Bạn Thu Nga - người cháu gái đã đăng tải đoạn nhật ký xúc động của cụ ông 86 tuổi viết về 5 ngày cuối của vợ - cho biết, sự ra đi của bà là cú sốc lớn đối với ông. "Mặc dù ông cố gắng tỏ ra bình tĩnh, nhưng khi nói chuyện với bạn bè, ông lại nói muốn đi theo bà." - Thu Nga chia sẻ.
Từ tối muộn ngày hôm qua cho tới bây giờ, cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn note vô cùng xúc động của một bạn gái trích lại “nhật ký của ông, viết về 5 ngày cuối cùng của bà”. Nội dung đoạn note là toàn bộ những dòng tâm sự của người ông dành cho vợ mình – người đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, lúc đó đang sống những ngày cuối cùng trong vòng tay yêu thương của cả gia đình.
Đọc những dòng nhật ký kể về chuyện Thúy Anh (người bà) đau đớn, khổ sở vì bệnh tật ra sao; về chuyện ông lo lắng, quan tâm và thương vợ “Thúy Anh ho nhiều và ngày càng ho nặng, những cơn ho rũ rượi như xé phổi xé ngực của vợ, đồng thời vò xé trái tim chồng. Mỗi tiếng ho của vợ là chồng ngồi lên ngay, vuốt nhẹ vào lưng vợ mong cơn ho mau chấm dứt. Lúc nào thấy vợ nằm im một lúc lâu không ho, là chồng mừng, mừng đến rơi nước mắt….”; về chuyện họ yêu thương và hết lòng vì nhau cho đến tận giây phút cuối cùng trước khi đối diện với cái chết… rất nhiều người đã không cầm được nước mắt và cảm phục trước tình cảm hai ông bà dành cho nhau.
Đoạn nhật ký 5 ngày cuối cùng của vợ được viết bởi cụ Bùi Hữu Trí - 86 tuổi đã lay động cư dân mạng. Tình yêu thương, gắn bó của cụ Bùi Hữu Trí với vợ là cụ Bùi Thúy Anh thể hiện qua từng câu, từng chữ, xót xa đến thắt lòng khiến nhiều người phải rơi lệ. Một tình yêu đơn giản mà quý giá thông thường người ra chỉ bắt gặp trong phim ảnh, nay được tận mắt chứng kiến, đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với cộng đồng mạng.
Người đăng tải đoạn nhật ký này là cháu gái của 2 cụ Bùi Hữu Trí - Bùi Thúy Anh, bạn Bùi Thu Nga. Bạn Thu Nga chia sẻ: "Ông mình là người rất thích viết hồi ký, nhật ký, vì từ bé tới giờ cuộc đời ông rất đáng để viết lại. Ông mình làm ở văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc, từng tham gia cách mạng và viết khá nhiều văn thơ. Ông cứ viết gì là lại đưa cho mọi người đọc, hồi ký của ông cũng được in ra thành nhiều quyển để cho bạn bè đồng chí cùng đọc chung.
Nhà mình sống rất tình cảm với nhau, cũng có nhiều bạn bè thân thiết. Mình đăng đoạn nhật ký này lên để tag bố mẹ, anh chị em, cô chú trong nhà, nhưng vì mọi người cảm động và muốn share cho bạn bè nên mình để chế độ public để cho các cô chú bạn bố mẹ không có trong friendlist của mình có thể đọc được".
Bạn Thu Nga cũng chia sẻ, lúc bà còn sống hai ông bà cũng rất tình cảm với nhau. Ông bà đi đâu cũng có nhau, xưng hô anh em rất tình cảm, đi đâu cũng dắt tay nhau đi. Ông rất chiều chuộng và thương yêu bà. Vì vậy, sự ra đi của bà là cú sốc lớn đối với ông. "Mặc dù ông mình rất bình tĩnh và minh mẫn, cố gắng kìm nén nỗi đau trước mặt con cháu, không khóc nhiều, nhưng khi nói chuyện với bạn bè của ông bà thì ông lại khóc và nói muốn đi theo bà. Từ đó đến nay, ông cũng không cười nữa"- Thu Nga tâm sự.
Cho đến hiện tại, cụ Bùi Hữu Trí cũng đã biết đoạn nhật ký được cháu gái đăng tải lên facebook vì được cả nhà kể lại. Thu Nga cho biết, cả nhà kể với ông để ông biết là con cháu, bạn bè và bất cứ ai đọc được cũng đều rất cảm động, để ông được an ủi là có nhiều người ở bên cạnh.
