Đời sống

Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà

Túp lều rách nát, xiêu vẹo, chắp vá đủ bề của hai mẹ con chị Oanh nằm cuối ngõ. Từng con gió đầu đông lùa vào khiến người đàn bà tuổi 48 này với chiếc áo khoác mỏng manh cứ run lên cầm cập.

Đi sâu vào con ngõ 129 Trương Định, Hà Nội, không mấy ai là không biết đến gia cảnh nghèo khó của hai mẹ con nghèo: chị Phạm Kim Oanh (sinh năm 1966) và cô con gái Phạm Thị Kim Dung. 
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 1
Với khuôn mặt khắc khổ, đầy nước mắt của chị khiến chẳng ai nghĩ chị Oanh mới chỉ 48 tuổi...
 Phận người trong túp lều cũ nát
Con đường dẫn vào lều của mẹ con chị Oanh bao quanh là rác rưởi, ruồi nhặng bu đầy và lúc nào cũng sộc lên mùi hôi. Cái lều liêu xiêu, rộng chừng 10m2 rách nát được dựng tạm bợ bởi sự chắp vá những tấm củi, bao bì, bao nilon, thanh gỗ, tấm bạt cũ rách nát chỉ chực đổ ập xuống mỗi khi có gió mạnh. Dù là người lạc quan, nhưng chị Oanh vẫn không giấu nổi những giọt nước mắt lo lắng về căn nhà của mình. Mùa nóng cũng như mùa lạnh, ruồi muỗi bu đầy, mùi hôi bốc lên nồng nặc. “Sáng còn nhìn rõ chứ đến tối là chịu, ăn cơm với ruồi muỗi vo ve là chuyện bình thường. Bận tới đâu, hai mẹ con tôi lúc nào cũng rục rịch ăn sớm cho còn có ánh sáng ban ngày, chứ tối thì chẳng nhìn thấy gì". 
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 2
Đường vào nhà chị bao quanh là một núi rác thải
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 3
Trong nhà chẳng có đồ vật gì có giá trị, tất cả đồ đạc đều được chị nhặt nhạnh từ những cuộc bới rác hàng ngày của mình

Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 4
Cái xô to xanh mới này là một đồ vật chị mới được tặng, khi nào mưa to là chị lấy chiếc xô đẹp này ra để hứng nước

Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 5
Chỗ ngủ của hai mẹ con, chị bảo dù nắng hay mưa, lạnh hay nóng, chị luôn phải mắc màn vì quanh đây rất nhiều muỗi ruồi

Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 6
Chị tận dụng những thanh củi lượm lặt được dùng để phơi quần áo


Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 7
Toàn cảnh nhà mẹ con chị Oanh 
“Nhà” của hai mẹ con chẳng có gì quý giá, lành lặn, căn lều liêu xiêu này được dựng nên từ những vật liệu bỏ đi, nhưng chị vẫn cười lạc quan: “Vật liệu bỏ đi với người ta thôi, chúng giúp mẹ con tôi che mưa che nắng tốt ra trò đấy".
Dựa vào nhau sống qua ngày

Chị Kim Oanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều người bị bệnh thần kinh, căn bệnh này cũng không bỏ qua chị. Một người mẹ bình thường chăm con đã khó, chứ chưa nói đến một người mẹ mắc bệnh thần kinh nhẹ, đầy bệnh tật (tiểu đường nặng, huyết áp cao) chăm con. Nhưng bản năng đã giúp người mẹ đó nỗ lực bao bọc đứa con gái thiệt thòi của mình. 
Trước đây, chị ở cùng mẹ mình trong căn nhà lụp xụp cuối ngõ nhưng sau một thời gian, căn nhà bị sụt lún khiến cả nhà chị ra đường. Trời nắng mưa không chỗ trú, chị quyết định làm tạm mái lều ở trên một bãi rác trong chính chiếc ngõ này.Sau khi mẹ chị mất, một mình lủi thủi ở nơi không điện, không nước này ngày này qua tháng khác. Cuộc đời chị tưởng sang trang khi yêu một người đàn ông mà mãi sau này khi sinh bé Kim Dung chị mới vỡ lẽ “người ta đã có vợ con đề huề ở quê”. Chỉ sau khi nghe tin chị mang bầu, người đàn ông kia đã bỏ rơi hai mẹ con chị. Từ đó tới nay, ở bãi rác tự phát này, hai mẹ con chị cứ ôm nhau mà sống qua ngày. 
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 8
Cái bếp củi cùng chiếc nồi thân thuộc chị dùng để luộc khoai ăn hàng ngày. Thi thoảng lắm mẹ con chị mới có bữa cơm rau

