Đời sống

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới

Một trong những công việc bị đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới là nghề dỡ tàu ở Bangladesh khi công nhân phải dùng tay không để làm việc và chỉ nhận mức lương rẻ mạt.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 1

Ít ai ngờ rằng, một trong những công việc bị đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới chính là nghề dỡ tàu ở Bangladesh. Tại đây, người công nhân tội nghiệp phải dùng tay không để kéo những con tàu hàng ngàn tấn, leo vào các hầm tàu đầy chất độc hay làm việc dưới nhiều miếng thép khổng lồ sẵn sàng đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Tất cả làm việc cũng chỉ để mong kiếm sống, nhận một mức lương vô cùng ít ỏi và sự đe dọa sa thải của ông chủ tàn nhẫn.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 2

Ước tính có tới 80 bãi dỡ xác tàu đang hoạt động tại đây, chiếm diện tích hơn 13 km dọc bờ biển. Khu vực này từng rất thu hút khách du lịch tham quan. Mọi người đến đây để chứng kiến một khung cảnh phi thường - khi các công nhân dỡ xác những chiếc tàu chỉ bằng tay không.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 3

Tuy nhiên gần đây, những người công nhân này không được phép cho khách lạ vào bãi nữa. Nguyên nhân là cách đây không lâu, một vụ nổ đã xảy ra khiến hàng trăm công nhân làm việc ở bãi tàu bị thiệt mạng. Từ đây đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích những người chủ bãi đặt lợi nhuận lên trên mạng người, ép công nhân phải làm nhiều công việc vô cùng nguy hiểm.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 4

"Tuổi thọ" của tàu thủy thường là 25 - 30 năm, sau đó nó sẽ xuống cấp nhanh chóng. Lúc này phí bảo hiểm và bảo trì trở thành một gánh nặng và không mang lại lợi nhuận cho chủ tàu. Cuối cùng, khi không còn hoạt động được nữa, chúng sẽ bị bán cho các bãi dỡ để lấy thép.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 5

Trong vòng một thập niên qua, nhiều nước điển hình như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư vào ngành công nghiệp dỡ tàu để thu hồi thép tái chế. Tại các nước này, ông chủ bãi dỡ tàu sẽ áp dụng những công nghệ hiện đại cùng biện pháp an toàn để tạo điều kiện cho công nhân làm việc.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 6

Thế nhưng ở các quốc gia này, việc tháo dỡ tàu được tiến hành theo quy định nghiêm ngặt và rất tốn kém. Do đó, nhiều nước đã tính toán chuyển công việc tiềm ẩn nguy hiểm này sang các quốc gia khác với chi phí tháo dỡ và nhân công rẻ hơn. Bởi lẽ đó, Bangladesh hiện có số lượng xác tàu lớn nhất trên thế giới.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 7

Ước tính ở Bangladesh, chỉ trong năm 2013 có đến 194 tàu biển được tháo dỡ trong điều kiện môi trường cực kì kém vệ sinh và nguy hiểm. Trung bình cứ 3 tháng, với khoản đầu tư 5 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng), một bãi dỡ tàu ở Bangladesh có thể mang lại lợi nhuận tương đương 1 triệu USD (khoảng 20,8 tỷ đông), còn ở Pakistan là 200.000 USD (khoảng 4,16 tỷ đồng).

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 8

Việc kinh doanh đầy lợi nhuận này bắt đầu bằng việc các lái buôn tìm ra một con tàu "hết đát" và thuê một thuyền trưởng đưa những chiếc tàu lớn đến bãi dỡ. Một số trường hợp, thủy triều xuống khiến cho con tàu mắc cạn, chủ bãi sẽ ra lệnh cho hàng trăm công nhân dùng sức của mình để kéo thuyền lên bờ thông qua một dây thừng.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 9