Chia sẻ về việc note của mình được share khắp nơi, lại còn lên nhiều phương tiện thông tin, Thu Nga cho rằng điều đó cũng dễ hiểu, vì chuyện làm mọi người thực sự cảm động thì share là bình thường. Hơn nữa, phần lớn người chia sẻ là bạn bè của gia đình. "Miễn đừng ai lợi dụng chuyện này để làm ảnh hưởng j xấu tới gia đình mình là được. Còn ảnh hưởng tốt tới mọi người và làm gia đình mình thấy thêm an ủi thì không sao".
Đến hiện tại, note của bạn Thu Nga vẫn đang được chia sẻ rất nhiều với nhiều lời bình luận xúc động của cư dân mạng.
Rất nhiều người đã share ghi ghép này từ facebook của người cháu gái. Bên cạnh việc chia buồn trước sự mất mát của gia đình, ai cũng bày tỏ cảm xúc, sự nghẹn ngào của mình trước câu chuyện quá xúc động của hai ông bà.
Facebook L.M đã chia sẻ đoạn note với dòng trạng thái: “Thật quá xúc động! Mình đọc mà mắt nhòe nhoẹt nước. Cả đời người sống cạnh nhau và họ đã đối xử tốt với nhau tới tận giây phút cuối. Mong cụ bà an nghỉ! Chắc chắn trên thiên đường cụ vẫn đang mỉm cười…”
“Đời người có làm bao nhiêu, tích được bao nhiêu đi chăng nữa cũng không bao giờ sánh được với nghĩa tình của người bên mình suốt cuộc đời, đó là những tài sản quý báu nhất. – Trích từ facebook N.V.N.
Không chỉ cướp nước mắt của người đọc, câu chuyện xúc động này đã tiếp phần nào thêm niềm tin về tình yêu cho khá nhiều bạn trẻ.
Facebook L.H: “Giữa xã hội thực dụng bây giờ, câu chuyện này như tiếp thêm niềm tin về tình yêu chân thành vẫn luôn hiện hữu và tồn tại. Mình thực sự ngưỡng mộ tình cảm mà hai ông bà đã dành cho nhau. Dù đã lớn tuổi, những những cử chỉ, lời nói của họ vẫn luôn tràn đầy mến thương và âu yếm. Thúy Anh của ông chắc chắn sẽ thanh thản, vì suốt đời bà đã được ở cạnh ông!”
“Chắc chắn sẽ có rất nhiều người sẽ ghen tị với chuyện tình gần 60 năm này của ông và bà. Một tình yêu tuyệt đẹp giữa cuộc sống hiện đại và nhốn nháo như bây giờ…” – Ý kiến của N.V.T (23 tuổi)
Sau đây là toàn bộ nội dung nhật ký “những ngày cuối cùng ông viết cho bà”.
"Thuý Anh đau và mệt nhiều từ tháng 5/2014, có lẽ một phần do bệnh hoạn trong người hành hạ, một mặt do tác động của yếu tố tâm lý sau khi đi chụp phổi ở trung tâm y tế Linh Đàm, phát hiện là trong phổi có hạch…
Thuỳ Anh ho nhiều và ngày càng ho nặng, những cơn ho rũ rượi như xé phổi xé ngực của vợ, đồng thời vò xé trái tim chồng. Mỗi tiếng ho của vợ là chồng ngồi lên ngay, vuốt nhẹ vào lưng vợ mong cơn ho mau chấm dứt. Lúc nào thấy vợ nằm im một lúc lâu không ho, là chồng mừng, mừng đến rơi nước mắt….
…………….
Thuý Anh giục tôi viết điếu văn. Tôi đau đớn viết điếu văn và lời nói cuối đời của tôi dành cho Thuý Anh. Thuý Anh xem, gạch chỗ nào nói đến công đức và thành tích của mình, rồi đưa lại cho tôi, vẻ ưng ý và cảm động… Đó là ngày 8/5/2014, đúng 5 tháng trước ngày kỷ niệm 60 năm ngày cưới của hai chúng tôi.
………
Rồi lại đi bệnh viện Bộ xây dựng, rồi hút dịch của bệnh tràn dịch màng phổi. Những ngày lo, buồn, và vẫn ôm hy vọng bệnh sẽ qua khỏi…
………….
