Mười năm nay, chị Ngà đi khắp nơi chữa bệnh nhưng chứng mất ngủ vẫn không hết. Đã có lúc, chị chán nản vì mắt không thể nhắm lại được. Đêm nào, chị cũng thức đến sáng.
Vật vã vì mất ngủ
Chúng tôi gặp vợ chồng chị Bùi Thúy Ngà trú tại Khoái Châu, Hưng Yên khi chị đến Bệnh viện Tâm thần trung uơng 1 khám. Ánh mắt mệt mỏi, chị Ngà thở dài ngao ngán “hơn mười năm rồi không tài nào ngủ được cô ạ.
Đi khám ở đâu cũng không ra bệnh. Có những tháng mất cả chục triệu đồng mà không ăn thua. Đến nay, tôi thấy mua giấc ngủ là đắt nhất. Tôi đã ăn và uống đủ thứ thuốc theo lời mách bảo của mọi người, cũng đi khắp nơi để chữa trị nhưng mất ngủ vẫn hoàn mất ngủ”.
Chị Ngà bắt đầu kể câu chuyện của mình, năm 2003, mẹ chị Ngà bị ung thư buồng trứng và qua đời. Từ sau ngày mẹ mất, chị Ngà bắt đầu mất ngủ liên miên. Lúc đầu, chị nghĩ do thời gian chăm sóc mẹ lâu nên sinh ra mệt mỏi, thức đêm quen nên khó ngủ. Chị Ngà mua thuốc ngủ về uống nhưng vẫn không tài nào ngủ nổi.
Chị Ngà chấp nhận cuộc sống chỉ có ban ngày, nhiều lần nghe tiếng chồng con ngáy trong giấc ngủ sâu, chị Ngà khẽ lau giọt nước mắt. Mùa hè mất ngủ còn đỡ, mùa đông như cực hình. Chị Ngà phải sắm riêng chiếc chăn và chiếc giường đơn. Không ngủ nằm trở mình chị sợ ảnh hưởng tới giấc ngủ của anh nên nằm riêng.
Đêm nào, chị Ngà cũng thức chong chong làm việc. Buổi tối, chồng con chìm vào giấc ngủ sâu, chị Ngà lại xuống căn phòng nhà sau để làm mọi việc. Có những hôm không biết làm gì, mắt mỏi chị lên mở ti vi, xem đầu đĩa.
Chị cố giết thời gian để mong đến sáng. Chị mong nhất hàng ngày là tiếng gà gáy để báo sáng. Chị thèm trời nhanh sáng để được nói chuyện với mọi người trong nhà.
Chị bảo “cứ thấy mọi người đạp xe đi chợ bán hàng sớm là chị vui lắm, chị dậy chạy ra chợ trò chuyện cùng mấy bà buôn rau, quả rồi về nhà mua đồ nầu ăn sáng cho cả nhà. Lúc ấy, chồng và các con mới dậy. Vợ chồng chị đi cắt thuốc nam, thuốc bắc đủ loại về uống cũng không được.
Mấy năm nay, chị Ngà được bác sĩ thần kinh chẩn đoán trầm cảm. Mỗi tháng, chị lại lên Hà Nội lấy thuốc về uống nhưng chỉ ngủ được khoảng hơn 1 tiếng rồi lại tỉnh. Trong thời gian chữa trầm cảm, chị Ngà buồn nhất có thời điểm, chị thấy ti vi quảng cáo các phòng khám của đông y Trung Quốc chữa trầm cảm bằng liệu pháp mới hiệu quả. Vợ chồng chị Ngà lên khám. Một tuần “mua giấc ngủ” mất cả chục triệu. Không đủ tiền, chị đành bỏ về quê.
Tìm căn nguyên rất quan trọng
Nhìn làn da vợ xạm vì thiếu ngủ, anh Vương chồng chị Ngà chỉ ao ước có thứ thuốc thần tiên nào có thể giúp chị chợp mắt được một lúc. Cầm cả tập hồ sơ của vợ, anh Vương kể chị đã đi chiếu chụp ở nhiều bệnh viện nhưng không rõ nguyên nhân làm sao nên bác sĩ kết luận trầm cảm và chữa bằng thuốc chống trầm cảm.
Theo TS Tô Thanh Phương – Bệnh viện Tâm thần trung uơng 1, bệnh của chị Ngà cũng không phải hiếm. Sau sang chấn tâm lý là mẹ mất nên chị mất ngủ rồi dẫn đến trầm cảm nhưng không được điều trị kịp thời nên trở thành mãn tính gây mất ngủ.
Sau khi kiểm tra tâm lý, bác sĩ Phương cho biết chị Ngà sẽ phải điều trị cấp tính trong vòng 6 tháng, sau đó điều trị duy trì mất vài năm mới có thể tiến triển hơn được.
Hiện nay, việc mất ngủ khá phổ biến nhưng nhiều người không tìm được nguyên nhân và đi đến các thầy lang mua thuốc nam, thuốc bắc về điều trị. Với những việc làm này, bác sĩ Phương khuyến cáo không thể chữa khỏi chứng trầm cảm.
Nếu bị trầm cảm nặng, mãn tính cần điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Bác sĩ khuyến cáo không nên chữa trầm cảm theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”.
Bệnh mất ngủ, ban đầu gây ra những biểu hiện tâm thần như trầm cảm, mỏi mệt toàn thân, đau nhức xương cơ, cảm xúc ức chế, rối loạn hành vi, cáu gắt vô cớ. Tuy nhiên, thường xuyên bị mất ngủ có nguy cơ dẫn đến hội chứng buồn nản, nếu để kéo dài sẽ có thể gây nên bệnh khủng khoảng tâm thần, gây tâm lý lo âu, sợ hãi.
Thường, phụ nữ dễ bị mất ngủ hơn nam giới. Vào độ tuổi mãn kinh, phụ nữ có khuynh hướng mắc bệnh cao gấp 5 lần với triệu chứng kèm theo là nóng nhiệt, khó chịu và khó thở khi ngủ.