Ông Út rưng rưng: “Dù rất giận vợ, nhưng tui vẫn mong cô ấy sẽ quay về. Vợ chồng giận nhau hay có nghèo khó, cơ cực cũng chỉ một thời gian thôi, chứ đâu thể nghèo suốt đời. Làm người mẹ mà bỏ con đi lúc còn đỏ hỏn, sau này nó lớn lên, biết chuyện tội nghiệp nó”.
Hạnh phúc muộn vẫn không trọn
Hiếm có trường hợp nào lại có nhiều người dân đồng loạt lên tiếng khẩn cầu, nhờ nêu giùm nỗi khổ của người khác, như bà con sống ở thôn 7 xã Hương An (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Nhân vật mà họ muốn nêu là ông Võ Văn Út. “Tội nghiệp, ổng nghèo khổ lắm. Phải làm thuê làm mướn khắp nơi mới mong có miếng ăn bỏ bụng mỗi ngày. Đùng một cái, sinh con chưa đầy tháng, vợ bỏ đi, ông Út nghỉ việc, đứa bé khát sữa chỉ biết khóc…”, một người hàng xóm nói.
Khách đến chơi nhà, giọng ông Út cũng lạc đi trong tiếng ru con đứt đoạn. Mãi một lúc lóng ngóng, cô con gái 3 tháng tuổi ngủ yên trong võng, ông mới rơm rớm nước mắt quay sang tiếp chuyện khách.
Ông Út vốn người gốc Quảng Nam, năm 1980, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông rời quê, bỏ vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp. Hàng chục năm ông lang bạt khắp miền Tây sông nước, qua miền Đông Nam Bộ, nhập khẩu ở Tiền Giang rồi tìm đến Bà Rịa - Vũng Tàu làm thuê bằng nghề đi biển. Cả thời trai tráng của ông Út luôn gắn liền với những chuyến khơi xa, họa hoằn lên bờ cũng chỉ có vài ba lão ngư làm bạn nhậu. Tuổi xuân lặng lẽ trôi qua, đến khi nhìn lại, tuổi đã 60.
Trời run rủi, khi người phụ nữ từng hai đời chồng Lê Thị Hiệp (SN 1974, quê Quảng Ngãi, tạm trú Vũng Tàu) dắt díu theo 5 người con tình cờ đến làm quen rồi xin ông cưu mang, giúp đỡ. Chuyện trò qua lại, cám cảnh nỗi cơ cực, phiêu bạt của người phụ nữ không khác thân phận mình mấy, ông đưa về sống cùng, rồi nảy sinh tình cảm yêu đương.
Từ cuộc hôn nhân muộn màng tuổi xế chiều, ông quyết định bỏ nghề đi biển nhiều hiểm nguy. Đến năm 2014, dồn hết số tiền dành dụm, ông dắt díu vợ đang mang thai và các con riêng của vợ ra Quảng Ngãi. Họ không được họ hàng bên vợ đồng ý vì ông Út gần bằng tuổi bố vợ. Ông đành đưa vợ con về Quảng Nam thuê phòng trọ tá túc. Hằng ngày, ông đi bốc vác, dọn dẹp đồ đạc cho một xưởng phế liệu gần nhà trọ, hay ai nhờ gì làm nấy kiếm vài chục ngàn nuôi gia đình.
Ở cái tuổi về già, ông Út mới có niềm hạnh phúc đón trên tay đứa con gái đầu lòng, thế nhưng con ra đời chưa đầy 1 tháng, vì không chịu nổi sự túng thiếu, nhân lúc chồng đi làm, bà Hiệp đã bỏ lại đứa trẻ sơ sinh, âm thầm dắt các con riêng bỏ đi biệt tích.
Nhìn đứa con thiếu sữa còi cọc, ông Út chua chát: “Tui khổ một nhưng thấy con bé khổ trăm lần. Còn trong trứng nước đã biết thân phận mình. Lúc mang bầu, do có tuổi, cố gắng lắm tui làm cũng chỉ đủ bỏ miệng ăn cho 7 người, nên lấy đâu tiền tẩm bổ mẹ nó nên đứa trẻ sinh ra đã còi cọc. Đến khi bú sữa chưa hết cữ trong tháng, mẹ đã bỏ đi. Không tiền mua sữa bột, tôi mua sữa bò về pha hay lấy nước cơm hòa với đường cho uống. Sau này mọi người biết chuyện giới thiệu, tôi đi khắp làng trên xóm dưới xin cho cháu bú nhờ. Mà không biết có phải “biết thân biết phận” hay không mà con bé rất ít khi quấy khóc gì nhiều”, người cha phân trần.