Nhiều người bạn rất thân đến thăm, Thuý Anh đều nói: “Chỉ vài tháng nữa…” rồi đưa cho xem điếu văn và lời nói cuối cùng đã viết. Ai cũng cảm động. Có người nói: anh chị chuẩn bị cho sự ‘ra đi’ cực kỳ điềm tĩnh, cực kỳ văn minh. Riêng tôi thì nghĩ: biết đâu những cái chuẩn bị sẵn sàng này ba bốn năm nữa mới dùng đến. Nếu được thế, thỉnh thoảng vợ chồng giở ra xem lại cũng vui!
Nhưng có ai ngờ!
……..
Ngày 30/8/2014, các cháu Hải Phòng lên thăm mợ, Thuý Anh cùng tôi ngồi ở phòng khách tiếp các cháu. Thuý Anh khóc nhiều lúc chia tay: “Ra đi sẽ nhớ nhiều người, nhớ các cháu.”. Cháu Đoan, cháu Thanh đều nói đi nói lại: cuộc sống và tình cảm của cậu mợ đối với mọi người thật là vĩ đại, thật là vĩ đại…!
Đó là lần cuối cùng Thuý Anh ngồi ở ghế bành phòng khách.
Ngay tối hôm đó chương trình ti vi có truyền “Giai điệu tự hào”. Những lần trước Thuý Anh và tôi đều đón xem chương trình này một cách rất say sưa, hào hứng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi không xem một chương trinh ca nhạc hay, vì tối đó mệt Thuý Anh phải vào phòng ngủ sớm.
……….
Đêm đó cũng như nhiều đêm trước Thuý Anh trằn trọc không ngủ được êm một mạch dài. Thuý Anh nằm giường kiểu giường y tế kê đầu cao kiểu ngủ ngồi cho đỡ ho. Tôi nằm ở giường bên cạnh, hai giường cách nhau hơn hai gang. Tôi suốt đêm nhìn sang giường vợ. Chỉ một tiếng ho, một cái cựa mình, một lần nhổm dậy là ở giường bên này tôi nhổm dậy theo, giúp vợ lấy sẵn giấy vệ sinh chùi miệng khi nhổ đờm, hoặc sang vuốt nhẹ lưng khi vợ ho, hoặc giúp vợ đi tiểu ngồi xuống chiếc bô đặt ở giữa hai giường, rồi lại nâng Thuý Anh lên giường ngủ lại.
Một lần Thuý Anh nói: Anh khổ vì e quá! Em mong cái chết chóng đến cho anh đỡ khổ!.
Tôi nói: Đừng nghĩ thế. Anh vui vì được phục vụ em. Anh sẵn sàng phục vụ em thế này một trăm, một nghìn, một vạn ngày mà không thấy mệt.
Thuý Anh nói: Anh có khoẻ khoắn gì. Anh phải cố sống để đừng chết trước em. Anh mà chết trước em thì những ngày còn lại của em, dù đã có các con cũng sẽ trở nên cực kỳ thê thảm……
……………….
Ngày 1/9/2014, buổi sáng. Sau khi cô giúp việc vừa dỗ vừa ép, múc đút cho bà ăn xong ba thìa rưỡi cháo, giúp bà xúc miệng, đánh răng, Thuý Anh nửa nằm nửa ngồi trên giường, tôi ngồi ở cuối giường, hai vợ chồng nhìn nhau nói chuyện.
Thuỳ Anh thều thào nói: “Anh ơi!... Anh ơi!... Anh ơi!... Em thích gọi hai tiếng này lắm, và suốt đời em, sau mươi năm qua em đã gọi hai tiếng Anh ơi trong niềm hạnh phúc. Nhưng sắp đến lúc không gọi được nữa rồi.” Sau câu nói đó hai vợ chồng cùng khóc…
…………………
Ngày 2/9/2014, trong một lúc đỡ mệt và tỉnh táo, Thuý Anh nói một câu dài mạch lạc, là câu nói mạch lạc cuối cùng: “Em cảm ơn anh vì hạnh phúc cả cuộc đời anh đã dành cho em. May làm sao đời em lại gặp được anh. Trong cuộc sống có lúc có điều không phải với anh, anh tha lỗi cho em.”
