Tôi bán trinh để kiếm tiền nuôi những đứa em rách rưới đói khát, khác cha khác cả mẹ, chẳng chút máu mủ gì với đời tôi! Tôi bán trinh vì ba tôi đã bỏ rơi má tôi, má tôi bỏ rơi chúng tôi, những đứa em khác cha khác mẹ cùng khổ dồn vào đời tôi, lẽ nào tôi sẽ bỏ rơi chúng nó? Từ đó cuộc đời tôi gắn với nghề làm gái.
Chị Trương Thị Hồng Tâm - nhân vật trong bài viết (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tôi sinh năm 1956, tôi tên là Tâm.
Tôi có sáu bà má. Má cả, các dì ghẻ và cả má đẻ, người đã ruồng rẫy bỏ mặc tôi khi tôi không còn có thể đi làm gái điếm, bán thân xác đổi lấy tiền cho bà nữa!
Tôi có bốn ông cha, cha đẻ với vài cha dượng, có người đã chết lúc nào tôi cũng không hề hay biết!
Tám tuổi, em trai chết cứng ngay trong tay tôi, mà hồi đó tôi còn chưa biết cái chết nghĩa là gì!
Mười bốn tuổi, tôi đã lăn lộn khắp Sài Thành. Dân chơi ma túy khu Lê Lai hay gái vũ trường quận Nhất đều quen mặt biết tên tôi. Nhưng khi đó, tôi chơi với dân anh chị song tôi chưa đi làm gái. Tôi xà quần với đám cô hồn nhưng tôi chưa hề nghiện ngập. Không ai hay biết tôi là trinh nữ duy nhất trong đám bụi đời ấy.
Nhưng tôi chỉ giữ được tới năm mười bảy tuổi.
Cuộc sống hai mươi năm lặn lội dưới tận đáy cặn rác rưởi của Sài Gòn khiến tôi đánh mất tất cả những gì tốt đẹp còn sót lại trong tâm hồn và thân xác. Bây giờ thì tôi đã biết chết là gì, chết hóa ra là thứ sung sướng hơn sống như thế này!
Ba mươi bảy tuổi, tôi lần đầu tiên phải vật vã với cay đắng và nhục nhã để tìm lại những thứ gì tôi đã bị cướp mất khỏi cuộc đời này: niềm tin, tình yêu thương, niềm khao khát sống, hình dạng một con người. Giờ thì tôi biết cái chết là một cõi khác. Chết, thật dễ! Sống một cách tử tế thì khó hơn rất nhiều!
Hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi chính là những ngày tháng Sài Gòn giải phóng. Tôi được xuống đường cùng các anh chị sinh viên Sài Gòn biểu tình, đi giữa đường hô vang khẩu hiệu, giương cờ và biểu ngữ. Không ai biết tôi là một cô gái điếm, một con nghiện ma túy, một kẻ sống trong bóng tối. Tôi cảm giác tôi cũng là một con người được đi giữa đám sinh viên, tự do, mạnh mẽ và sung sướng, đi dưới nắng mặt trời, ngẩng mặt lên nhìn mọi người. Tôi như trở thành một con người khác hẳn.
Nhưng đời tôi chỉ có vài ngày hạnh phúc. Sau đó là bóng tối. Những đêm bắt khách quanh đường Lê Lợi, những cuộc bắt bớ. Những ngày tháng kéo lết từ trại phục hồi nhân phẩm tới trường giáo dưỡng, từ trại Xuân Lộc qua Thủ Đức, hết năm này qua năm khác. Những cuộc trốn trại bị cưỡng hiếp, những chuyến gian nan quay về thành phố để… lại ra vỉa hè làm gái.
Tôi cũng từng có người thương, tôi cũng từng thương một người. Những thứ đó đã biến mất hoàn toàn trong bóng tối của cuộc đời tôi. Năm 1990, khi đó đã 34 tuổi, tôi vẫn đang làm gái điếm quanh quẩn nội đô Sài Gòn, tôi gặp một tình nguyện viên của Ủy ban phòng chống AIDS. Từ đó tôi không đi khách và xa ma túy để trở thành tình nguyện viên tuyên truyền. Vì thế, má tôi đã chính thức đuổi tôi đi khỏi đời má.
Giá có thể kể thì cuộc đời tôi là một tiểu thuyết dài tập, trùng điệp những nỗi khổ đau ngay từ khi tôi chưa sinh ra. Má tôi hắt tôi ra khỏi gầm cầu thang chung cư mà hai mẹ con đang sống. Má tôi chửi, mày không kiếm được đồng nào thì mày đi chết đi! Nhìn con nhà người ta đi khách kìa, kiếm tiền cho má nó cờ bạc kìa!
