Hơn 5 năm qua, nhà của mẹ con chị Nguyễn Thị Mãnh chính là Viện Tim TP.HCM. Phòng bệnh số 10, khu B biết bao người đến chữa bệnh rồi đi, chỉ mẹ con chị là ở lại. Một cái bàn học, một thùng cattong đựng quần áo, một cái tủ đựng đồ ăn, mẹ con chị dìu nhau sống qua những ngày khó khăn.
Để mưu sinh và nuôi hai đứa con trai ăn học, chị Mãnh xoay xở với 1 thùng nước đá nhỏ, vài trái cam và mấy chai cà phê pha sẵn để bán cho những bệnh nhân chữa bệnh nơi đây. Đời vất vả nhọc nhằn chị chỉ có 1 mong ước duy nhất: Con được đến trường, học được nghề tự nuôi sống bản thân sau này.
Tuổi thơ không may mắn
Năm 2007, vợ chồng chị vui mừng khi sinh được hai bé trai sinh đôi. Con gái đầu lòng, giờ lại sinh được hai bé trai anh chị chẳng mong gì hơn. Vợ chồng anh chị đặt tên hai con là Gia Hưng và Gia Lâm. Thế nhưng niềm vui chóng tàn khi 1 tuổi Gia Lâm bị phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Ba mẹ phải chật vật lắm mới tìm được cách chạy chữa cho Gia Lâm, bé được mổ tim miễn phí khi 20 tháng tuổi. Những tưởng số phận sẽ mỉm cười với bé và gia đình, nhưng sau khi phẫu thuật được 15 ngày, ngón tay, ngón chân của Gia Lâm bắt đầu khô đen, hoại tử do bị tắt mạch máu. Cuối cùng, để cứu lấy mạng sống của bé, các bác sĩ phải cắt tứ chi để tránh bị nhiễm trùng toàn thân có thể dẫn đến tử vong.
Chị Nguyễn Thị Mãnh, mẹ bé Gia Lâm, kể: “Gia đình quá nghèo, vợ chồng tôi chỉ đi làm thuê, làm mướn, lại nuôi đến 3 đứa con và một người mẹ già nên làm gì có tiền. Khi Gia Lâm nằm phòng hồi sức, gần 4 tháng trời chăm con, nhìn thấy con vật vã, đau đớn mà tôi như đứt từng khúc ruột. Ngày ngày chăm bé, ăn thì xin cơm từ thiện, tối tôi ngủ hành lang bên ngoài bệnh viện. Tôi chỉ mong con nhanh chóng hồi phục để về sum họp gia đình”. Vợ chồng chị thay phiên nhau, người ở Tây Ninh vừa đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa phải chăm sóc cho đứa con gái đầu lúc đó mới 9 tuổi và anh song sinh Gia Hưng của bé, người thì túc trực ở Viện Tim TP.HCM lo cho Gia Lâm.
Rời phòng hồi sức, Gia Lâm tiếp tục phải tập vật lý trị liệu cho các khớp chân mềm ra khi cử động, cũng như quen với việc tập đi trên chân giả. Năm 2010, hơn 1 năm sau ngày cắt bỏ tứ chi, xương chân trái của bé phát triển, lồi ra, phải tiếp tục phẫu thuật. Chân phải của bé cũng đang bị tình trạng tương tự, có thể trong năm nay lại phải tiến hành phẩu thuật. Chị Mãnh buồn rầu nói: “Gia Lâm hay nói, con không muốn cắt chân nữa đâu, đau lắm. Đến khi nào mới hết cắt chân con hả mẹ? Tôi không biết phải trả lời con ra sao, vì theo các bác sĩ, bé đang tuổi lớn, phát triển chiều cao, nên không biết còn bao lần phẫu thuật nữa. Làm mẹ nghe con nói vậy đau lòng hơn muối xát.”
Bệnh viện là nhà
Để tiện việc chạy chữa và chăm sóc Gia Lâm, Viện Tim TP.HCM đã cho 2 mẹ con có được chỗ ở miễn phí tại đây. 5 năm qua, mẹ con chị Nguyễn Thị Mãnh sống ở khu B của Viện Tim, chung phòng với những bệnh nhân khác. Năm 2010, để Gia Lâm có người chơi cùng, cũng như tiện cho việc chăm sóc các con cho chồng có thời gian kiếm sống, chị xin bệnh viện cho phép đón bé Gia Hưng xuống ở cùng. Góc phòng bệnh là nơi chị để 2 thùng carton áo quần và mền gối, 1 chiếc bàn học nhỏ cho các bé, nền nhà là ghế và cũng là chỗ ngủ của mẹ con chị.
Ba mẹ con chị Mãnh đã coi bệnh viện là nhà.
Chị Tuyền, bệnh nhân ở cùng phòng với mẹ con chị Mãnh ngậm ngùi: "Thấy thương mấy mẹ con lắm. 2 bé ngoan, suốt ngày tự chơi, tự học với nhau. Nhìn cảnh thằng anh đưa em đi vệ sinh mà không thể không mủi lòng, nhìn cảnh Gia Lâm bày anh Gia Hưng tập xe đạp mà rơi nước mắt. Tối tối thấy 3 mẹ con ôm nhau ngủ, thấy thương lắm!”.