Qua hàng loạt nỗi đau dồn dập ập đến đã khiến gia cảnh và sức khỏe của chị ngày càng kiệt quệ. Đếm lại mấy thúng đồng nát chuẩn bị đi bán, chị Oanh cho biết, mắt chị cũng bị mờ đi nên không đi được quá xa, chỉ lòng vòng quanh quẩn nơi đây, ai thương tình thì mua giúp để mẹ con chị có miếng cơm ăn. 
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 9
Đùm dúm ở góc nhà là hàng chục cái túi vải vụn xin được lớn nhỏ, chị bảo, chị xin về để may quần áo cho con. Thế nhưng chưa kịp làm gì, mưa xuống khiến các bọc vải sũng nước, ẩm  mốc
Đều đặn hàng ngày, 5h30 sáng, người mẹ bệnh tật lại lầm lũi xách hai xô nước thủng đầu thủng đuôi vừa xin được hướng về căn lều ọp ẹp. Trong túp lều đổ nát đó, đứa con 14 tuổi đang nằm chờ mẹ về đánh răng rửa mặt rồi bắt đầu một ngày mới. Rồi tới 7h, chị tất bật cầm thúng đồng nát len lỏi giữa những con đường để kiếm ăn. Mỗi ngày chị đi bộ mải miết để nhặt rác, bán đồng nát. Quãng đường ấy là cực hình với đôi chân bị bệnh khớp của chị. Nhưng vì chạy ăn từng bữa, ngày mưa cũng như ngày nắng, chị đều đặn đội nón đi. 
Trong lúc mẹ đi làm thì bé Dung đi đến lớp tình thương gần đó học lấy con chữ. Chị tâm sự: "Nhiều khi thương con lắm, có lúc trong nhà chẳng có nổi 1000 đồng, gạo hết, bao ngày con phải đi học với cái bụng rỗng không. Con thương mẹ nên nó chẳng than thở lấy câu nào”. 
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 10
Đây là đồ vật lành lặn nhất trong ngôi nhà chị
Những lúc không phải học bài, bé lại đi cùng mẹ, hai mẹ con thất thểu đi nhặt rác, bán đồng nát. Chị bảo, hôm nào may mắn, chị kiếm được hơn 20.000 đồng/ngày, còn những hôm ít hay hôm mưa có khi chỉ được vài nghìn hoặc chẳng được đồng nào.
Khi nghĩ tới đứa con gái bé bỏng của mình: "Nó sẽ sống sao khi tương lai mịt mờ như thế này? Thế nào tôi cũng chịu được, khổ mấy tôi cũng sẽ vượt qua được nhưng nhìn con, tôi chẳng biết rồi tương lai con sẽ như thế nào?”
Nồi khoai lang và ước mơ của cô bé 14 tuổi
Dù cuộc sống khốn khó đến mấy, nhưng chị Oanh vẫn động viên cho Dung đi học. Kim Dung hiện đang theo học tại lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Côi ở cụm văn hóa 11 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, ngày nào Kim Dung đi bộ hơn 2 km để đến địa điểm học. Cô Côi cho biết: “Kim Dung là một học sinh rất ngoan, hiền lành nhưng thiệt thòi".
Sống trên bãi rác mà hỏi về ước mơ thì thật khó trả lời, nhưng Dung chỉ cười rồi nói: “Em ước, mình được ăn cơm với thịt hay nước mắm. Ăn cơm với muối, hoặc ăn khoai lang cũng ngon nhưng… nhiều quá rồi...”.
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 11
Mấy hôm nay, mẹ con chị mừng lắm vì được các bác hàng xóm cho vài bộ quần áo mới
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 12
Mơ ước của bé Dung là được ăn cơm có thịt thay thế bữa khoai lang hàng ngày
Chia sẻ với chúng tôi, chị Đào hàng xóm của chị Oanh kể: “Bao nhiêu năm nay chị ấy một thân một mình nuôi con gái khôn lớn. Chị Oanh bị thần kinh nhẹ nên những khi trở trời hay la hét, bé Dung cũng mấy lần đòi nghỉ học để chăm mẹ nhưng chúng tôi cũng động viên cháu cố gắng học xong bởi học mới giúp cháu vượt khó khăn. Nhiều lúc thương hai mẹ con nhưng không làm gì được. Chúng tôi cũng chỉ giúp mỗi người một chút, một lúc cần thôi chứ không thể giúp nhiều, liên tục được". 
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 13
Ngày nào chị cũng tất bật với công việc nhặt rác, bán đồng nát
Có lẽ cả cuộc đời cơ cực của chị Đào chỉ mong sao cho cô con gái bé nhỏ khôn lớn trưởng thành. Nhưng có lẽ lúc này đây trong lòng chị rất đau, bởi chị hiểu rõ hoàn cảnh của mình, chị bệnh tật như thế này, màn trời chiếu đất, căn lều lụp xụp như thế này, nhỡ có mệnh hệ gì ai sẽ lo cho cô con gái ăn học thành người. 
Nhìn mẹ mình rơm rớm nước mắt, bé Dung cũng bùi ngùi, em tâm sự: “Em chỉ mong sao mình thật mạnh khỏe, lớn nhanh để làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ. Chứ nhìn mẹ em bị ốm mà phải lặn lội bươn trải, em đau lòng lắm”. 
Ước mơ cơm có thịt của hai mẹ con lấy bãi rác là nhà 14
Bình thường chị sẽ phải chờ qua Tết, khi người khác vứt đi chị mới nhặt được cành đào cũ về cắm. Còn cành đào giả này chị mới nhặt được, nó đang khiến chị phấn chấn vì có đào sớm.

Năm nay có đào sớm nhưng cuộc đời mẹ con chị bao giờ mới là Tết thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ...

aFamily

      © 2021 FAP
        4,030,375       818