Có 8 người con đều đã lập gia đình nhưng bà cụ Hai ở ngoại thành Sài Gòn không muốn phụ thuộc kinh tế. Bà ngày ngày đi mót củi kiếm sống và vẫn rất khỏe dù tuổi đã cao.
Hàng ngày, cứ 7h sáng bà Hai lại cùng những người mót củi ở ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM) vào bãi rác của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM làm việc.
Bà đã 72 tuổi nhưng sức vẫn rất khỏe. Nhiều người thường đùa gọi bà là "lực sĩ". Công việc của bà hàng ngày là tận dụng những cây bị đốn bỏ của công ty, mót cành, nhánh rồi dùng dao chặt bỏ lá, chia thành nhiều đoạn bằng nhau và sắp xếp gọn thành từng đống củi.
Những thân, cành, nhánh cây xanh sâu mục, gãy đổ hay cắt tỉa ở trong thành phố vốn được công nhân vận chuyển về bãi rác để đốt.
Là người lớn tuổi nhất và có thâm niên hơn 10 năm làm nghề này, bà chia sẻ: “Còn được sức khỏe thì cố gắng làm, không muốn ngồi chơi. Nhiều lúc con cái ngăn cản tôi đi mót củi nhưng tôi không chịu”. Nhìn bà lom khom giành giật từng cành cây, khúc gỗ với thần lửa khiến người xung quanh ai cũng mủi lòng.
Gia đình bà có 8 người con đã lập gia đình, chồng đi cắt cỏ chăn bò. Con cái khuyên bà ở nhà nhưng bà không chịu vì không muốn phụ thuộc.
Công việc của những người mót củi như bà Hai rất cực khổ nhưng thu nhập lại bấp bênh. Có ngày kiếm được 30.000 - 50.000 đồng, nhưng có ngày không được xu nào.
Cùng làm việc với bà Hai còn có bà Phan Thị Kim Nga (45 tuổi) ở tại ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM) làm nghề mót củi cũng được 6 năm nay. Chồng bà làm nghề thợ hồ, thu nhập thấp nên cuộc sống cũng rất khó khăn.
Giữa cái nắng như đổ lửa, bà Hai cùng mọi người vây quanh chiếc xe tải chở những cành cây vừa đổ xuống bãi thải, rồi hì hục kéo các thân cây xanh ra ngoài. Công việc diễn ra liên tục, thỉnh thoảng mọi người mới dừng tay nghỉ ngơi trong túp lều dựng tạm.
Thỉnh thoảng, khách đến bãi để lựa chọn mua củi làm những người như bà Hai rất vui. Mỗi xe ba gác củi có giá 200.000 - 250.000 đồng, đầy xe máy cày thì 550.000 - 600.000 đồng.
Cũng như Bà Hai, những người mót củi ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ là những người dân nghèo, không được ăn học, không có bằng cấp hay nghề nghiệp ổn định nào nên đành chấp nhận bám trụ với nghề để mưu sinh.
Làm việc từ sáng cho đến 6h tối mới về nhà, ngày ngày bà phải đem mì gói hoặc bánh mì để ăn trưa.
Sau bữa ăn vội vàng, bà Hai cùng những người khác lại tất tả lao ra bãi để kiếm củi. "Mỗi khi người ta chặt cây để giải toả đường hay tỉa cành để tránh đổ gẫy khi mưa bão là chúng tôi kiếm được khá hơn", bà nói.