” không, ông trả lời thật thà: “Đến giờ vợ tôi chỉ khuyên ngăn tôi duy nhất một việc là tôi muốn hiến xác sau khi chết mà thôi”.
Và mơ ước hiện tại của người đàn ông này duy nhất hiện tại chỉ là: “Tôi ước có thêm tiền để mua một cặp nẹp inox để băng bó cho người bị tai nạn".