15 năm nay, lũ trẻ ở xóm lao động nghèo dưới chân cầu Tân Thuận, quận 7, TPHCM ngày ngày theo học chữ ở lớp bà Mười. Sáng nay, 6/9, các em đã được đến dự lễ khai giảng năm học mới.
Lớp học của bà Mười (tên thân mật người dân hay gọi của cô giáo Lữ Thị Lệ Nương, 80 tuổi) đơn sơ tại địa chỉ 45KE đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, chỉ có hai phòng, một phòng dùng để chứa đồ dùng học tập, phòng còn lại để cho học sinh đều đặn ngày hai buổi ngồi học bài.
Vào năm 1999, bà tình cờ đi ngang qua một nhóm trẻ đang được các sinh viên trong Dự án tương lai dạy học ngay tại vỉa hè chật chội. Nhìn lũ trẻ không có bàn ghế, ngồi học giữa chốn xe cộ qua lại ồn ào không thể tập trung vào bài giảng của các anh chị sinh viên nên bà quyết tâm tìm địa điểm học tốt hơn cho chúng. Bà về bàn bạc với chồng và căn nhà nhỏ của ông bà trở thành lớp học đầu tiên cho trẻ em "ba không": không nhà, không hộ khẩu, không khai sinh.
Với ước nguyện mong cho trẻ em được đi học, nhiều năm qua bà vẫn lụi cụi đi gom lũ trẻ lang thang ở xóm ghe và xóm bóc củ hành, trẻ vé số, trẻ ăn xin về lớp học của bà. Vào khoảng năm 2001, khi lũ trẻ đến học ngày càng đông, lên đến gần 60 em. Căn nhà nhỏ không đủ chỗ ngồi, nên bà Mười phải đề nghị khu phố cho mượn phòng tiếp dân, rồi mượn cả nhà kho bỏ hoang để làm nơi thầy, trò "gieo" chữ.
Lớp học tuy không được khang trang, mái nhà sập xệ, tường cũ, bàn ghế xộc xệch, nhưng đối với bà Mười và lũ trẻ thì đây là "lớp học hạnh phúc" nhất mà bà và các bé có được.
Với mong muốn các trẻ em nghèo cũng có được ngày khai giảng ý nghĩa như bao đứa trẻ khác, mhóm Tình nguyện viên của Lớp học tình thương đã phối hợp với chính quyền, đoàn phường, nhà tài trợ để tổ chức buổi Lễ khai giảng năm học mới tại Lớp học bà Mười vào 8 giờ 30 sáng nay, ngày 6/9.Các em trình diễn tiết mục múa dân vũ vui nhộn. Lớp học chỉ nhận các em từ 5 tuổi rưỡi và chỉ dạy đến khi các em hoàn tất chương trình lớp 5. Có những em dù 15,16 tuổi nhưng chỉ mới học đến chương trình lớp 3.
Chủ nhiệm nhóm Tình nguyện viên, chị Mỹ Phượng, cho biết: "Tôi rất tiếc vì hôm nay có 2 anh em đi bán vé số phụ giúp gia đình nên không đến dự lễ khai giảng được. Các em trong lớp học này ngoài giờ học phải phụ giúp gia đình kiếm sống nên sĩ số lớp không ổn định. Có em chỉ học được một thời gian thì lại theo ba mẹ mưu sinh nơi đất khác kiếm sống".
Hai em học sinh lớp song ca bài "Ngày đầu tiên đi học" rất đáng yêu. Đối với các em, được đến trường, đi học cùng bạn bè là hạnh phúc to lớn nhất của tuổi thơ.
Sau phần diễn văn nghệ, các em học sinh năm nay vào lớp 1 được chào đón và bước vào lớp. Những bộ đồng phục của các em là những chiếc áo học sinh cũ, được mang đến tặng, có em chưa có đồng phục nên đến dự lễ khai giảng với áo sơ mi thông thường.
Nghi lễ chào cờ được diễn ra trang trọng. Đến sự buổi khai giảng này có sự hiện diện của bà Lê Thị Thanh Huyền - Phó chủ tịch phường Tân Thuận Tây, những người đại diện khu phố 3 và 5. Ngoài ra còn có bà Nguyễn Ngọc Thanh Ngân - Ban Quản lý giáo dục phường.
Nghi lễ kết thúc, các em tiếp tục với phần phát biểu của đại biểu, thầy cô, học sinh. Sau đó là phần phát thưởng cho học sinh có thành tích tốt.
Các em học sinh đi chân đất nhận phần quà và bằng khen thưởng trong niềm vui sướng.
Cùng "khoe" bằng khen học sinh giỏi và danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực học tập và rèn luyện của các em trong thời gian qua. Dù có những em vừa đến trường vừa mưu sinh cùng ba mẹ nhưng các em vẫn sắp xếp thời gian đi học đầy đủ.
Buổi lễ khai giảng kết thúc thành công tốt đẹp, bà Mười cười rạng rỡ trong những lời chúc mừng và động viên của mọi người.
Các em chụp hình cùng cán bộ khu phố, giáo viên nhóm tình nguyện viên và bà Mười.
Mỗi em còn được làm tặng những chiếc bong bóng được nặn đủ hình thù vui nhộn.
Những nụ cười rạng ngời trong ngày khai giảng, bắt đầu một năm học mới với những trẻ em nghèo.