Bỏ mặc hơn 3 mẫu ruộng và đàn trâu cho cha mẹ và hai em, Khanh chân ướt, chân ráo ra Hà Nội từ lúc 18 tuổi làm công nhân.
5 người sống trong 10 m2
Đến làng Bầu (Đại Đồng, Đông Anh, Hà Nội), nơi có hàng trăm công nhân của khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ vào một ngày mưa, trước mắt chúng tôi là những con đường lầy lội, nhớp nháp, những khu nhà ẩm thấp lợp bờ - lô -xi măng mà xung quanh đó là những dây phơi quần áo được thiết kế đặc biệt để giăng đủ thứ trang phục to, nhỏ...
Bỗng đâu đó cất lên tiếng hát vừa như ai oán, vừa như giễu cợt khiến chúng tôi giật mình: “Đời công nhân sống kiếp lênh đênh. Phận đời nổi trôi theo dòng đời mưu sinh…”.
Giả làm công nhân đi thuê phòng, chúng tôi bước vào một khu trọ nhỏ ở làng Bầu, Đông Anh, Hà Nội. Ông chủ nhà trọ quả tài tình khi thiết kế hai dãy trọ “úp” mặt vào nhau, để chừa đúng lối đi nhỏ bằng hai người con gái xếp ngang.
Phải khó khăn lắm mới có thể vượt qua được đống quần áo giăng như mạng nhện, chúng tôi đến gõ cửa một phòng trọ mà bên dưới là hai đôi dép, một nam, một nữ. Tương đối ngại ngùng bởi hiểu trong nhà đang có một cặp đôi, nhưng chúng tôi cứ đánh liều gõ cửa.
Cô gái trẻ mắt nhắm, mắt mở, chưa biết người gõ cửa là ai nhưng cũng mời khách vào. Một chàng trai đang lúm thúm với bộ quần áo đồng phục công nhân, nhìn khách, nhanh nhảu chào rồi đi thẳng. Căn phòng chỉ rộng khoảng 10 m2, nguyên cái giường nhỏ đã chiếm gần hết chỗ.
Đồ đạc cũng không nhiều, chỉ có mấy thứ thiết yếu như cái bếp gas mini đã han gỉ, nồi cơm điện hỏng nắp nửa kín, nửa hở và đống quần áo bừa bộn trên giường, dưới đất. Không biết mở đầu câu chuyện thế nào, chúng tôi chỉ buột miệng: “Hai vợ chồng ở thế này cũng tươm tươm, nhỉ?”. “Đâu có, phòng này ở năm chị ạ. Bốn đứa ở cùng em làm ca sáng chưa về. Còn em thì 6h chiều mới đi”.
Cô gái trẻ hồn nhiên tiếp chuyện chúng tôi tên là Khanh (SN 1993, quê Thanh Hóa), một trong năm thành viên của căn nhà 10 m2. Vừa thu dọn nhà cửa, Khanh vừa kể chuyện, lúc đầu thì hồ hởi, tươi vui, về sau cứ trầm dần, trầm dần. Trong giọng nói cô bé có một nỗi buồn rất khó gọi tên.
Bỏ mặc hơn 3 mẫu ruộng và đàn trâu cho cha mẹ và hai em, Khanh chân ướt, chân ráo ra Hà Nội từ lúc 18 tuổi. Vừa trút bỏ tấm áo đồng phục phổ thông, cô bé mặc luôn bộ quần áo công nhân nửa xanh, nửa trắng của Công ty Canon (KCN Bắc Thăng Long).
Con đường xin việc của em cũng không quá khó, vì đã có chị em đi trước chỉ giúp. Nhưng để thích ứng được với công việc máy móc cũng như sự thay đổi của đồng hồ sinh học, em cũng phải mất một thời gian khá dài.
Để có được đồng lương kha khá, Khanh không làm ca mà làm kíp, cứ hai ngày liền vừa làm giờ hành chính, vừa làm ca đêm thì sẽ được nghỉ một ngày. Lương cơ bản Khanh nhận được là gần 3 triệu đồng, cộng với lương thưởng, mỗi tháng cũng được gần 4 triệu. Chúng tôi lại buột miệng lần nữa: “Lương thế này thì ăn đứt lương công chức”.
Cô bé lắc đầu nguậy nguậy: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Cả tháng em chi tiêu dè sẻn cũng hết hơn 1 triệu, còn lại gửi về cho bố mẹ nuôi các em ăn học. Ở nhà, bố em liệt, mẹ em làm ruộng đến ăn còn chưa đủ, tiền chi tiêu, ăn học đều chờ em gửi về. Ở phòng 5 người như thế này cũng chỉ để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”.
