Đời sống

Lời biện minh của "mái già" quá lứa

Cô bé đồng nghiệp bất ngờ xuất hiện trước mặt tôi trong quán cafe, ngồi phịch xuống ghế và bắt đầu lặng lẽ khóc… Tiếng nói được mất trong cơn nức nở. Và tôi biết, hôm nay mình là kẻ quá lứa "được chọn".



Lời biện minh của "mái già" quá lứa 1
"Mái già quá lứa" thường được chọn là nơi tâm sự của những gái trẻ độc thân.

Đơn giản vì tôi đủ già để hiểu biết chút ít về sự đời và có đủ kiên nhẫn để lắng nghe những tổn thương của các bạn trẻ, vì tôi vẫn còn độc thân. Tôi tự hào là một gà mái quá lứa như định danh của số đông dành cho tôi…

Yêu lắm thì mới đặt tên

Phụ nữ ở xứ ta 30 tuổi mà chưa kiếm được tấm chồng sẽ khép vào tội “ế”. Thuở xưa, chị em nào can cớ mắc vào tội này thì khốn đốn cả cuộc đời. Cả gia đình, dòng họ phải nói lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vì có một bà cô ngồi chồm chỗm khoác chăn bông trong buồng ngày Tết. Nói là Tết vì dịp đó họ hàng làng xóm cứ nhè cái gia đình có một quả bom chưa kịp tháo kíp nổ mà đến chúc với tụng, thành ý thì không biết nhiều cỡ nào nhưng chỉ làm cho cha mẹ, anh chị nhà đó miệng cười mỉm mà bụng dạ như có kiến cắn.

May quá là tôi chưa kịp sinh ra vào thời đó. Nếu không thì cũng phải ôm gối khép cửa mà khóc dấm dứt cho qua đận năm mới, chứ không được tung tăng đi chơi miết mải đến hết Tết mới ló mặt về như  bây giờ.

Lời biện minh của "mái già" quá lứa 2
Tôi không lỡ thì, chỉ là tôi chỉ chưa đến thì thôi...

Kể chuyện xưa nhưng giờ cũng không khác mấy. 30 tuổi mà chưa chồng thì chắc chắn bị coi là ế. Huống chi tôi đã quá ngưỡng ấy đến vài năm. Đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng thân thương tặng cho mấy cái tên như gái già, bà già, bà cô khó tính hay thú vị nhất là mái già… Tôi cũng chẳng hề phiền lòng vì những nick name ấy. Mọi người thật lòng yêu quý mình thì mới khơi khơi gọi như thế. Nếu chẳng may ít ai đó có tý miệt thị khi khép tôi vào tội ế thì chẳng qua cũng bởi họ ít yêu quý tôi hơn số đông. Mà có ai sống trên đời mà được tất thảy mọi người quý mến đâu, phải không ạ?

Quá lứa nhưng không lỡ thì

Lạ lùng thứ tiếng Việt, ngay từ trong ngôn ngữ đã “ưu tiên” phụ nữ hơn đàn ông.Người ta gọi đàn bà quá lứa lỡ thì, chứ không ai gọi đàn ông như vậy. Mà đàn ông có ế vợ thì cũng không bị riết róng như đàn bà ế chồng. Người đàn bà sinh ra trên đời được ví là phái yếu nhưng lại chịu nhiều áp lực, từ chuyện phải nữ công gia chánh, rồi sinh con đẻ cái, nuôi dạy chúng khôn lớn, khỏe mạnh, đồng thời phải biết giữ yên ấm cửa nhà, biết giữ lửa gối chăn… Nếu họ có khó khăn đôi chút trên đường tìm kiếm hạnh phúc thì thay vì được động viên, họ lại phải chịu những áp lực vô hình từ chính xã hội.

