Ý tưởng chế tạo ra những đôi “đũa thông minh”, được cho là có khả năng phát hiện những thực phẩm nguy hiểm cho sức khỏe
Tại Trung Quốc, nơi những vụ scandal thực phẩm là không thể đếm xuể, từ dầu thải thu thập ở ống cống cho đến thịt chồn giả thịt bò, tập đoàn internet Bách Độ (Baidu) đã có ý tưởng chế tạo ra những đôi “đũa thông minh”, được cho là có khả năng phát hiện những thực phẩm nguy hiểm cho sức khỏe.
Đũa thông minh có khả năng phát hiện thực phẩm nguy hiểm cho sức khỏe
Ý tưởng về “đũa thông minh” đầu tiên được giới thiệu trong một video đã được hưởng ứng hết sức tích cực khiến tập đoàn Bách Độ phải nghiêm túc nghiên cứu về vấn đề này.
Sản phẩm trong giai đoạn triển khai được Bách Độ trình bày trong một băng video mới. Người ta trông thấy đôi đũa - tuy thanh mảnh nhưng chứa đầy cảm ứng điện tử - được liên tiếp nhúng vào nhiều tô đựng dầu ăn. Các thiết bị cảm ứng phân tích nhiệt độ và thành phần cấu tạo của dầu và sau đó trên một điện thoại thông minh được kết nối với đôi đũa hiện lên những thông tin thu thập được.
Nếu dầu ăn độc hại cho người tiêu thụ, thì một đèn lưỡng cực gắn trong đũa sẽ nhấp nháy ánh sáng màu đỏ. Trung Quốc thường xuyên bị chấn động bởi những scandal được gọi là “dầu thải ống cống”. Có nghĩa là dầu ăn được làm ra từ dầu đã qua sử dụng thải ra đường cống và thức ăn thừa của các nhà hàng, sau đó bán lén lút với giá rất rẻ cho các chủ hàng ăn nhỏ và hàng rong đường phố.
Cơ quan y tế năm ngoái đã cố gắng chặn đứng việc làm ăn phi pháp đang nở rộ này. Khoảng 100 người bị câu lưu và 20 người bị bắt giam (trong đó có 2 người lãnh án chung thân), trong một chiến dịch được tuyên truyền ầm ĩ. Những “đôi đũa thông minh” trên hiện chưa sẵn sàng bán ra thị trường. Bách Độ chỉ mới sản xuất một số hàng mẫu giới hạn và cũng chưa cho biết thời điểm sẽ tung ra bán.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, phát minh này được cư dân mạng chào đón nồng nhiệt, tuy dư luận cũng lấy làm tiếc là phải cầu viện đến một vật dụng như vậy. Một người sử dụng có tên là Vi Bác mỉa mai: “Nếu tôi mang theo đôi đũa này đi khắp nơi, rốt cuộc tôi sẽ chết đói”.
Thực tế là thực phẩm bẩn hiện diện khắp mọi nơi trên đất nước Trung Quốc. Ngày nào báo chí cũng nêu ra những vụ bê bối về thực phẩm nhiễm độc, từ những quả trứng bị nhuộm màu bằng hóa chất công nghiệp, cho đến thịt ôi thiu được đem trộn với các vật liệu khác và đổi ngày sản xuất.
Thực phẩm Trung Quốc đang gây nỗi sợ hãi chung cho cả thế giới. Nhà bán lẻ thức ăn vật nuôi PETCO trở thành công ty đầu tiên ở Hoa Kỳ tuyên bố ngưng bán các loại thực phẩm cho chó và mèo sản xuất từ Trung Quốc vì e ngại cho sức khỏe của vật nuôi.
Có lẽ rất ít người có thể nhớ hết các vụ scandal an toàn thực phẩm của Trung Quốc, đơn giản vì chúng quá dày đặc. Khoảng 10 năm nay, Trung Quốc có 35 vụ scandal an toàn thực phẩm làm chấn động thế giới, tức 3,5 vụ/năm, chưa kể những vụ nhỏ lẻ.
Trung Quốc từng có hơn 50 tấn thịt cừu giả chứa chất phụ gia gây ung thư đã bị phát hiện tại một nhà máy ở Đông Bắc Trung Quốc. Toàn bộ số sản phẩm trên được tái chế từ thịt vịt ôi, mỡ cừu cùng nhiều chất phụ gia khác.
Trong các sản phẩm nhiễm độc là 8,69g/kg, vượt xa tiêu chuẩn quốc gia về thịt tươi và thịt đông lạnh. Thực tế, chỉ cần 3g sodium nitrite là đủ để khiến một người trưởng thành thiệt mạng. Bên cạnh việc bê bối thực phẩm tại Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc còn tuồn, đẩy sang các nước khác.
Nhà cầm quyền Trung Quốc cam kết sẽ siết chặt công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc đã phát động chiến dịch hồi tháng 4/2014 sau hàng loạt vụ bê bối thực phẩm nhiễm “bẩn”, trong đó vụ thịt lợn nhiễm vi khuẩn được phát hiện bày bán tại các chợ.
Gần 6 triệu cơ sở thực phẩm đã bị điều tra và hơn 4.900 cơ sở đã bị đóng cửa do sử dụng các chất phụ gia trái phép. Cảnh sát cũng đã phá hủy các cơ sở dự trữ và sản xuất thực phẩm “hoạt động chui” và bắt giữ khoảng 2.000 người. Ủy ban cũng cho biết thêm, bất kỳ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị phạt nặng.
Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc lại liên tiếp xuất hiện các vụ scandal an toàn vệ sinh thực phẩm khác, như rau quả dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn, thuốc giả, ngộ độc thức ăn trường học, cá bơn nhiễm độc, ốc nhiễm độc, nấm nhiễm độc, chất gây ung thư sử dụng trong dầu chiên, lúa mì và bột gạo nhiễm melamine.