Tôi khóc, tôi nói má ơi con đã làm điếm trọn một nửa cuộc đời của con rồi. Giờ đáng lẽ má phải mừng cho con chứ, hay má có phải má đẻ của con không? Tôi vừa khóc, vừa ra đi giữa cơn mưa tầm tã của Sài Gòn và cơn sốt. May còn có các tình nguyện viên, có nhà Mở, có nhà Hạnh phúc, có anh Francisco Hùng…
Tôi đã dành phần đời còn lại của tôi để làm một người đàn bà lương thiện. Tôi đã gặp biết bao nhiêu số phận còn khổ đau hơn cuộc đời tôi gấp nhiều lần. Có nhiều cô gái điếm mắc AIDS, trao đứa con vào tay tôi nuôi, lần sau gặp lại, cô ấy đã chỉ còn là một nấm mồ mới đắp. Trong số những đứa trẻ con – sản phẩm của ma túy và mại dâm Sài Gòn – tôi nhớ nhất một đứa con gái, ngang ngược khó bảo, bất cần ngông ngênh.
Nhưng nó không ma túy mại dâm và chết như bố mẹ nó. Nó tự sắm cho đời nó một cái xe đẩy, chiều chiều ra Hồ Con Rùa bán bò bía. Đời không ai bắt nạt được nó, xã hội bẩn thỉu hay tươi sáng, nó cũng không bị nhuộm màu. Trong tay tôi, cũng có những đứa trẻ lìa đời vì AIDS. Tôi nhận nuôi biết bao đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi vì tù tội và HIV. Từ khi tôi nuôi chúng, không ai cho tôi thuê nhà cả. Tôi phải trọ một căn phòng tồi tàn cách Sài Gòn hơn hai mươi cây số, phải đi qua xóm đạo ngoại ô, băng qua nghĩa địa mới tới chỗ tôi ở.
Cũng không ai thuê tôi giúp việc nhà nữa, họ sợ người mẹ nuôi các con bị HIV thì sờ vào đồ đạc nhà họ cũng không được. Tôi từng thử bán gạo. Một tháng đã lỗ hết sạch vốn. Chỉ vì cứ nhìn thấy người đói, người bệnh đi qua là tôi xúc gạo cho họ. Mà một ngày, biết bao nhiêu cảnh khổ đi qua con đường Sài Gòn, đi qua chỗ tôi ngồi.
Nhưng cay đắng nhất là sau mười mấy năm nuôi các con nhiễm HIV, năm 2009, tôi đã xét nghiệm dương tính với HIV. Trong nhà có một con bị bệnh nặng, khi con qua đời, thì tôi đã nhiễm virus HIV trong lúc chăm con… Đau đớn làm sao, gần hai mươi năm làm điếm và hút chích thì lại may mắn không lây bệnh Si-đa, nhưng khi tôi làm người tử tế thì lại bị nhiễm HIV. Cái giá phải trả để một con điếm được sống như một con người sao mà đau đớn thế!
Tôi không biết tôi sẽ sống được bao năm nữa. Tôi không biết ngày mai khi tôi chết, tôi có được chôn như một người Sài Gòn hay không. Vì cho đến hôm nay, tôi đã lạy van nhiều nơi, thưa đơn khắp mọi cửa, cũng không hề được cấp Chứng minh nhân dân. Tôi là một người vô thừa nhận ở Việt Nam. Sao má đặt tên tôi là Tâm làm chi. Giá không có chữ Tâm, tôi đã đâu phải sống giữa những bi kịch trùng điệp của đời mình?
Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để được sống, như một con người, không phụ lòng ai cả. Tôi luôn nhớ lại giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Khi còn trẻ, tôi đã được đi giữa những sinh viên Sài Gòn, ngẩng mặt hô to yêu nước, mà không ai nhận ra tôi là một con nghiện, một con điếm, một kẻ bị đạp xuống tận đáy.
Năm 2013, chị Trương Thị Hồng Tâm là một trong 20 gương mặt vượt lên số phận để giao lưu với Nick Vujicic tại Việt Nam, đã được truyền hình trực tiếp trên VTV. Đây là câu chuyện về cuộc đời chị Trương Thị Hồng Tâm được nhà văn Trang Hạ ghi lại. Chị Tâm đã từng đi 'làm gái' trong nửa cuộc đời mình- nay là tình nguyện viên của Ủy ban phòng chống AIDS, chị nhận nuôi nhiều em nhỏ bị nhiễm HIV. |