Đời sống

Thủ khoa lo lắng bộn bề cho năm học mới

Đạt danh hiệu cao nhất trong kì thi đại học, nhưng nhiều thủ khoa lại có cảm giác lo nhiều hơn vui vì chặng đường phía trước còn quá nhiều khó khăn.

Bố phụ hồ, mẹ khâu dép thuê nuôi con đỗ thủ khoa Đại học

Giành điểm số khá ấn tượng trong kì thi tuyển sinh đại học vừa rồi với 28,5 trong đó toán đạt 9,25; Vật lí 9 và Hoá 10, Nguyễn Văn Tuân - học sinh THPT Ứng Hoà B, Ứng Hoà, Hà Nội vừa chính thức trở thành tân thủ khoa ĐHQG Hà Nội.

Kì thi tuyển sinh năm nay, Tuân đăng kí thi hai trường: khoa công nghệ thông tin của ĐH công nghệ - ĐHQG Hà Nội ( khối A) và ngành Y Đa khoa của Đại học Y Hà Nội ( khối B). Xuất sắc giành danh hiệu thủ khoa của ĐHQG nhưng Tuân chia sẻ, ước mơ được nuôi dưỡng lâu nhất và lớn nhất chính là trở thành Bác sĩ. "Từ nhỏ mình đã mơ ước trở thành bác sĩ. Hiện tại mình đang chờ kết quả thi, nếu đỗ cả hai trường, mình nhất định sẽ theo đuổi giấc mơ khoác áo blouse chữa bệnh, cứu người".

Thủ khoa lo lắng bộn bề cho năm học mới 1
Tuân (góc trái) và ba mẹ

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ Tuân đã ý thức được nỗi vất vả, cơ cực hằn lên cả ánh mắt mẹ cha. Bố mẹ Tuân ngoài vài sào ruộng đều có nghề phụ, mẹ Tuân khâu dép thuê, bố đi làm phụ hồ để kiếm thêm thu nhập nhưng được không đáng là bao, không thể đủ trang trải trong khi hai chị em Tuân đều đang đi học, chưa thể phụ giúp gia đình.

Lớn lên bằng những giọt mồ hôi nhọc nhằn của mẹ cha, Tuân thấm nhuần đức hi sinh ấy. Vì thế suốt từ bé đến hai năm đầu vào cấp ba và cả nửa năm học lớp 12, Tuân luôn cố gắng thu xếp việc học để phụ giúp, đỡ đần bố mẹ việc đồng áng, chỉ cho tới kì hai lớp 12 và thời gian ôn thi nước rút, khi bố mẹ can hết lời, Tuân mới dành nhiều thời gian hơn vào việc học.

Gia đình khó khăn vậy nhưng không hề ảnh hưởng đến ý chí quyết tâm của Tuân. Trái lại Tuân chia sẻ, đó là động lực giúp Tuân học hành vượt qua chính bản thân mình trong những lúc khó khăn, nản chí. Không phụ công hi sinh mong mỏi của bố mẹ, suốt những năm đi học Tuân đều đạt thành tích cao và giấc mơ đại học vẹn tròn với danh hiệu thủ khoa, Tuân mang niềm vui ngỡ ngàng trong vòng tay bố mẹ. "Bố mẹ thực sự đã rất vui mừng vào ngày nhận tin mình đỗ thủ khoa đại học. Tuy chưa nhiều nhưng cũng có thể coi như mình đã không phụ công mong mỏi của bố mẹ". Thành quả ngày hôm nay là kết quả của một hành trình đầy nhọc nhằn, có mồ hôi và nước mắt, không chỉ là của Tuân mà còn là của bố mẹ, thầy cô.

Mặc dù đạt thành tích cao nhưng Tuân cũng xác định đó mới chỉ là bước khởi đầu, ước mơ từ chiếc áo trắng học sinh đến chiếc áo blouse bác sĩ đã gần hơn nhưng còn vô cùng gian nan. Tuy nhiên với bản tính tự lập cả trong học tập cũng như cuộc sống, cậu bạn tự tin mình có thể vượt qua và biến ước mơ thành sự thực.