Tôi ứa nước mắt: “Anh cũng cảm ơn em vì hạnh phúc đời người màem đã mang lại cho anh. Em chẳng có lỗi gì cả. Trái lại chỉ có đôi lần trong đời, anh gắt với em, nhưng gắt xong là anh hối hận ngay. Em có biét không?” Thuý Anh trả lời trong nước mắt: “Em biết chứ!”
……………………
Ngày 3/9/2014
Hai vợ chồng ngồi lẳng lặng nhìn nhau như mọi ngày. Tôi hỏi: “Em nhìn anh có thấy rõ không?” Thuý Anh trả lời: “Nhìn không rõ.” Tôi hỏi tiếp: “Anh nói, em nghe có rõ không?” Thuý Anh nói: “Nghe rõ nhưng không hiểu!”. Tôi đau đớn đến lạnh người, chạy ra gọi các con: “Nguy rồi các con ơi! Gọi ngay Hà xuống đây!”
…………………….
Hôm nay Thuý Anh mệt lắm rồi, phải thở oxy liên tục.
Khoàng 9 giờ chú em Nhã đến thăm chị. Anh Trí dẫn vào, hai chị em chào nhau, rồi anh kéo Nhã ra ngoài nói chuyện để chị được nghỉ.
Thuý Anh ra hiệu gọi cô Thoa giúp việc đến và nói nhỏ:”Cô ra chuẩn bị một hộp sữa bột to gói cho chú mang về biếu thím.” Và nhắc: “Dặn ông nhớ biếu chú tiền cho thím bồi dưỡng.” (Ngày hôm trước Thuý Anh đã nói: “Chú Nhã ra, anh nhớ biếu chú 1 triệu.”)
Và cũng hôm qua đã nói với tôi: “Anh chuẩn bị tiền và sữa biếu chị Phương để khi cháu Ninh đến thăm để cháu mang về biếu chị.”
Ngay chiều 4/9/2014, chị Ban đến chơi vừa ngồi bóp chân cho cô em, vừa ríu rít truyện trò.
Thuý Anh lúc đó đã mệt lắm, vẫn nửa nằm nửa ngồi lim dim mắt và ậm ừ đáp lại. Một lúc sau Thuý Anh nói: “Chị về đi! Để cháu Hương còn kịp nấu cơm cho chị ăn.”
Đây là những cử chỉ tình nghĩa cuối cùng mà Thuý Anh dành cho đời, cho những người thân thiết.
Đêm 4/9/2014
Buổi tối sau khi ăn cháo, đánh răng, Thuý Anh bảo cô Thoa dìu vào nhà tắm rửa ráy sạch sẽ, thay quần lót áo lót, quần ngoài, rồi lên giường nằm ngủ.
11 giờ đêm thấy tiếng động lục cục tôi ngội dậy. Thúy Anh đã ngồi dậy thò tay ra bàn nước lấy viên thuốc ngủ để sẵn cho vào miệng và run run định cầm cốc nước. Tôi bước sang nhấc cốc nước đưa lên miệng cho Thuý Anh uống viên thuốc ngủ. Trong chừng nuốt có vẻ khó khăn. Xong, Thúy Anh ra hiệu đi tiểu. Tôi đỡ cho vợ đi tiểu xong, mặc lại quần, đỡ lên giường. Như mọi khi Thuý Anh sẽ tự chống tay nhích mình lên đến chỗ có gối cao thì nằm xuống, nhưng lần này là nằm ngay ra giường. Tôi gọi cô thoa sang cùng nâng cho Thuý Anh nằm lại ngay ngắn, nhưng cô Thoa kêu lên: “Bà……..! Bà đi rồi!”
Và Thuý Anh nhắm mắt, đinh ninh ngủ đến sáng sẽ dậy. Nhưng đau đớn thay! Không bao giờ dậy nữa!
Lúc đó là 11 giờ 45 phút đêm 4/9/2014.
Cuộc đời hạnh phúc lứa đôi của chúng tôi: Trí và Thuý Anh chấm dứt từ đây. Chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau hai vạn hai ngàn hai trăm mười sáu ngày, chỉ còn ba
mươi tư ngày nữa là tròn 22250 ngày (sáu mươi năm).
Sao kiếp người lại có những lúc đau đớn cùng cực đến thế này. Một người thân nhất trên đời, gắn bó với nhau từng hơi thở suốt sáu mươi năm, nay xa nhau và không bao giờ gặp lại nhau được nữa.
Thương em!
Em về đón anh đi với em ơi!"