Không cần phải về Tuyên Quang, tại Hà Nội bạn cũng có thể thưởng thức được lễ hội rước đèn độc đáo, với mô hình lồng đèn lớn nhất Việt Nam từng được ghi vào sách Kỷ lục Guiness.
Năm 2004, lần đầu tiên một hoạt động đón trung thu tự phát của người dân thành phố Tuyên Quang được chào đón nồng nhiệt. Nhân dân tổ 12, phường Tân Quang đã tự tay làm nên những mô hình đèn lồng trung thu khổng lồ để mang lại niềm vui cho con trẻ. Điều này đã đặt nền móng cho hoạt động văn hoá, lễ hội đặc sắc này. Sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận Tuyên Quang có lễ hội với nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam.
Năm nay, những chiếc đèn lồng cao 3-4 m, hình dạng phong phú - nét độc đáo của lễ hội trung thu Tuyên Quang - đã có mặt tại Định Công - Hà Nội. Ở đây, các bé được tham dự lễ rước đèn đặc biệt gồm những mô hình đèn hoành tráng và bắt mắt... Các bé cũng được cùng bố mẹ làm nên những chiếc đèn lồng đủ hình dáng và màu sắc.
Cô Thanh Thủy – một cư dân trong khu dân phố chia sẻ: “Trẻ con bây giờ ít khi được tự làm lồng đèn hay biết chơi những trò chơi mà ba mẹ khi còn nhỏ hay chơi vào những ngày Trung thu. Thế nên chúng tôi rất mong tạo một sân chơi cho các em nhỏ bằng cách tổ chức một buổi rước đèn ý nghĩa thật đầm ấm đậm chất Trung thu".
Sau đây là một vài hình ảnh PV chúng tôi ghi nhận được:
Ngay từ chiều, các cô các mẹ đã tự tay làm nên những mô hình màu sắc như quả địa cầu, cánh chim hòa bình, ngôi sao lớn... cho các bé đón Trung thu đặc biệt.
Những ngày này, đường phố trong khu đô thị Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) nhộn nhịp hơn với không khí rước đèn Trung thu đặc trưng của Tuyên Quang
Gia đình cùng "pose" ảnh bên cạnh những chiếc xe chở đèn lồng được cao tới gần 4m được trang trí, màu sắc... theo đúng phong cách của các lễ hội Tuyên Quang
Vào dịp tết Trung thu có tục múa lân. Người ta thường múa lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống.
Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất lên theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, chú Tễu đi trước,... Ðám múa lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau.
Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.
Những chiếc đèn lồng cao từ 3-4m được đặt trên xe, thắp đèn chiếu sáng, tiếng nhạc, tiếng trống đều được lựa chọn cho phù hợp với hình ảnh chiếc đèn.
Mỗi đội rước làm một chiếc đèn lồng với hình dạng mang ý nghĩa nào đó, chủ đề được lựa chọn nhiều nhất là hình ảnh địa cầu, ngôi sao năm cánh, hình ảnh các vị anh hùng dân tộc của Tổ quốc.
Rất nhiều trẻ con, nam thanh nữ tú đến người cao tuổi cũng tham gia vào đoàn rước đèn
Chiếc đèn lồng màu sắc này cao 3m được tổ dân phố và trẻ em phường Định Công thực hiện.
Rất nhiều người tò mò đứng lại xem lễ rước đèn đặc biệt này
Từ người lớn...
Đến trẻ em, ai ai cũng tỏ ra thích thú lễ rước đèn này
Chiếc đèn lồng có hình ngôi sao năm cánh
Mô hình đèn lồng mang theo cột mốc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chiếc đèn này cao 3m, được làm trong 3 tuần, với bàn tay góp sức của các bé.