Bão Rammasun đang mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16, dự báo vào biển Đông trong trưa-chiều hôm nay (16/7). Những dự báo ở thời điểm này cho thấy bão nhiều khả năng đổ vào miền Bắc, gây mưa lớn mà trọng tâm mưa là Hà Nội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão mạnh Rammasun sẽ vào biển Đông trong trưa-chiều nay (16/7) với cường độ cấp 11, 12 và có khả năng mạnh thêm.
Bão mạnh, nhiều khả năng vào miền Bắc
Ông Hoàng Đức Cường, Quyền GĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Trưa-chiều mai bão Rammasun sẽ vào biển Đông với gió từ cấp 10 tới cấp 11, sau khi vào biển Đông có thể giảm 1-2 cấp. Bão sẽ tăng trở lại cấp 12-13 khi vào tới đảo Hải Nam.
Ở thời điểm này trung tâm đưa ra 2 phương án dự báo. Thứ nhất: bão đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) sau đó sẽ giảm xuống còn cấp 8, mưa ít hơn. Phương án 2 khả năng xảy ra cao hơn là bão sẽ vào vịnh Bắc Bộ.
Theo đó, sau khi vào tới vịnh bắc bộ, bão sẽ hướng về phía khu vực các tỉnh Bắc Bộ và khoảng ngày 19-20/7 sẽ ảnh hưởng đến vùng ven biển Bắc Bộ, đặc biệt là vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Trung Bộ, với cường độ bão mạnh cấp 8,9.
Về lượng mưa: dự báo tới ngày 17/7, tình hình mưa không có gì đáng kể, mưa sẽ tập trung ở vùng biển phía Bắc từ ngày 18-20/7. Khi bão đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ, diện mưa tăng dần, trọng tâm mưa sẽ rơi vào ngày 20-23/7 ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ, Tây Bắc, trong đó có Hà Nội.
Dự báo lượng mưa khoảng từ 200-300 mm/3ngày, cộng với lượng mưa của trước và sau bão thì tổng lượng mưa khoảng 250-350 mm. Vùng trung du và giáp ranh cũng đề phòng mưa to hơn.
“Cơn bão này tương tự cơn bão số 2 năm 1983 là xuất hiện khi đang có hiện tượng El Nino hoạt động. Năm đó bão đã giảm cấp rồi lại tăng tốc trở lại sau khi vào vịnh Bắc Bộ, vào đất liền rồi sang Myanma, mưa lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ”, ông Cường nói.
Bão Rammasun đang mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lúc 1 giờ chiều 15/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 124,7 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Đến 13 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km.
Đến 13 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ gần sáng mai (16/7), vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Đảm bảo an toàn cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư
Ông Nguyễn Xuân Diệu - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện đã thông báo cho hơn 58.000 tàu với hơn 235.000 lao động ở Bắc Biển đông biết tình hình, diễn biến bão.
Hà Nội là trọng tâm mưa
Hiện vùng ảnh hưởng của bão còn rộng, yếu tố bất định còn nhiều, diễn biến còn thay đổi nên Phó Thủ tướng chỉ đạo cần cập nhật theo dõi tin tức bão sát sao.
Vùng nguy hiểm hiện được xác định từ vĩ tuyến 13 trở ra tới Quảng Ninh. Từ ngày 18-19/7 các tỉnh Bắc Bộ lưu ý có mưa lớn và bão có vào bờ thì vẫn mạnh tới cấp 9, 10 - cũng là cơn bão lớn, với cơn bão đầu tiên như vậy thì cần lưu ý phòng tránh.
5 ngày qua, Bắc bộ mưa từ 120-300mm, so với mọi năm lượng mưa này lớn, nhiều hồ thủy lợi đã tích nước khoảng 50%. Khu vực miền núi phía Bắc cần rà soát sạt lở. Hà Nội là trọng tâm mưa nên cần đề phòng úng ngập đô thị.
Trên đất liền, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần rà soát toàn bộ công tác chống bão, kiểm điểm cơ chế 4 tại chỗ, bố trí lực lượng giao thông tại các khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa, sạt lở. Người dân cần chằng chống nhà cửa, chặt cây tỉa cành, bộ Công thương cần kiểm tra an toàn hồ chứa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:
Lên phương án ứng phó với siêu bão
Năm nay mùa mưa bão đến trên nền hiện tượng Elnino đang hình thành, vùng biển lúc đó có nền nhiệt độ cao, bão hình thành nhanh, gây thiệt hại lớn.
Trong điều kiện này 70% bão hình thành vào mùa hè và 80% vào mùa đông, vì thế cần tính toán xem bão di chuyển như thế nào. “Chúng tôi sẽ triển khai ngay những việc đã được chỉ đạo. Ví dụ như chúng ta sẽ phải đối phó với siêu bão như thế nào? Đặc biệt là siêu bão đi về phía nam”- lời ông Phát.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh biến đổi khí hậu làm cho các vùng nhiệt độ chênh lệch lớn gây ra bão và mưa khó dự báo hơn và nghiêm trọng hơn.
Qua siêu bão Haiyan năm ngoái, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu và giao Bộ Tài nguyên Môi trường sớm trình phương án phân vùng bão, từ đó có phương án ứng phó phù hợp cho từng vùng, nhưng bất cứ là vùng nào thì tình hình cũng nghiêm trọng hơn trước đây rất nhiều.