Tất nhiên, tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng được cái tính tôi nhởn nhơ, từ bé đã không coi trọng những thứ người khác áp chế lên mình. Tôi đang vui thì cấm có ai bắt tôi buồn được. Có lẽ vì thế mà tôi có nhiều bạn. Bạn cùng lứa lấy chồng lấy vợ hết thì tôi chơi với bọn trẻ ít tuổi hơn. Chúng thích nói chuyện với tôi, kể tôi nghe đủ thứ chuyện, rồi thi thoảng lại trợn mắt lên: “ô, sao chị biết?”. Tôi tưng tưng trả lời “Vì chị nhiều tuổi rồi mà”. Thế là cả lũ bò ra cười khoái chí.

Mà tôi nghĩ như thế thật. Tôi nhiều tuổi chứ không già. Tôi lúc nào cũng biết ơn cuộc đời vì đã cho tôi sống chừng ấy năm với nhiều trải nghiệm. Hơn 30 năm qua, tôi đã từng làm nhiều công việc, đi nhiều nơi, gặp nhiều con người và số phận. Có thể tôi không đủ sâu sắc để nhận biết hết màu sắc của cuộc sống và những bài học mang tính triết lý cao siêu từ những cuộc gặp gỡ đó. Nhưng cũng đâu có sao phải không ạ?

Đàn ông đối với tôi trước nhất là những người bạn. Họ hợp với  mình thì mình nói chuyện cùng, mình chơi cùng. Không hợp thì cũng không sao. Với tôi, đàn ông chưa bao giờ là mục tiêu cho việc kiếm được tấm bằng tốt nghiệp đời gái độc thân. Yêu nhau, rồi chia tay, tôi khóc buồn thương như bao cô gái khác. Rồi thôi, là vì hết duyên thôi mà.

“Tôi độc thân, không quyến rũ. Tôi làm cho một tập đoàn đa quốc gia, với chức vụ nhân viên quèn. Lương bổng không cao, đủ một tháng mua vài bộ quần áo đẹp và khi gom đủ thì lên đường làm một chuyến đi xa”. Lý lịch cá nhân của tôi chỉ có nhiêu. Điều này chứng minh “tội ế” ở phụ nữ không phải do họ quá cá tính, sắc sảo, đòi hỏi cao hay quá xấu, vô duyên, nhạt nhẽo. Đôi khi chỉ vì nó cứ thường thường như… tôi vậy đó.

Mà sao mọi người cứ phải lo tôi lỡ thì nhỉ? Tôi không lỡ thì, chỉ là tôi chưa đến thì thôi.

Gà mái ơi, bao giờ em đẻ trứng?


Hôm nọ, tôi đi xem một bộ phim ở rạp. Thông điệp của bộ phim nghe rất giật mình: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”. Ra khỏi rạp, tôi nghe thấy một bạn trẻ nói nhỏ với người bạn đi cùng “Ai chả biết mồ chôn của 80% tình yêu là hôn nhân”. Tôi thấy lòng mình khẽ nấc lên một cái.

Mái già tôi chưa từng bao giờ mất niềm tin vào hôn nhân.Tôi vẫn luôn tin là có ai đó, trên cái thế giới gần 8 tỷ người này, thuộc về tôi. Chỉ vì một phút lơ đãng, chúng tôi đã đi lạc mất nhau. Giờ thì đang đi tìm lại. Mất công chút, nhưng sẽ rất bõ cho những tháng ngày trùng phùng. Đã mơ thì cũng phải mơ cho đẹp phải không ạ?

Và khi đang trên đường biến giấc mơ thành hiện vật, à thành hiện thực, nói lộn, thì tôi sẽ gắng sống thật vui, thật tốt, để nhỡ “có khi nào trên đường đời tấp nập, ta nhất định sẽ không vô tình đi lướt qua nhau”. Hẳn là như thế!

Vậy đi. Gà mái em sẽ cục tác, có lẽ là không xa…
aFamily

      © 2021 FAP
        4,318,345       489