Gia cảnh khốn cùng của chàng thủ khoa Hà Tĩnh

Những ngày này, người dân thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) không lúc nào ngớt lời khen ngợi chàng trai Trần Văn Cường, học sinh trường THPT Trần Phú (Hà Tĩnh) khi đạt Thủ khoa và Á khoa 2 trường đại học (ĐH) danh tiếng: Thủ khoa ĐH Bách Khoa TP HCM với 28,5 điểm và Á khoa ĐH Y Hà Nội với 29 điểm.

Gia đình thủ khoa Trần Văn Cường là gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm trong xã. Cường là em út trong gia đình 5 anh em. Bố Cường là Trần Văn Như (62 tuổi) bị bệnh tim và bệnh thần kinh hành hạ, đã nhiều năm nay không đủ sức khỏe để giúp vợ công việc đồng áng cũng như việc nhà. Mẹ cậu thủ khoa nghèo cũng đau ốm thường xuyên, ngoài đàn gà choai mới lớn, một con bò và 7 sào ruộng khoán, đều một tay bác Nguyễn Thị Trung (58 tuổi) quán xuyến.

Thủ khoa lo lắng bộn bề cho năm học mới 2
Cường (trái) cùng mẹ
Thủ khoa lo lắng bộn bề cho năm học mới 3
Góc sinh hoạt, học tập và nghỉ ngơi của Cường

Từ lúc sinh ra, Trần Văn Cường đã là con nhà nghèo, nhưng chính cái nghèo ấy tiếp sức cho Cường có một động lực vượt khó học giỏi phi thường. “Thằng Cường là đứa đáng thương nhất, quần áo, sách vở đến trường của cháu đều phải dùng lại của các anh chị, hoặc của bà con làng xóm. Khi nó học cấp 3, mỗi buổi sáng đến trường cháu cũng phải nhịn ăn sáng, còn bữa trưa, buổi chiều thì bữa cơm bữa cháo. Lâu nay, bố nó bị bệnh, tôi cũng cũng bị bệnh hành hạ, nhưng nhìn cháu đam mê học tập, tôi tự nhủ với bản thân mình phải cố gắng, cố đến khi nào không thể mới thôi…”, bà Nguyễn Thị Trung xót xa tâm sự.

Khi biết tin mình đậu thủ khoa trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cậu bạn chạy ù một mạch về nhà khoe với cha mẹ. Nhưng khi về đến nhà thì bố đang lên cơn động kinh, thấy thân hình gầy mòn, ốm yếu của mẹ đang xoa bàn tay ấm áp lên thân thể của người cha bị bệnh tim và bệnh thần kinh hành hạ, Cường quên đi mọi thứ, vội vàng chạy lại giường giúp mẹ, vỗ về cho cha. Lâu nay, cha bị bệnh như vậy nhưng ít khi có thuốc uống, mẹ phải nhiều lần đi vay hàng xóm để chạy chữa.

“Khi đó em đã khóc, khóc vì gia cảnh em nghèo, khóc vì mình không thể làm gì lo được cho mẹ cha, chỉ cố gắng học thật giỏi để khỏi phụ lòng mẹ cha. Tối đến, em báo tin cho mẹ biết con đã đậu thủ khoa trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Dù trong ánh mắt mẹ, em biết, mẹ rất vui mừng, nhưng trong đó chứa nhiều nỗi lo âu”, Cường kể.

Sau khi đậu thủ khoa trường ĐH Bách Khoa TP. HCM, ít ngày sau em lại nhận được kết quả là á khoa trường Đại học Y Hà Nội với số tổng điểm 29, nhưng em không dám về nói với cha mẹ, vì gia cảnh nhà em quá nghèo, cha mẹ đau ốm triền miên. Hôm trước, mẹ đã gọi người đến xem con bò trong ràn (chuồng) với ý định của mẹ là thời gian tới bán đi cho em có tiền ăn học, nhưng em nhất quyết không cho mẹ bán, vì đó là tài sản quý giá nhất của gia đình em”, Cường nghẹn ngào tâm sự.

