“Em ước các em của mình được ăn no chứ mỗi bữa chỉ ăn có một chén cơm. Em đan lục bình có tiền sẽ mua thịt cho các em ăn một bữa thật ngon", cô bé ước.
Dương vừa đan lục bình vừa trông chừng các em - Ảnh: Ngọc Hậu
Người dân ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai rất khâm phục cô bé Nguyễn Thị Thùy Dương (học lớp 8/6 Trường THCS Thanh Sơn) thay mẹ chăm sóc ba đứa em nhỏ nhưng vẫn là học sinh khá giỏi của lớp chọn trong trường.
Ít ai có thể tưởng tượng được cảnh một cô bé lớp 8 mỗi sáng thức dậy nấu cơm cho các em ăn, sau giờ học lại tất tả về nhà lo cho các em ăn rồi bắt tay vào công việc đan lục bình kiếm tiền để phụ mẹ trang trải cuộc sống!
Tuổi thơ khốn khó
Mặc dù được báo trước gia cảnh của em Nguyễn Thị Thùy Dương nhưng chúng tôi đã không tin một cô bé tuổi 13 phải tất tả chăm sóc ba đứa em Nguyễn Thị Cẩm Giang 9 tuổi, Nguyễn Thị Cẩm Tú 7 tuổi và Nguyễn Chế Thiện 5 tuổi.
Trong căn nhà trơ trọi chỉ với hai chiếc giường tre chỏng chơ, bữa ăn có cơm và trứng chiên, nhưng ba đứa trẻ tíu tít vây quanh cô chị chờ bới cơm như ba con chim non đang chờ mẹ mớm mồi.
Phải chờ cho bọn trẻ ăn cơm xong chúng tôi mới bắt chuyện được, nhưng xen lẫn cuộc trò chuyện của chúng tôi cô bé lấy những khung gỗ đan lục bình xung quanh để hoàn tất sản phẩm của mình. Do lao động nhiều, cô bé 13 tuổi đã trở nên già dặn so với lứa tuổi.
“Em lãnh lục bình về đan bộ khay để có tiền mua đồ dùng học tập cũng như trang trải thêm cho các em” - Dương cho biết.
Những ngón tay và cả bàn tay của cô bé đen thui màu mủ tiết ra từ thân lục bình khô. Thế nhưng, mặc cho cái đen, đôi bàn tay bé xíu cứ thoăn thoắt đan tết những cọng lục bình ngắn bao lấy khung gỗ làm một bộ trang trí lạ mắt.
Dương cho biết: “Em đan hai ngày cũng được hai bộ khung lục bình mỗi bộ ba cái khoảng hơn 20.000 đồng. Em dùng số tiền này đi chợ mua đồ ăn”.Ông Ngô Văn Sơn, phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, cho biết gia đình bà Thắng là hộ nghèo của địa phương. Vừa rồi UBND xã đã xem xét cấp học bổng ở địa phương cho em Dương. “Xã cũng dự tính xây nhà tình thương cho gia đình này nhưng vì gia đình đang ở trên đất do công ty lâm nghiệp La Ngà quản lý, không có chủ quyền đất nên xã không thể ra quyết định xây nhà được” - ông Sơn nói.
Để lo bữa ăn, hai ngày một lần cô bé đi chợ mua đồ ăn về nấu cho các em. Đồ ăn thực chất chỉ là mớ rau và cá hay trứng. Mỗi sáng Dương đổ ba lon gạo vào nồi để thổi cơm. Nồi cơm bốn chị em sẽ ăn cả ngày. Mỗi bữa ăn, mỗi em chỉ được một chén cơm.
“Em đi chợ hai ngày hết 50.000 đồng, đây là tiền đan lục bình có được. Còn gạo em mua một bao 250.000 đồng để ăn trong vòng hơn một tháng. Mỗi buổi sáng em nấu ba lon gạo để mấy chị em ăn cả ngày” - Dương rành mạch cho biết.
Bà Đặng Thị Thắng (mẹ Dương) đi Bình Phước làm thuê làm mướn mỗi tháng gửi tiền về cho chị em Dương mua gạo cũng như lo tiền học cho bốn đứa con. Đầu tháng 9, từ Bình Phước, bà Thắng về đưa 3 triệu đồng để Dương đóng tiền học cho bốn chị em và để dành tiền mua gạo.
Theo chính quyền địa phương, năm 2008 bỏ mặc vợ đang mang thai ở Định Quán, ba Dương bán hết ruộng đất đi nơi khác sinh sống. Không nghề nghiệp ổn định, bà Thắng phải lìa xa bốn đứa con nhỏ lên Đồng Xoài, Bình Phước làm thuê làm mướn kiếm tiền gửi về nuôi con...
Cha bán hết ruộng đất bỏ đi, mẹ phải làm mướn xa nhà, khiến cô học sinh lớp 8 phải vất vả lo cho ba em nhỏ.
Ước bữa cơm có thịt
Thầy Phí Hữu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp của Dương, cho biết: “Chúng tôi rất khâm phục em Dương. Mặc dù gia cảnh rất khó khăn nhưng em vẫn cố gắng học tốt và từ năm lớp 6 em đã được chọn vào lớp nguồn (lớp tập trung các em khá giỏi của trường). Dương rất ham học và hòa đồng với các bạn trong lớp, dù nhà nghèo nhưng em không tự ti, vẫn tiếp tục cắp sách đến trường và lo cho các em”.
Thật vậy, trong căn nhà rách tươm bé xíu của các em, hơn 10 giấy khen của Dương và em gái dán đầy bức vách.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Phương Đông, phó ấp 3, xã Thanh Sơn, cho biết: “Gia đình Dương là hộ nghèo của địa phương không có ruộng đất sản xuất. Cha các em đã bỏ đi từ năm Dương 8 tuổi. Ông bà ngoại và các cậu của Dương cũng là hộ nghèo và cận nghèo của địa phương nên cũng khó có thể giúp đỡ gia đình em.
Do ở địa phương công việc thất thường và không nhiều, vì lo cái ăn của các con, bà Thắng phải đi tìm việc làm ở Bình Phước. Dương ở nhà thay mẹ chăm sóc các em, lo cơm nước và thậm chí lãnh đồ về làm kiếm tiền nuôi các em”.
Là người đồng cảm với ý chí phấn đấu của cô bé 13 tuổi, ông Lê Trọng Thủy, chủ tịch Hội Khuyến học xã Thanh Sơn, cho biết: “Cô bé ngày càng lớn mà trong nhà chỉ có bốn chị em nên chúng tôi đang tìm mọi cách cũng như tìm mạnh thường quân để giúp các em xây căn nhà kiên cố. Các em sống trong căn nhà xiêu vẹo thế này chúng tôi không an lòng”.
Khó ai có thể cầm lòng khi nghe được cô bé 13 tuổi bộc bạch ước mơ hết sức bình dị mà các em cũng khó lòng đạt được: “Em ước cho các em của mình được ăn no chứ mỗi bữa chỉ ăn có một chén cơm. Em đan lục bình có tiền sẽ mua thịt cho các em ăn một bữa thật ngon. Và mơ ước cuối cùng của em là mẹ em có việc làm ở gần nhà để về sống với tụi em”.