Đời sống

Phụ huynh hoang mang khi con bỗng… không được chấm điểm

Ngay cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới, nhiều bậc cha mẹ đã té ngửa…khi được giáo viên thông báo bắt đầu từ năm học này sẽ không chấm điểm thường kỳ cho học sinh tiểu học, không có xếp loại học sinh theo lực học, không có khen thưởng học sinh khá, giỏi….

Lấy gì để “đo” sức học của con

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, 7 triệu học sinh tiểu học sẽ bước vào năm học mới. Tuy nhiên, thông tư về việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học vẫn còn đang trong thời gian lấy ý kiến dư luận, chưa có hướng dẫn cụ thể. Tại các buổi họp phụ huynh trước thềm năm học mới, giáo viên cũng chỉ biết phổ biến “tinh thần” của việc đổi mới cho phụ huynh chuẩn bị mà chính bản thân họ nhiều điểm vẫn còn khá…mơ hồ.

Phụ huynh hoang mang khi con bỗng… không được chấm điểm 1
Ảnh minh họa

Từ trước đến nay, nhiều phụ huynh đã coi việc hỏi điểm của con sau mỗi buổi học là cách quan tâm, thấy được sự tiến bộ của con từng ngày. Thậm chí, có phụ huynh còn coi đó là một căn cứ để thưởng và phạt con mỗi ngày. Giờ không đánh giá bằng điểm, nhiều phụ huynh “hoang mang” không biết kiểm tra việc học của con bằng cách nào?

Anh Nguyễn Văn Minh (Cầu Giấy – Hà Nội) có con học lớp 3 cho biết: “Họp phụ huynh, cô giáo phổ biến qua về việc sẽ không còn chấm điểm hàng ngày, tuần nữa, cô sẽ chỉ nhận xét đạt, không đạt, tốt điểm này, kém điểm kia, như thế mơ hồ quá. Nếu đánh giá đạo đức, lối sống thì dùng lời còn được chứ nếu môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ…mà cũng chỉ nhận xét thì phụ huynh biết thế nào là đạt, là tốt?”

Chị Hoàng Lan Anh – phụ huynh học sinh lớp 4 trường Tiểu học Hải Bối (Đông Anh) kể: “Mỗi khi được điểm cao, con gái thường về nhà rất vui, khoe ríu rít với cả nhà về thành tích của mình. Thích được mọi người khen về thành tích đó. Nếu không chấm điểm nữa tôi sợ con sẽ không có động lực học, sức học sẽ giảm sút”.

Trong khi đó, nhiều người lại lo lắng, đối với học sinh lớp từ lớp 1 đến lớp 4 thì không sao nhưng với học sinh lớp 5 còn liên quan đến việc chuyển cấp, thi vào trường chuyên lớp chọn, nếu không điểm thì lấy gì làm căn cứ để xét tuyển?

“Khi hỏi vấn đề này với giáo viên chủ nhiệm của con, cô giáo cũng nói hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, trên tinh thần là như thế để phụ huynh và học sinh chuẩn bị tư tưởng, mọi thắc mắc sẽ giải đáp khi vào năm học mới sau khi giáo viên được hướng dẫn, tập huấn, vì vậy hiện mình rất mù mờ” – chị Nguyễn Thu Phương (Đống Đa – Hà Nội) – phụ huynh có con học lớp 5 cho biết.

Sẽ “mệt” hơn với giáo viên?

Trong khi đó, tại nhiều diễn đàn, các bậc phụ huynh lại tỏ ra khá nghi ngờ về “bước đột phá” trong đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GD ĐT sẽ áp dụng trong năm học mới này.

Phụ huynh có nick name: Mẹ Củ Cải trên Webtretho than vãn: “Không biết khi đưa vấn đề này ra Bộ có xét về năng lực và trình độ giáo viên chưa? Hiện nay, có nhiều giáo viên tâm huyết, tận tâm nhưng cũng có nhiều giáo viên hay “mè nheo” phụ huynh. Thỉnh thoảng chỉ cần các cô nói bâng quơ vài câu là mẹ nên quan tâm đến việc học của con, con cần phải bồi dưỡng thêm cái này cái kia là mẹ đã phải cuống cuồng đến “nhờ vả” cô rồi. Nếu bây giờ ngày nào cũng nhận được vô số nhận xét này, kia của cô thì mẹ cũng đến “hoa mày chóng mặt” mất”.

“Đấy là chưa kể đến việc, cô giáo quan tâm đến em này, thích em kia mà chịu khó nhận xét kỹ càng về các em còn có những em thì chỉ hời hợt, qua loa, sẽ khiến phụ huynh không biết con mình học hành ra sao”- phụ huynh Đàm Thu Phương (Hà Đông) nói.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh cho rằng việc không chấm điểm học sinh lứa tuổi tiểu học là nên làm. Bởi, theo báo cáo của Bộ GD ĐT năm học 2013 – 2014 thì bậc học này có tới 93% học sinh đạt lực khá, giỏi. Trong đó 70,7% học lực giỏi và 22,3% học lực khá, chỉ có 7% học lực trung bình và yếu. Có rất nhiều lớp giỏi đến 100% thì chấm điểm cũng không đánh giá được gì mà chỉ “cổ súy” cho bệnh thành tích.

“Tuy nhiên, nếu bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét, giáo viên sẽ vất vả hơn rất nhiều vì một lớp bây giờ là từ 40 – 60 học sinh. Không biết các cô sẽ làm thế nào để nhận xét khách quan từng cháu?” – chị Đàm Thu Phương hoài nghi.

Bộ GDĐT xây dựng dự thảo quy định đánh giá học sinh tiểu học để chuẩn bị công bố rộng rãi, xin ý kiến đóng góp.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) Phạm Ngọc Định, phụ huynh sẽ được giáo viên hướng dẫn quan sát học sinh học tập, hoạt động giáo dục hoặc cùng tham gia các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục với học sinh, quan sát việc ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày của học sinh, đưa ra các nhận xét, nhận định, đánh giá học sinh bằng lời nói trực tiếp với giáo viên hoặc ghi vào phiếu đánh giá hoặc sổ liên lạc, phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện.



aFamily

      © 2021 FAP
        4,316,837       300