Những người phụ nữ làm nghề bốc vác trên kênh Tẻ, Q.7 nỗ lực hết mình để nuôi sống gia đình bằng cái nghề "ráo mồ hôi là hết tiền", khiến đám nam giới không khỏi không nể trọng.
Công việc bốc vác tưởng chừng chỉ dành cho những người đàn ông có sức lực, nhưng vẫn có những người phụ nữ chấp nhận theo đuổi nghề nặng nhọc này để mưu sinh. Nghề bốc vác phân đạm từ xe tải lên thuyền nằm ở kênh Tẻ (quận 7, TP.HCM), ở đây, ngoài những người đàn ông làm nghề, có không ít những phụ nữ.
Những người phụ nữ ở đây, ít cũng đã 10 năm, người nhiều thì nửa đời gắn bó với nghề bốc vác. Trong ảnh là bà Nguyễn Thị Nhiễu (58 tuổi), ngụ quận 8 đã có hơn 30 năm trong nghề bốc vác phân đạm.
Là những lao động nghèo khó, không có trình độ học vấn, sức vóc cũng chẳng phải mạnh mẽ gì nhưng họ chọn công việc này để kiếm sống bởi nó đơn giản, chỉ cần cố gắng nâng các bao phân đi trên một quãng ngắn. Trong ảnh là chị Nguyễn Thị Hà (45 tuổi) nhà quận 8 đang bốc một bao đạm từ xe xuống.
Hàng ngày nếu có việc, họ phải cõng khoảng 20 tấn phân đạm trên lưng. Để tính công, chủ thuyền phân công một người phát thẻ cho họ. Mỗi bao thì được tính một thẻ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có việc để làm. Nhiều hôm, nhà máy sản xuất không kịp nên không có hàng để làm, khi đó gánh nặng cơm áo còn nặng hơn công việc hằng ngày họ làm.
Quãng đường cõng những bao phân từ xe tải lên thuyền khá ngắn, nhưng lại ẩn chứa nhiều hiểm nguy vì phải đi qua những tấm ván nhỏ hẹp chỉ vừa đủ bàn chân.
Dù biết là vất vả và nguy hiểm, nhưng họ vẫn chấp nhận để làm. Đã có nhiều trường hợp làm được ít bữa phải “bỏ của chạy lấy người” vì quá sức.
Là những lao đông phổ thông được thuê công nhật, họ không có chế độ bảo hiểm. Muốn có tiền thì phải bỏ sức ra làm việc, tuy nhiên, khi đã có tuổi thì việc bốc vác trở nên nặng nhọc gấp bội.
Chị Hà cùng chồng làm nghề bốc vác phân đạm đã hơn 20 năm nay. Từ quê lên thành phố, chị thuê nhà trọ ở quận 8 rồi hai vợ chồng ngày ngày đi làm, lấy tiền nuôi 3 đứa con nhỏ.
Việc cõng trên lưng bao phân đạm nửa tạ, lại đi trên thanh gỗ rất dễ té. Đã có những người vì sơ sẩy, té nhào xuống sông trong lúc làm việc.
Dẫu công việc vất vả là thế nhưng họ chỉ mong lúc nào cũng có hàng để mà cõng, nếu không hôm đó cả gia đình lại phải ăn mì gói qua bữa.
Bà Nhiễu là người phụ nữ có thâm niên lâu nhất trong nghề. Ở cái tuổi của bà, nhiều người đã thảnh thơi an hưởng tuổi già.
Tuy nhiên, hàng ngày bà vẫn phải gồng mình để cõng những bao phân trên lưng. Bà tâm sự: Những bữa không có việc là phải chạy vạy đi vay hai ba chục để mua gạo về cho cả nhà 6 người ăn.
Thu nhập của nghề bốc vác cũng bấp bênh, khó nói. Trung bình mỗi ngày được khoảng từ 80-150.000 đồng, khi không có hàng thì không có tiền, đơn giản như cuộc sống của chính họ.
Chị Lê Thị Thanh Thuý, 47 tuổi làm đẹp để chuẩn bị về nhà với chồng con. Một mình chị làm nghề này để nuôi người chồng đau ốm và hai đứa con thơ nhiều năm nay.
Trên chiếc xe đạp cũ, bà Nhiễu đạp xe từ chỗ làm việc về nhà trong tâm trạng vui vẻ vì hôm nay bốc được nhiều hàng. Có lẽ, đối với họ gánh nặng những bao phân không bằng gánh nặng của cơm áo, gạo tiền.