Thủ khoa lo lắng bộn bề cho năm học mới 4
Con bò, gia sản lớn nhất của gia đình Cường

Đối với nhiều gia đình, con cái đỗ đại học là một niềm vui rất lớn, thế nhưng với gia đình Trần Văn Cường, đó lại là một nỗi lo âu. Con đỗ 2 trường đại học điểm cao nhưng người cha đang nằm trên giường bệnh không thuốc chữa, mẹ vất vả ruộng vườn, người ngày càng khô héo, rồi tương lai cậu thủ khoa nghèo này sẽ đi về đâu?

Chuyện cô thủ khoa khối C khóc mỗi lần bạn khoe sách mới

Dù là dân thành phố chính gốc nhưng cô học trò Nguyễn Tường Vi (trú tại 147/11 Nguyễn Văn Linh, TP Kon Tum), thủ khoa khối C trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng (với số điểm 26.5) lại có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Chính vì vậy, từ khi biết tin con gái mình đỗ thủ khoa thủ khoa, cha mẹ Vi là bác Nguyễn Công Tiền (56 tuổi) và bác Nguyễn Thị Thanh (54 tuổi) vừa mừng, vừa lo.

Gia đình Vi có 5 chị em, hai chị lớn đã lập gia đình, anh trai và chị gái giáp Vi vẫn còn đi học (một đại học, một trung cấp), trong khi mẹ Vi bị bệnh 3 năm nay nhưng vẫn phải cùng chồng đi làm thuê thủ thứ nghề để nuôi con ăn học. Vậy nên cuộc sống của Vi khá vất vả, bản thân em cũng không có điều kiện để đi học thêm vì ngoài một buổi đến trường, buổi còn lại Vi phải giúp cha mẹ ở nhà làm việc nhà, nuôi đàn heo, đàn gà…

Thủ khoa lo lắng bộn bề cho năm học mới 5
Vi (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình

Biết cha mẹ vất vả, Vi không hề đòi hỏi mà luôn cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Ngay cả việc mua sách vở, tài liệu phục vụ cho việc học Vi cũng bị thiếu rất nhiều. “Khi em xin tiền ba mẹ mua tài liệu, lần nào ba mẹ cho nhiều nhất là 50 nghìn. Nhiều lần ba mẹ không có tiền để cho. Vì vậy, em phải ra hiệu sách cũ để tìm mua sách chứ mua sách mới thì không đủ tiền”, Vi tâm sự.

Vì vậy, đối với cô thủ khoa nghèo này, sách mới luôn là thứ gì đó xa lạ khiến em rất “thèm”.“Mỗi lần lên lớp em thấy bạn bè khoe mới mua được quyển sách mới, em rất thích sách nhưng không có tiền mua vì vậy em rất buồn. Mỗi khi thiếu sách để đọc, em thấy rất tủi thân và đã khóc”, Vi tâm sự. Phải tự học trong hoàn cảnh “thèm” sách mà không có, Vi đã phải cố gắng rất nhiều.

Dù tự hào về cô con gái của mình, nhưng bác Tiền cũng không giấu được sự lo lắng: “Thu nhập của vợ chồng tôi mỗi tháng cao nhất là 4 triệu, mà phải nuôi 2 đứa con đang ăn học, trong khi nợ ngân hàng 15 triệu đồng sắp đến hạn phải trả. Nên khi nghe con bé đậu ĐH tôi mừng nhưng cũng rất lo vì trong nhà bây giờ không có lấy một đồng để nhập học cho con. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ đi vay mượn để cho con bé xuống Đà Nẵng học”.

Biết cha mẹ lo lắng, nên Vi dự định sau khi nhập học, em sẽ kiếm việc làm thêm để chia sẻ bớt gánh nặng với cha mẹ.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,318,347       510