Làm nhà máy vẫn hơn làm ruộng
Bỏ quê nhà ra Hà Nội làm công nghiệp dường như là sự lựa chọn duy nhất của Khanh. Cô so sánh một cách hồn nhiên: Ít nhất ngồi lắp ráp linh kiện còn sướng hơn ở nhà cấy lúa, chăn trâu. Mỗi tháng không phải nắng, phải mưa mà vẫn có đồng ra, đồng vào ăn tiêu, mua sắm quần áo, còn được gửi về cho bố mẹ.
Khanh chia sẻ thêm: “Mỗi sào ruộng một vụ chỉ lãi được vài trăm nghìn đồng, không đủ tiền đi đám cưới bạn, đó là còn chưa nói đến việc thiên tai, mất mùa thì lỗ sạch. Hơn nữa, chỗ em còn nhiều đồng ruộng, chứ ở những nơi khác, đô thị hóa “tấn công”, đất nông nghiệp bị xóa sổ chị bảo con gái không đi làm công nhân thì đi đâu?”.
Khanh tâm sự, học hết cấp ba em cũng muốn được đi học gì đó, nhưng gia đình không có điều kiện. Lại thêm việc học xong không có tiền xin việc thì cũng lại chỉ làm ruộng hoặc làm công nhân. Vậy nên em chọn cách đi làm công nhân luôn cho đỡ tốn tiền, tốn thời gian.
Nhưng khi nghe chúng tôi hỏi: “Vậy có định làm công nhân cả đời không? Nếu không thì sau này sẽ làm gì?”, Khanh có vẻ giật mình, rồi đăm chiêu suy nghĩ. Dường như cô gái vừa mới ngẫm ra một điều gì đó mông lung mà trước giờ chưa bao giờ nghĩ đến.
“Em cũng không biết. Gần một năm nữa em hết hợp đồng ở công ty này. Nếu không xin được việc ở công ty khác thì cũng chỉ còn cách về quê. Mà về quê rồi thì em làm gì nhỉ?”. Câu hỏi ngược trở lại của em cũng làm chúng tôi giật mình thon thót… Có phải, lần đầu tiên cả tôi và em nhận thấy rõ tương lai mù mịt của những nữ công nhân?
Đang say sưa với những suy nghĩ riêng, bỗng tiếng gõ cửa làm chúng tôi bừng tỉnh, quay trở về hiện tại. Một cô gái trong trang phục công nhân bước vào, chẳng thèm hỏi khách lạ là ai, nằm vật ra giường lí nhí: “Công ty lại sắp cắt giảm công nhân mày ạ…”. Lại lo lắng, lại chạy vạy. Cơm hôm nay chưa no đã phải lo việc ngày mai.
Cái vòng luẩn quẩn
Đối với nhiều thôn nữ như Khanh, dường như bỏ làng quê, đồng ruộng vào KCN làm công nhân là sự lựa chọn duy nhất và tốt nhất để tự lo cho cuộc sống của bản thân. Nhưng cũng có những cô gái vì bố mẹ già yếu, đau ốm phải lặn lội vào nhà máy để kiếm tiền thuốc thang rồi trang trải cuộc sống cho gia đình thì làm công nhân là một định mệnh khó cưỡng lại.
Còn có cả những cô gái đỏng đảnh, vì bố mẹ cãi nhau, gia đình không hạnh phúc nên bỏ quê ra Hà Nội làm công nhân rồi sa ngã… Họ đến với nghiệp “công nhân” bằng những con đường khác nhau, nhưng lại có chung một cuộc sống bấp bênh là vậy.
Người ta thường nói làm công nhân khổ. Nhưng cái khổ ở đây không hẳn chỉ là ăn thiếu, ở chật mà còn là sự đảo lộn nhịp sống sinh học. Thường các công nhân làm theo ca, kíp và phải đổi ca luân phiên, một tuần làm ca ngày, một tuần làm ca đêm. Thời gian làm việc có khi đến 12 giờ/ngày. Nhiều nữ công nhân không đủ sức khỏe đã phải bỏ việc giữa chừng.
Các nhà máy thường vận hành theo dây chuyền, trong đó mỗi công nhân chỉ chuyên làm một công đoạn, do vậy họ khó có thể học cho mình một cái nghề. Khi công ty cắt giảm hoặc hết hợp đồng, bước ra khỏi cuộc sống công nhân, ít ai tìm được cho mình một hướng đi xán lạn.
Cũng như Khanh, sau này khi không làm công nhân nữa em sẽ làm gì, sẽ lại về nhà “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hay lấy một tấm chồng rồi làm gì đó như em từng nói…
Là con gái, khi vào nhà máy làm công nhân họ còn phải đối mặt với nguy cơ “ế chồng”. Thời gian làm và sinh hoạt khép kín, công việc vất vả khiến họ ít có thời gian vui chơi. Chưa kể, trong các nhà máy nữ nhiều hơn nam, việc tìm cho mình một tình yêu đích thực “đến bờ, đến bến” không phải là điều đơn giản...