Đó là câu chuyện mà bà Annette Herfkens (quốc tịch Hà Lan) là người phụ nữ duy nhất sống sót trong vụ máy bay rơi tại núi Ô Kha - Khánh Hòa năm 1992 chia sẻ sáng nay trong một buổi gặp gỡ tại TPHCM về tai nạn thảm khốc mà mình từng gặp phải.
Hai mẹ con Annette Herfkens vừa đến Việt Nam sáng 11/8. Ảnh: Zing
Cách đây 22 năm, Annette Herfkens là cô gái xinh đẹp và giỏi giang, làm việc tại một ngân hàng hàng đầu thế giới với mức lương rất cao, thích đi du lịch đây đó. Vào ngày 14 tháng 11 năm 1992, Annette Herfkens và chồng sắp cưới là Willem van der Pas (tên thường gọi là Pasje) rời TP.Hồ Chí Minh để tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Trên chuyến bay còn có 31 hành khách khác.
Annette Herfkens và bạn trai cách đây hơn 22 năm
Nhưng tai nạn thảm khốc đã thình lình xảy đến - chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha cách đích đến Nha Trang 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.
Khi lên máy bay, Annette được sắp xếp ngồi ở ngay lối đi hàng thứ 3, ngay trước cánh máy bay - được coi là một trong những nơi kém an toàn nhất trong khoang hành khách. Tuy nhiên, chính chỗ ngồi “kém an toàn” đó lại giúp bà thoát chết.
Bà Annette Herfkens nhớ rằng: “Khi ấy tôi vô tình đã không thắt dây an toàn như bao hành khách khác”. Một diễn giả đã giải thích vê vấn đề này trong buổi giao lưu với bà Annette Herfkens tại TP.HCM khi bà sang thăm Việt Nam lần này: “Dây an toàn trên ghế ngồi của máy bay có tác dụng bảo vệ cho khách khi máy bay cất - hạ cánh, rung lắc do thời tiết xấu. Tuy nhiên trong trường hợp máy bay va đập mạnh như đâm vào núi, dây an toàn trở thành yếu tố gây thương tích nặng như gãy xương sống do siết chặt. Trường hợp này có thể hiểu là do bà không thắt dây an toàn nên khi bị ném, va đập tự do đã may mắn không bị thương nặng như các hành khách khác trên máy bay lúc bấy giờ".
Nghị lực và niềm lạc quan kì lạ
Bà Annette Herfkens kể: “Khi biết máy bay gặp nạn cho đến lúc máy bay đâm vào vách núi, mọi chuyện xảy ra rất nhanh, tôi không kịp phản ứng gì cả, chỉ biết nắm chặt tay hôn phu và mong rằng mọi chuyện sẽ ổn”. Và rồi chiếc máy bay trong tích tắc đã đâm sầm vào vách núi của thung lũng Ô Kha.
Những khoảnh khắc kinh hoàng này đã được ghi lại trong cuốn sách 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh - cuốn sách hồi ký của bà về vụ tai nạn: “Khi tỉnh lại, tôi thấy mình vẫn còn kẹt dưới thân ghế và bị một xác chết đè lên. Tôi cố gắng đẩy thi thể đó ra, nhưng bất lực... Tôi nhìn thấy Pasje dọc lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra sau. Nụ cười vẫn trên môi anh. Nụ cười mỉm thật dịu dàng. Pasje chết rồi..."
Ô Kha - vốn được mệnh danh là “thung lũng tử thần” từ trước năm 1975 bởi nhiều máy bay đã từng rơi ở khu vực này. Thời điểm máy bay rơi, Ô Kha vẫn còn hoang vắng, nên mãi tận 8 ngày sau bà mới được tìm thấy.
Ngày đầu tiên, vẫn còn một vài người sống sót, nhưng rồi họ nhanh chóng ra đi. Chỉ còn lại mình bà, đối diện với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.
Bà trơ trọi giữ núi rừng và rồi dần chấp nhận sự thật là mình đã gặp nạn, tự nhủ rằng mình phải chiến đấu với nỗi đau và chờ đợi. Những ngày tiếp theo, bà hứng nước mưa để uống. Có nhiều lúc bà như mê sảng, lúc thì tỉnh táo nhờ được nghe những âm thanh của núi rừng. Những xác người quanh bà bị phân hủy dần, dòi bọ tấn công họ. Bà sợ hãi, lo lắng nhưng không để tinh thần mình đi vào khủng hoảng. Bà đối diện, và chấp nhận sự thật để vượt qua dễ dàng hơn là né tránh nó.
Một trong những điều khiến mà thấy dễ chịu nhất lúc đó là cảnh vật thiên nhiên. Bà lí giải: “Có lẽ tôi là cô gái văn phòng, nên thiên nhiên làm tôi thích thú”.
Trong 8 ngày chờ đợi, khi mê khi tỉnh, đã có một người đàn ông mặc đồ màu cam xuất hiện, khiến bà hy vọng được cứu, xong lại biến mất. Đến ngày thứ 8 thì người đàn ông cùng những người khác đã đưa bà ra khỏi núi. Sau này bà lí giải: “Do người đó nghĩ tôi là ma, bởi tôi là người phụ nữ da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Và làm sao có thể có ai còn sống sau chừng ấy ngày. Người đàn ông ấy đợi tôi biến mất rồi mới tiến hành thu dọn hiện trường”.
Đến ngày thứ 8, đội cứu hộ đã tìm đến. Bà kể: Họ chìa ra trước mặt tôi mảnh giấy, đó là danh sách hành khách. Tôi chỉ vào tên mình - Annette Herfkens”.
