Đời sống

Vui tay bắt ốc sên để ăn: 1 người chết, 1 người sống thực vật

Viện nhiệt đới TP HCM vừa tiếp nhận một số trường hợp mắc bệnh viêm màng não do ký sinh trùng mà nguyên nhân do người bệnh ăn ốc sên.

Nguy kịch đến tử vong vì ốc sên

Mới đây, em L.H.Đ (9 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) đã bị viêm màng não do ký sinh trùng ngụ trong ốc sên tấn công và đang được điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới tại TP HCM.

Nguyên nhân là do trước đó, Đ. bắt ốc sên (có người còn gọi là ốc ma) bò gần nhà nướng ăn. Đ. vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, nôn ói, đau đầu dữ dội...

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi này nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis - một loại ký sinh trùng ngụ trong ốc sên.

Vui tay bắt ốc sên để ăn: 1 người chết, 1 người sống thực vật 1
Vì ăn ốc sên, bé L.H.Đ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên bênh viện Nhiệt Đới TP HCM tiếp nhận trường hợp nhập viện trong trình trạng nguy kịch do ăn ốc sên.

Trước đó, bé H (8 tuổi, ngụ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cũng bị viêm màng não do ăn ốc sên nướng sơ sài. Theo lời kể của gia đình, ở ao gần nhà có nhiều ốc nên H. lội xuống bắt ốc lên nướng ăn. Hai ngày sau, bé H. có biểu hiện sốt, nhức đầu, được người nhà đưa đến khám tại nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra bệnh. Sau đó, bé H được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Một trường hợp khác nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis phải sống thực vật một thời gian dài là bệnh nhân L.T.Đ - sinh viên một trường kỹ thuật trú tại Tiền Giang. Trước đó, Đ. cùng bạn ngồi nhậu, thấy ốc sên bò ngoài sân nên bắt vào nướng. Sau khi nhậu xong, cả hai đã bị ký sinh trùng tấn công lên não gây hôn mê.

Bạn của Đ. may mắn đã bình phục. Còn Đ. vốn là thanh niên cao to sau khi bị bệnh, Đ. trở nên xanh xao, mắt lờ đờ, không nhận ra người thân của mình và sống đời sống thực vật.

Trường hợp tử vong được kể đến như trường hợp nữ bệnh nhân T.T.N. (47 tuổi, ngụ H.Châu Đốc, tỉnh An Giang). Bà tử vong sau 10 ngày nhập viện. Bà T.T.N mắc bệnh đau dạ dày, nghe người quen chỉ cách ăn ốc sên để trị bệnh này. Sau mấy ngày ăn ốc sên, bệnh nhân này bị đau đầu dữ dội, từ từ rơi vào hôn mê và mất cả tri giác. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị nhiễm ký sinh trùng từ ốc sên.

Vì sao ốc sên có thể gây mất mạng

Đánh giá chung từ các bệnh viện, bệnh nhân viêm màng não thường nhập viện với 2 nguyên nhân chủ yếu là ăn ốc sên để chữa bệnh và dùng ốc sên làm thực phẩm (thường là làm mồi nhậu).

Vui tay bắt ốc sên để ăn: 1 người chết, 1 người sống thực vật 2
Một ca nhập viện vì ăn ốc sên.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Angiostrongylus cantonensis là loại giun tròn sống ký sinh ở động mạch phổi của chuột, trứng giun theo phân chuột ra ngoài sống ký sinh trên các loại ốc trên cạn và dưới nước, hoặc cua tôm, biến thành ấu trùng giai đoạn 3.

Người bị nhiễm khi ăn phải ốc, cua, tôm nấu không chín hoặc ăn phải rau sống bị con sên Limace có chứa ấu trùng bò lên, ấu trùng có thể bám vào lá rau. Khi vào đến ruột non, ấu trùng sẽ đi xuyên qua thành ruột vào máu, thường đi lên màng não gây bệnh cảnh viêm màng não nước trong. Ngoài ra, ấu trùng còn chui vào ổ mắt, nằm lại trong dịch tiền phòng ở nhãn cầu gây tăng áp lực nhãn cầu, mù mắt.

Bệnh viêm màng não nước trong hay xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử ăn nhậu thuỷ sản sống như ốc bươu, ốc sên, ốc trên cạn, cua, tôm… hoặc ăn rau sống.

Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đa số bệnh nhân khi nhập viện thường khai rằng đã ăn ốc bươu tái chanh hoặc ốc bươu nấu không chín trong các bữa nhậu.

Vui tay bắt ốc sên để ăn: 1 người chết, 1 người sống thực vật 3
Những con ốc sên to, có nhiều thịt (ruột) khiến người ta nghĩ đến món ăn như ý. Nhưng thực tế ốc sên bò trên nền, nên đã nhiễm các loại kí sinh trùng gây nguy hiểm cho người.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh - BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết có trường hợp trẻ bị viêm màng não do nướng ốc sên ăn, cũng có trường hợp chỉ cầm ốc sên chơi và bị nhiễm ký sinh trùng từ ốc này. Ốc sên thường bò dưới đất và nhiễm ký sinh trùng.

Loại ký sinh trùng này vào con vật thì không sao nhưng khi vào cơ thể người chúng sẽ lên não, tấn công làm tổn thương não.

Triệu chứng thường gặp là đau nhức đầu dữ dội, nôn ói, hôn mê. Một số trường hợp sau đợt điều trị để lại di chứng thần kinh, ký sinh trùng có thể gây ra vết sẹo trên não, gây gánh nặng điều trị.


aFamily

      © 2021 FAP
        4,319,491       433