Sau đó công nhân tiến hành hút bùn và các chất lỏng trong tàu ra. Tiếp đó, họ tháo dỡ máy móc, phụ kiện, máy phát điện, những chiếc giường tầng dành cho thủy thủ, các ô cửa sổ ở mạn tàu, thuyền cứu sinh. Tất cả đều được tháo dỡ và mang bán lại cho các thương lái chuyên buôn đồ phế thải.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 10

Tiếp theo các công nhân dùng mỏ hàn cắt khung sườn tàu bằng cốt thép ra thành từng mảnh. Cuối cùng đội phu khuân vác sẽ dùng dây thừng, kéo mạnh những miếng thép cho bung ra khỏi thân tàu rồi mang đi nấu chảy, đóng cuộn để bán cho những công trình xây dựng.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 11

Dù mang lại lợi nhuận cao, nhưng ở Bangladesh công cuộc tháo dỡ tàu không phải là một ngành kinh doanh lương thiện. Ước tính có một lượng không nhỏ hoá chất độc hại mà ngành này thải ra bao gồm dầu diezel, dầu nhớt của tàu... đang hủy hoại môi trường sống ven biển.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 12

Bên cạnh đó, điều kiện lao động quá tồi tệ đã tạo ra nhiều tai nạn thương tâm cho công nhân. Tại một khu ổ chuột cạnh bãi dỡ tàu, không ít người mang trên mình những vết sẹo sâu có hình răng cưa. Một số người mất ngón tay, ngón chân hay một bên mắt. Tuy nhiên tất cả đều không nhận được sự đền bù từ công ty và hoàn toàn không có bảo hiểm y tế.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 13

Anh Mahabub - một công nhân 40 tuổi tại bãi tàu đã kể lại, một công nhân cắt tàu bị lửa thiêu đến chết khi anh ta lia mỏ hàn trúng một túi khí cháy nằm ẩn trên tàu. Mahabub còn cho biết thêm, các ông chủ thường đe dọa công nhân không được tiết lộ cho bất cứ ai về những tai nạn xảy ra ở đây, nếu không sẽ bị sa thải ngay lập tức.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 14

Mahabub còn có một người em tên là Jahangir đã mất năm 2008. Khi mất, cậu bé mới chỉ có 18 tuổi và làm công nhân cắt vỏ tàu lớn. Một hôm có một chiếc tàu đã cắt suốt 3 ngày trời mà vẫn không lấy phần vỏ ra được. Nhưng sau đó có một trận mưa lớn, Jahangir cùng vài công nhân trốn tạm trong một miếng che nằm bên dưới tàu. Thật không may, tấm thép đang cắt dở lại bất ngờ rơi ngay trên đầu những công nhân tội nghiệp.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 15

Nguy hiểm là vậy nhưng các công nhân không ai muốn từ bỏ công việc của mình. Bởi họ ý thức được về nạn thất nghiệp kinh khủng đang diễn ra tại Bangladesh. Họ biết rõ nhiều người mong có được việc làm và sẵn sàng thế chân họ tại những bãi dỡ tàu như thế này. Điều này khiến cho các bãi tàu càng có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô của mình.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 16

Đáng lo ngại hơn, những ông chủ còn thuê thêm cả trẻ em nghèo khoảng 14 tuổi ở các khu ổ chuột để làm công. Bởi theo họ, các em nhỏ sẽ dễ dàng chui vào những hầm ngầm trong tàu hay các lỗ nhỏ để đặt thuốc nổ. Và điều quan trọng nhất là giá tiền để thuê một đứa trẻ vô cùng rẻ mạt.

Cận cảnh công việc nguy hiểm nhất nhì thế giới 17

Trước tình trạng đáng buồn như vậy, nhiều tổ chức đã đứng ra đấu tranh để giành lại quyền lợi cho công nhân. Thế nhưng họ cũng phải công nhận rằng, việc chấm dứt hoàn toàn ngành này là một điều không tưởng. Hi vọng rằng trước những tác động của các tổ chức, chủ xưởng ở Bangladesh sẽ có những quy định và chế độ làm việc an toàn, nhiều phúc lợi hơn cho công nhân.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,320,413       460