Tình phụ tử “thần giao cách cảm”
Vợ bỏ đi, sau thời gian suy sụp, hằng ngày để có tiền lo cho con, ông Út buộc phải mang con đặt tạm lên đống đồ phế liệu để khuân vác hay làm công việc dọn dẹp. Những lúc đó, hình ảnh người cha đẩy xe ba gác, phơi ngửa con gái mới hơn một tháng trong giữa cái nóng gay gắt khiến ai cũng nhói lòng. Thế nhưng ông quyết không cho con, và đứa trẻ cũng không rời cha.
Cả khu trọ đều nhận thấy, đứa trẻ như có “thần giao cách cảm”, bình thường rất dễ ăn, không quấy; nhưng hễ ai đó gợi ý ông Út cho đi hoặc mang gửi người khác nuôi giúp, y như rằng đứa bé khóc 3 ngày 3 đêm dỗ không nín, không ngủ, không bú sữa. Từ đó không một ai dám khuyên ông Út mang đứa con đi cho.
Ông Út tâm sự, ông đã tìm một điểm giữ trẻ định gửi con. Tuy nhiên do đứa bé còn quá nhỏ, tiền giữ trẻ lên đến 2 triệu/tháng nên ông không còn cách nào khác, ôm con về tự chăm. Ông quyết định tạm nghỉ làm một thời gian. Không tiền sinh sống, để ăn uống cho bản thân, ông xin đồ thừa của bà con ở khu chợ gần dãy trọ. Còn đứa trẻ quần áo chỉ vẻn vẹn vài bộ, khi nào chưa kịp khô, ông quấn con trần truồng vào chiếc chăn mỏng. Để con cứng cáp, hằng ngày ông canh giờ bế con đi xin sữa. “Bởi thế mà từ ngày mẹ nó bỏ đi, tôi nhớ mặt gần hết các chị đang nuôi con nhỏ ở xã này”, ông nói đùa mà miệng cười như mếu.
Ông sợ nhất lúc con gái ngã bệnh: “Tôi đặt tên cháu là Thương không chỉ vì tôi thương con, mà đứa con còn bé xíu mà dường như đã biết thương cha nên ít quấy khóc, ít ốm đau”. Cám cảnh cuộc sống của ông, nhiều phụ nữ cùng dãy trọ lúc vãn việc cũng chạy qua giúp đỡ ông khi tắm táp, thay tã… cho đứa bé. “Ổng ăn uống đã không có chất, nỗi buồn vợ bị bỏ chưa vơi, tuổi đã cao, nay ban đêm phải thức pha sữa, thay đồ cho con… nên chúng tôi sợ ổng không kham nổi, lỡ đau ốm, bệnh tật gì lại khổ cả hai.
Con bé bị mẹ bỏ rơi đã thiệt thòi lớn, nay phải uống sữa ngoài, mà chủ yếu toàn sữa đặc có đường thì cháu làm sao phát triển. Xóm trọ toàn người nghèo nên chẳng có tiền, mỗi người chỉ biết giúp ít công việc. Chỉ trách người mẹ sao lại đành tâm bỏ con đi…”, một hàng xóm nói.
Nghe nhắc đến vợ,
Bà Dương Thị Niệm, Hội trưởng hội phụ nữ xã Hương An cho biết: “Dù vợ chồng ông Út sinh con ở địa phương khác nên việc làm giấy khai sinh lẽ ra phải về nơi cháu sinh ra, nhưng biết gia cảnh nghèo khó, vợ lại mới bỏ đi biệt tích, xã đã cử cán bộ xuống động viên, đồng thời đã linh động làm giấy khai sinh. Hiện cháu bé đã được tiêm vắc xin theo lịch tiêm chủng mở rộng, xã cũng vận động bà con đóng góp ủng hộ “lá lành đùm lá rách”. Chính quyền cũng đang xem xét chuyện tìm chỗ ở cho ông để giúp đỡ cha con ông về lâu dài có chỗ ở, khỏi trả tiền thuê trọ”...