Đời sống

Hào Anh thực sự là một cậu bé bất hạnh

Hào Anh những ngày này đang bị nguyền rủa là “đứa con bất hiếu”, “hư hỏng, khốn nạn”. Nhiều mạnh thường quân ngày xưa đã “cho em tiền” còn tỏ ý tiếc nuối: “Biết thế ngày xưa không cho mày tiền nữa”…

“Ai cho em lương thiện?”

Trước khi bị nguyền rủa và lên án như những ngày vừa qua, cuộc sống của em diễn ra như thế nào, chắc hẳn nhiều người chưa thể quên được.

Đó là 4 năm trước, khi 14 tuổi, Hào Anh bị “cậu mợ” thi nhau dùng kìm kẹp giật rách miệng, thả than nóng vào miệng buộc ngậm lại; hoặc nhét cả thanh sắt vào miệng, cạy răng gãy răng rắc; hay lấy búa đập vào đầu gối, bị nhốt vào chuồng chó, bắt uống nước tiểu...

Đó là 6 năm trước, mẹ không đủ khả năng nuôi con, 12 tuổi Hào Anh đã đi làm thuê để giảm gánh nặng cho mẹ. Cả năm không thăm con, không biết con mình thế nào, mẹ Hào Anh đi bước nữa và có thêm con mới… (có lẽ là khi đó Hào Anh cũng có thương mẹ, đến mức khi bị tra tấn, đánh đập, vẫn cắn răng chịu cực hình, không dám phiền mẹ).

Đó là 18 năm trước, Hào Anh bị bố bỏ rơi khi mẹ đang mang bầu tháng thứ 9 và liên tục 14 năm sau đó.

Hào Anh thực sự là một cậu bé bất hạnh 1
Hào Anh bị lên án vì đã đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà.

Bố mẹ em, những người lớn xung quanh em nhẹ thì thở dài trách móc em hư hỏng, nặng thì lên án phê phán em đua đòi, bất hiếu… Chính cha mẹ em đã đẩy em vào cuộc mưu sinh, trao em vào tay những con người mang vuốt thú dữ khi em đang ở trong độ tuổi cần được cha mẹ bao bọc, che chở và giáo dục bây giờ đang chua xót vì em bất hiếu?

Chính dư luận đã vung tiền ra cho em vào lúc mà em cái cần nhất cho em là được nuôi dạy lại từ đầu, được trị liệu tâm lý, được bù đắp tình yêu thương, được học nghề… để có tự mình thoát ra khỏi vũng bùn tăm tối đó. Họ cho em tiền và giờ họ thất vọng và tiếc nuối vì em đã “không biết sử dụng đồng tiền mà họ cho em”.

Một đứa trẻ thiếu thốn tình thương, có tuổi thơ chìm trong đau đớn và bạo lực hiểu như thế nào về sự quan tâm và lòng hiếu thảo? Một đứa trẻ không được nuôi dưỡng tử tế, không được đi học và giáo dục như những đứa trẻ bình thường có đáng bị kết tội vì nó trót hư hỏng, phá phách?

Hội chứng boomerang

Như cái boomerang sau khi bị ném ra xa thì lại văng về nơi bắt đầu. Những hung bạo mà Hào Anh đã phải nhận, giờ đang bị đáp trả lại cho cuộc đời, và cay đắng thay, ba mẹ em đang phải hứng chịu.

Không phải đến bây giờ người ta mới nói đến những ảnh hưởng nghiêm trọng của các hành vi bạo lực đối với trẻ nhỏ, nó mang đến không chỉ những hậu quả ngay lập tức về mặt thể xác mà còn ăn sâu vào tinh thần và chi phối hành vi của chúng cho đến mãi những năm tháng trưởng thành sau này.

“Cha nào con nấy”, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, mặc dù khiếp sợ và căm ghét thói bạo hành của cha, mẹ, cậu mợ, người nuôi dưỡng, nhưng khi trưởng thành, những đứa con, có xu hướng “lặp lại” cách cư xử độc ác đó với người thân. “Di chứng” bạo lực đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của họ. Bạo lực sẽ tái tạo bạo lực. Và đến lượt mình, những công dân tương lai lại hành xử với nhau và với thế hệ kế tiếp cùng một cách như mình đã nhận được.

Từ những biểu hiện hư hỏng, bất hiếu của Hào Anh, hãy nhìn về hững kẻ đã gây nên tổn thương khủng khiếp cho Hào Anh... để thấy những vấn đề còn rất ngổn ngang. Bản án 46 năm dành cho vợ chồng Mã Ngọc Thơm, số tiền 800 triệu đồng ủng hộ Hào Anh không những chẳng cứu được cuộc đời Hào Anh mà còn đẩy em đến những bi kịch mới.

Hào Anh thực sự là môt cậu bé bất hạnh. Bất hạnh từ khi sinh ra chưa đựơc nhìn mặt cha, tới 14 năm sau mới gặp cha lần đầu, tới việc 12 tuổi đã phải đi ở đợ, tới việc bị tra tấn bên vực cái chết, và tới hôm nay, khi là thủ phạm ngang ngược đuổi bố mẹ ra đường thì Hào Anh vẫn vẹn nguyên là một nạn nhân của bạo lực.

Cũng cảm ơn là có một câu chuyện Hào Anh, quá điển hình và bộc lộ nhanh gọn trong vòng có 4 năm, để chúng ta hiểu rằng nhân quả không có đợi tới kiếp sau. Mình gieo quả nào, thì vài năm sau đã gặt quả đó rồi, thậm chí ngay lập tức!

aFamily

      © 2021 FAP
        3,846,937       351