Annette Herfkens đã được ra khỏi rừng, quá trình điều trị diễn ra từ bệnh viện trong làng, đến bệnh viện quốc tế để bà được hồi phục. Quá trình liên lạc của bà cùng người thân và bạn bè cũng thật gian nan vì khi ấy điện thoại và internet còn rất hạn chế.
Nỗi đồng cảm của những người phụ nữ mất người thân
Trong cuộc giao lưu của bà Annette Herfkens cùng báo giới nhân dịp quyển hồi kí “192 Hours” của bà được xuất bản ở Việt Nam, người thân của ba phi công trên chiếc máy bay mang số hiệu 474 - Vietnam Airlines ngày ấy cũng có mặt.
Chị Hồ Thu Thủy là vợ của cơ trưởng Lưu Công Lương. Chị Phạm Thị Ngọc Khánh là vợ của cơ phó Chu Minh Đông. Chị Hồ Thị Thanh Vân là vợ anh Dương Công Sử. Cả ba anh đã hi sinh trong tai nạn năm ấy.
22 năm đã trôi qua, ba chị đã cố lắng nước mắt vào lòng đứng dậy bước tiếp phần đời phần còn lại. Giờ gặp lại bà Annette Herfkens, chuyện cũ ùa về, mọi việc như mới hôm qua. Nước mắt ba chị lại tuôn rơi trên má.
Chị Ngọc Khánh vợ cơ phó Minh Đông nhớ lại: "Khi tai nạn xảy ra mọi người không dám cho tôi biết vì tôi vừa sinh con, còn trong tháng. Mãi hơn một tháng sau tôi mới biết sự thật... Tôi đón nhận thông tin ấy theo cách của mình - một người mẹ có con thơ, một người vợ hay tin muộn màng."
Với nỗi đau mất chồng hơn 20 năm qua vẫn hằn in trên khuôn mặt, chị Thanh Vân chia sẻ: “Tôi mừng cho chị Annette Herfkens vì chị đã an toàn. Chị là nhân chứng duy nhất còn lại của tai nạn ấy. Tôi chúc chị luôn mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống. Mọi chuyện đã qua, thôi thì chúng ta cùng cố gắng, bước tiếp phần đời còn lại của mình".
"Tôi muốn nhắn nhủ với mọi người về thái độ sống đối mặt, không sợ hãi. Tôi đã quay lại thăm núi Ô Kha vào năm 2006 trong cảm giác sợ hãi ký ức, nhưng đến Việt Nam lần này tôi lại cảm thấy vững tin và không còn sợ nữa" - Bà Annette nói.
Được biết, bà Annette Herfkens cùng 3 chị sẽ ra thăm lại núi Ô Kha năm nào vào ngày 13/8 tới đây
Một phần trong trích đoạn “Tỉnh dậy giữa những xác người” trong cuốn sách 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh của Annette Hefkens: "Tôi giật mình tỉnh dậy giữa những âm thanh lạ lẫm của khu rừng. Cây rừng hiện lên trong mắt tôi qua những khoảng trống khổng lồ trước thân máy bay. Buồng lái tan nát. Mọi thứ bất động rợn người nhưng ồn ào kỳ lạ. Tôi vẫn còn trong máy bay, kẹt dưới thân ghế và bị một xác chết đè lên. Tôi cố gáng đẩy thi thể đó ra, nhưng bất lực. Từ dưới thân ghế tôi duỗi chân ra, tưởng chừng như đang xé toạc chúng. Khi đó, tôi nhìn thấy Pasje dọc lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra sau. Nụ cười vẫn trên môi anh. Nụ cười mỉm thật dịu dàng. Pasje chết rồi... Chắc hẳn phải có chấn động gì lớn lắm bởi vì bất thình lình tôi lọt ra khỏi khoang máy bay và ngồi lọt thỏm giữa khu rừng, trên muôn vàn cành cây nhỏ. Tôi không nhúc nhích được, đau đớn khắp người. Tôi nhìn xuống cặp chân trần. Chiếc váy đắp không còn nữa. Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt. Nhìn mọi thứ lúc này cứ như đang lật một trang sách giáo khoa sinh học. Tôi giật giật cử động và ngay lập tức thấy đau thấu xương ở hông. Tôi cố ngồi dậy nhưng cơn đau ở ngực ngăn lại. Hơi thở thì thật nhẹ và nông. Mọi suy nghĩ tuôn ra cùng một lúc và chỉ xoay vần quanh những câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Tôi đang ở đâu thế này? Tôi nhìn quanh. Mình đang ngồi trên dốc núi, dưới nhiêu fbuij cây thấp ken dày. Mảnh vỡ máy bay vương vãi khắp nơi. Máy bay gãy cánh. Buồng lái nát bét. Một thực tế kỳ dị và hư ảo. Mọi thứ đều hóa xanh. Và những âm thanh kia nữa! Càng lắng tai nghe, dường như những âm thanh ấy càng chói tai hơn Vài người nằm vất vưởng trên dốc núi, dưới đống đổ vỡ. Có tiếng kêu cứu của vài hành khách từ trong máy bay. Tầm 2 mét bên phía tay phải tôi, một cô gái người Việt đang rên rỉ thảm thiết. Cao hơn một chút là thi thể bất động của một người đàn ông. Bất thình linh tôi nhận ra mình đang ngồi cạnh một ai đó - một người đàn ông Việt Nam. Vẫn còn sống và đang nói chuyện với tôi: - Cô đừng lo, sẽ có người đến cứu chúng ta!... |