Việc tiền điện tăng bất thường đã lặp lại nhiều lần nhưng cách giải thích của EVN khiến khách hàng chưa thỏa mãn.
Bí ẩn chốt số, ghi hóa đơn
Sau những bức xúc của người dân Hà Nội về giá điện, EVN Hà Nội cho biết đã kiểm tra và khẳng định, quá trình ghi chỉ số công tơ không có sai sót, quá trình tính toán hóa đơn tiền điện cũng không có sai sót.
Giải thích của EVN Hà Nội về hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tăng bất thường chỉ có 1 lý do duy nhất là nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng vọt. Bên cạnh đó, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá điện tính theo bậc thang, càng dùng nhiều, càng trả giá cao, nên hóa đơn tiền điện tăng.
Tuy nhiên, những giải thích trên đây dường như không làm thỏa mãn với nhiều hộ gia đình, các bức xúc và thắc mắc vẫn còn nguyên. Và đối với người sử dụng, quy trình chốt số, ghi hóa đơn đến nay vẫn là một bí ẩn đầy nghi ngờ.
Hiện nay, theo quy định công tơ điện thường treo ngoài cột điện, hành lang hay điểm đấu nối điện chung... Thậm chí, nhiều người dân không biết công tơ điện nhà mình treo ở đâu.
Đến tháng, EVN cũng cử người đi chốt số rồi về nhập liệu để tính tiền. Toàn bộ quá trình này không hề có sự tham gia chứng kiến của người mua hàng. Đa số người dùng chỉ đến khi nhận hóa đơn mới biết mình dùng bao nhiêu, mất bao tiền.
Chuyên gia Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng, đây đúng là cả một bí mật, người mua hàng không biết gì về cân đo hàng hóa mà thậm chí cả 'dụng cụ' đo lường đó có đạt chuẩn hay không cũng không biết. Ở Hà Nội, có người cả chục năm chỉ nhận hóa đơn và nộp tiền mà không biết công tở ở đâu, ghi số thế nào là bình thường . Vì thế, có ghi sai, tính nhầm cũng chịu.
"Tất cả đều trong tay EVN. Người dân chỉ biết rằng đến tháng có người gõ cửa, chìa hóa đơn và thu tiền. Có thắc mắc cũng phải nộp tiền đã nếu không thì cắt điện", vị chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, những người sống lâu năm ở Hà Nội cho biết, việc gị chỉ số công tơ điện hàng tháng trước đây đã từng thực hiện rất tốt và đảm bảo công khai.
Tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc khi đó, mỗi cầu thang có 15 gia đình sẽ cử ra 1 người giám sát. Người này cùng với nhân viên ngành điện cuối tháng thực hiện chốt chỉ số công tơ tổng. Sau đó người này đến tận từng nhà cùng chủ nhà chốt chỉ số công tơ tại các gia đình và tính toán số tiền mỗi hộ phải tra, thu, nộp cho ngành điện. Với cách làm này người dân được biết số điện hàng tháng mình sử dụng.
Tuy nhiên từ khi bỏ công tơ tổng và chuyển công tơ của các gia đình ra cột điện bên ngoài thì việc ghi số điện như thế nào hoàn toàn là chuyện của nhân viên điện lực, người dân không hề được biết. Một số trường hợp người dân tự kiểm tra và phát hiện ra sai sót thì phía điện lực chỉ giải thích rằng do nhân viên ghi nhầm, tính nhầm... là xong
Đó là một bí ẩn không ai có thể xâm phạm của EVN và chính là nguyên nhân gây ra nhiều nghi ngờ, bức xúc.
Chuyện không bình thường?
Trước thực tế hóa đơn tiền điện nhiều lần tăng cao bất thường, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: nếu những gì người dân phản ánh là chính xác cả, thì việc giải thích của EVN Hà Nội đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. Nhất là đối với những trường hợp "người thực, việc thực" mà người tiêu dùng dẫn chứng bằng chính trường hợp của mình để "bác" lại.
Hơn thế nữa, nhiều trường hợp người tiêu dùng đã tự kiểm tra, phát hiện, điện lực cấp dưới đã phải thừa nhận sai và khắc phục để trả lại quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
"Sự nhầm lẫn trong một vài trường hợp dù không được phép nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng qua báo chí phản ảnh thì việc xảy ra trên diện rộng, số lượng đông thì rõ ràng đây là chuyện không hề bình thường", ông Hùng nói.
Còn nếu có chuyện như người dân phản ánh là, giá điện tính theo mức lũy tiến, việc ghi tăng hay ghi giảm cho hàng loạt hộ như vậy không phải là sự nhầm lẫn mà đằng sau đó là sự tính toán có lợi cho phía cung ứng điện thì cần có sự kiểm tra rõ ràng. Ngành điện cần làm rõ mối nghi ngờ của người tiêu dùng, ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, tình trạng trên cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự độc quyền. Quan hệ giữa người mua và người bán vốn là quan hệ bình đẳng. Nhưng trong trường hợp này hình như người bán điện có quyền nghi ngờ tất cả người mua điện, cho nên mới có "cuộc cách mạng" chuyển công tơ từ trong nhà lên cột điện. Còn người mua điện phải tin vào người bán điện, vì hiếm có phương thức mua bán nào mà người mua chỉ biết trả tiền mà không hề biết chỉ số chiếc cân khi mua hàng (ở đây là chỉ số công tơ điện) ra sao. Chậm tiền thì bị đe cúp điện. Mất điện không phải bồi thường. Đó là biểu hiện của sự độc quyền.
Ông Hùng nhấn mạnh, trong cơ chế thị trường, sự bình đẳng trong quan hệ giữa người mua và người bán cũng phải được tôn trọng. Sự minh bạch thông tin là cần thiết và được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa là quyền của người tiêu dùng theo luật định.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến vừa qua là hết sức bất thường. Điều này đòi hỏi có một cơ quan độc lập kiểm tra và tính toán lại. Để ngành điện tự kiểm tra thì không khác gì chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi".