Suốt 4 năm nay, từ lúc vợ bỏ đi theo người đàn ông khác anh Trần Văn Tấn, 43 tuổi, một mình nuôi 2 cô con gái nhỏ bằng nghề dán điện thoại, máy tính.
4 năm nay, hình ảnh hai bé gái nhỏ nhắn quấn quýt lấy bố tại một tiệm dán điện thoại, laptop... trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7 khiến nhiều người động lòng thương cảm. "Chủ tiệm" là anh Trần Văn Tấn, 43 tuổi, quê ở Khánh Hòa cùng hai cô con gái Trần Thảo Tuấn Huyền (7 tuổi) và Trần Cẩm Thảo Thoại (6 tuổi). Cả hai bé hiện đang học lớp 1 tại một lớp học tình thương của quận.
Hai chị em Huyền - Thoại được một người đi đường mua cho phần ăn tối nên cả hai rất hớn hở, vừa ăn, vừa cười đùa cùng bố. Anh Tấn ngồi xé từng miếng gà cho hai cô gái bé bỏng của mình ăn. Anh nói: "Hôm nay hình ảnh bố con được đưa lên mạng nên nhiều người đến ủng hộ và mua bánh, thức ăn cho ba bố con, chúng tôi cảm ơn mọi người lắm".
Huyền cười tít mắt vì được một bữa ăn ngon. Thường ngày, em chỉ ăn cháo, mì tôm... có khi uống sữa cầm hơi.
Phần cháo mà anh nấu cho "gia đình nhỏ" của mình ăn buổi tối.
Kể về cuộc đời của mình, anh chỉ vào hình xăm mà anh lấy tất cả tên của thành viên trong gia đình xăm lên bắp tay, nói "Tôi cũng không muốn nhắc nhiều đến quá khứ. Trước đây tôi cũng từng ngồi tù một lần do lỗi lầm của tuổi trẻ. Khi ra tù, tôi quyết chí làm ăn, sống tốt với mọi người, rồi tôi gặp Thảo - vợ mình, và yêu cô ấy hết lòng dù lúc ấy Thảo cũng đã có một người con gái riêng. Chúng tôi sống với nhau được một thời gian thì Thảo lại đi theo người đàn ông khác, bỏ lại hai đứa con gái nhỏ cho tôi nuôi nấng, từ đấy đến nay không ai liên lạc với ai cả".
Khi lấy vợ, anh Tấn làm đủ nghề để nuôi gia đình, anh bán thuốc lá, bật lửa, sửa xe... rồi khi học được nghề dán điện thoại thì anh mở "tiệm" tại góc vỉa hè này. Từ lúc anh đổi sang nghề này, thu nhập không được bao nhiêu, vợ lại sinh 2 đứa con gái. Bao nhiêu chi phí phải lo, cái nghèo đi đôi với cái khổ, vợ anh đã tìm đến người đàn ông khác để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc hơn, nhưng không đưa hai cô con gái theo cùng. Anh không có đủ tiền thuê trọ, nên trải bạt ngồi ở góc đường này 24/24. Có khách nào đến dán điện thoại, laptop, bất kể giờ nào, anh cũng nhận làm.
Anh lôi những bức ảnh cũ kỹ được cất giấu trong người và nói: "Hình gia đình tôi đó, anh em, ba mẹ tôi cách đây mấy chục năm trước. Bây giờ tôi chỉ có ước mong kiếm được một số tiền kha khá để đưa 2 con về quê lập nghiệp. Ở quê, ít nhất vẫn còn các chú, các bác, còn nơi nương tựa. Nhưng không biết khi nào mới dành dụm được nhiều tiền như vậy để trở về..."
Chiếc xe đạp ngày trước bà nội mua cho 2 chị em, giờ trở thành phương tiện đi học mỗi ngày.
Huyền và Thoại dù cách nhau 1 tuổi nhưng lại sinh cùng 1 năm, Huyền sinh đầu năm, Thoại ra đời vào cuối năm, hai chị em cùng học, cùng chơi, cùng lớn lên trong một hoàn cảnh nhưng hai cá tính khác nhau. Huyền ít nói và quấn với bố nhiều hơn, còn Thoại thì thích đạp xe, học nhảy theo nhạc. Mỗi khi có khách đến dán điện thoại, Thoại hỏi: "Cô/chú có mở nhạc được không?". Khi khách mở nhạc, Thoại lấy đôi giày cũ ẩm ướt ra, mang vào và nhảy theo nhạc.
Những đêm mưa gió, giày bị ướt, lại có kiến bò vào, Thoại phải ngồi lau lại, rồi nhét giấy vào giày để "nhảy cho êm chân!".
Anh Tấn rất tự hào về hai cô gái bé bỏng của mình. Anh kể chuyện với nụ cười hiền: "Tôi nhớ có một buổi sáng, bé Huyền, như thường lệ, khoanh tay trước ngực và nói "Thưa ba, con đi học", rồi chạy đến ôm cổ hôn vào má tôi. Bé Thoại lúc ấy đứng đằng xa, thấy chị mình như vậy, cũng chạy đến ôm, rồi hôn vào trán. Hai chị em chở nhau đến lớp học tình thương để học chữ, tối về mở sách đọc ê a cho tôi nghe. Mình nghèo, mình khổ, nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc với hai đứa nhỏ này".