Chị Mãnh cũng muốn ra ngoài làm thuê, làm mướn, kiếm thêm chút tiền trang trải, hay dọn ra ngoài ở, nhưng không thể đi được. Khi Gia Lâm còn nhỏ, chị phải túc trực bên cạnh chăm bé, do tay chân không nguyên vẹn nên sinh hoạt của bé phải có người chăm sóc. Chị Mãnh tâm sự: “Ở chung phòng với những bệnh nhân cũng bất tiện lắm, có người đau đớn, họ than khóc cả đêm, mấy mẹ con nhiều khi không ngủ được. Tôi chỉ sợ Gia Lâm còn nhỏ, lại bị như vậy, nhìn thấy những cảnh này lớn lên sẽ sống bi quan. Nhưng có 1 chỗ để trú ngụ như thế này là may mắn lắm rồi”. Còn Gia Lâm thì hồn nhiên nói: “Con thích đi học lắm, đi học nhiều bạn chơi với con, không ai chọc ghẹo con hết, có anh Hưng nữa. Nhưng con không muốn ở bệnh viện, các em bé khóc hoài con học bài, ngủ không được”.
Để mưu sinh, chị Mãnh lấy thùng đá nhỏ đặt cạnh cửa phòng bệnh, bán thêm ít nước đá, vài ly cà phê, cam vắt. Chị nói: “Mình bán vài ngàn nước đá, pha sẵn chai cà phê, vài quả cam, ai hỏi thì mình làm nhanh cho họ vậy thôi”. Vậy mà chị vui lắm, cũng có ít tiền mua đồ chơi cho con, bù thêm chút gạo, thức ăn cho 4 phần ăn mà mỗi ngày 2 bữa bệnh viện cấp cho mẹ con chị, và ít ra chị biết mình không phải là kẻ ngồi không mà chẳng kiếm ra đồng tiền nào.
“Nhiều người nói, hay lúc rảnh, cứ đẩy Gia Lâm đi bán vé số hay xin tiền. Nhưng tôi thấy vậy thì quá tội nghiệp cho con. Con đã thiệt thòi hơn nhiều đứa trẻ khác, làm như vậy sẽ càng làm con tổn thương”, chị Nguyễn Thị Mãnh chia sẻ.
Gia Lâm đang đứng ở hành lang trước phòng bệnh và chiếc xe đạp được tặng là món đồ chơi yêu thích của em
Nhiều bệnh nhân đến rồi đi, 5 năm qua, không biết bao nhiêu lượt người, ai cũng quen hình ảnh 3 mẹ con chị Mãnh đưa đón nhau mỗi ngày. Họ như những người hàng xóm đến rồi đi, lâu lâu quay lại Viện Tim, lại tìm đến người hàng xóm cũ. Lúc đem gói bánh, vài quả trái cây hay vài món đồ chơi cho anh em Gia Lâm. Chị Tím, ngụ tại chợ Xóm Cũi, cũng từng là bệnh nhân khu B, lâu lâu đi tái khám, chị tạt ngang mang theo chút quà cho mẹ con Gia Lâm. Chị nói: “Tôi mổ cách đây 9 tháng, nằm phòng bệnh khu B này 10 ngày, cứ đi tái khám là ghé thăm mẹ con thằng bé. Thành thói quen luôn rồi”.
Giấc mơ cho tương lai của con
Dù khó khăn, bữa ăn hàng ngày cũng chật vật nhưng chị Mãnh lại có niềm quyết tâm rất lớn là phải lo cho hai con ăn học thành tài. Bây giờ, Gia Lâm và anh song sinh đều đang học lớp 2 ở trường Tiểu học Phan Văn Trị, TP.HCM. Hằng ngày, chị phải 4 lượt đưa đón con, bồng con lên đến lớp học ở tầng 2, giao cho cô giáo rồi mới dám quay về.
Không chỉ quan tâm đến những mất mát của Gia Lâm, chị còn nghĩ và băn khoăn cho tương lai của bé. Khi được hỏi có muốn đưa con về quê không? Chị Nguyễn Thị Mãnh cười nói: “Ban đầu thì muốn lắm, nhưng giờ khi con đi học, tôi lại muốn bám trụ lại thành phố này. Ở đây, con có tương lai hơn. Mình rồi sẽ già đi, đâu cả đời bên cạnh chăm sóc cho con. Bé bị như vậy đã thiệt thòi, nếu giờ đưa bé về quê, tương lai bé sẽ ra sao? Tôi nghe người quen chỉ, khi bé lớn hơn 1 chút, ở đây có trường dạy nghề cho những đứa trẻ tật nguyền. Dù sao có 1 nghề để nuôi mình vẫn tốt hơn sống dựa dẫm vào người khác. Vì lý do đó, tôi quyết trụ lại. Nếu sau này bệnh viện không cho ở nữa, chắc mấy mẹ con cũng phải ra ngoài thuê nhà. Vợ chồng tôi làm lụng khổ cực sao cũng được, chỉ mong con cái có thể học hành đến nơi đến chốn.”
Gia Lâm rất thích đến trường và là một cậu bé học rất giỏi
Như hiểu được sự vất vả của mẹ, cả hai anh em Gia Lâm và Gia Hưng đều chăm chỉ học tập và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhìn gương mặt khôi ngô, nụ cười dễ thương của hai em và sự quyết tâm của chị Mãnh nhiều người tin rằng giấc mơ tương lai con có nghề nghiệp để lo cho bản thân của người mẹ này sẽ thành hiện thực.