Đời sống

CEO Việt long đong: Sếp trẻ đến đi thất thường

Ngày càng có nhiều doanh nhân trẻ giữ vai trò lãnh đạo cao cấp các DN. Xuất hiện như một ngôi sao sáng nhưng không ít người đã nhanh chóng rút lui sau một thời gian ngắn ngủi ngồi ghế nóng.

Đến đi thất thường

Cuối tháng 5 vừa qua, giới đầu tư đã chứng kiến một sự đến-đi khá chóng vánh của một CEO nữ khá trẻ tuổi trong Tập đoàn Vingroup. Bà Lê Thị Thu Thủy đã từ nhiệm vị trí CEO của Công ty VinE-com, một đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử của Vingroup, sau vài tháng năm giữ chức vụ này.

Trước đó, bà Thủy cũng đã từ nhiệm vị trí TGĐ Tập đoàn Vingroup, để lại vị trí quyền lực này cho một CEO nữ khác là bà Dương Thị Mai Hoa.

Trào lưu ra đi của các gương mặt CEO trẻ tài năng nổi lên khá mạnh mẽ trong khoảng 1-2 năm vừa qua và được nói đến khá nhiều với trường hợp ông Trương Đình Anh. Giữa tháng 6/2014, vị doanh nhân này đã rút khoàn toàn khỏi FPT Telecom sau khi đã chia tay với "ghế nóng" CEO Tập đoàn FPT hồi tháng 9/2012.

Sự rút lui khỏi FPT của ông Trương Đình Anh đánh dấu một sự thất bại lớn trong công cuộc chuyển giao việc quản trị DN từ thế hệ "già" cho lớp doanh nhân kế cận. Trước đó, cũng chính tại FPT, CEO Nguyễn Thành Nam cũng đã rời bỏ chiếc nghế nóng của DN này.

CEO Việt long đong: Sếp trẻ đến đi thất thường 1
Xuất hiện như một ngôi sao sáng nhưng không ít người đã nhanh chóng rút lui saumột thời gian ngắn ngủi ngồi ghế nóng.

Cũng trong thời gian đó, sự cố chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã phần nào cho thấy sự khó khăn trong việc chọn lựa được một vị thuyền trưởng xứng tầm. Ông Phạm Văn Trung khi đó chỉ tại vị TGĐ được 18 ngày.

Ở lĩnh vực ngân hàng, hồi năm 2012, giới tài chính chứng kiến CEO trẻ nhất ngành này là ông Phạm Duy Hiếu được bổ nhiệm vào vị trí TGĐ VietABank khi mới 34 tuổi. Tuy nhiên, cũng không lâu sau đó, ông Hiếu đã rời bỏ Việt Á và sau đó chuyển sang AnBinhBank.

CEO trẻ Đào Trọng Khanh ở TPBank cũng đã phải dừng cuộc chơi, từ nhiệm năm 2011 do áp lực công việc quá cao. Cũng ở ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hương cũng chỉ tại vị Tổng giám đốc Eximbank có 4 tháng.

Thậm chí, như trường hợp Bùi Bích Lân đã quyết định từ nhiệm chiếc ghế Tổng Giám đốc Mai Linh chỉ sau 8 ngày chính thức điều hành hãng taxi này. Mặc dù thời điểm đó bà có mức lương 80 triệu đồng/tháng kèm khoản thưởng 200.000 cổ phiếu Mai Linh và được hy vọng sẽ vực dậy Mai Linh đang khốn khó.

Áp lực hay sự lệch pha?

Trong một khoảng thời gian khá ngắn ngủi 1-2 năm vừa qua, hàng loạt các vụ từ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo của các DN nổi tiếng đã diễn ra dồn dập. Không ít người đã đặt câu hỏi tại sao những gương mặt sáng giá, đã được khẳng định qua các thành và kinh nghiệm cũng dày dặn lại từ bỏ cuộc chơi nhanh chóng đến như vậy.

Lý giải vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng là do thị trường đang thiếu các CEO giỏi và những người nổi bật thường xuyên có những lựa chọn tốt hơn.

Sự khan hiếm các CEO giỏi trên thị trường nhân lực Việt Nam, nhất là trong một số lĩnh vực như tài chính ngân hàng là một sự thật đã được các DN nguồn nhân lực khẳng định. Sự suy yếu của các DN trong thời buổi kinh tế khó khăn khiến cho sự thay đổi nhân lực cao cấp diễn ra mạnh mẽ hơn. Các ông chủ, các đại gia đang tìm kiếm những hướng đi mới, những bước đột phá mới cho DN của mình.

CEO Việt long đong: Sếp trẻ đến đi thất thường 2
Một số chuyên gia cho rằng là do thị trường đang thiếu các CEO giỏi và những người nổi bật thường xuyên có những lựa chọn tốt hơn

Tuy nhiên, không phải những sự thay đổi CEO đình đám gắn với sự khó khăn của DN và cũng không phải các CEO ra đi rồi tìm được vị trí tốt đẹp hơn. Các trường hợp HSG hay Vingroup đều đang hoạt động tốt. Không ít CEO phải rời bỏ những chiếc ghế nóng trị giá hàng trăm triệu đồng/tháng và xuống các vị trí thấp hơn, thậm chí không tìm được một vị trí nào phù hợp và phải tìm tòi cho mình những hướng kinh doanh riêng.

Trong trường hợp FPT, những cổ đông sáng lập của tập đoàn này mong muốn một làn gió mới cho đế chế công nghệ đang bế tắc về hướng đi mới này. Sự năng động của sức trẻ là điều mà những đại gia như ông Trương Gia Bình cần tới. Tuy nhiên, ghế CEO giờ đây lại cho thế hệ thứ 1 tại FPT đảm nhiệm.

Một câu hỏi được đặt ra là: ai và hình mẫu như thế nào sẽ phù hợp cho vị trí thuyền trưởng những tập đoàn lớn như FPT, Vingroup, HSG...?. Câu trả lời có lẽ cũng sẽ chung chung giống như TGĐ hiện tại của FPT là ông Bùi Quang Ngọc (cũng là phó chủ tịch HĐQT) rằng DN đang tìm kiếm những lớp người trẻ kế cận phù hợp.

Có một thực tế là hầu hết những CEO từ nhiệm tại các tập đoàn lớn gần đây đều là những người rất giỏi nhưng bó khá hẹp trong một phạm vi, một lĩnh vực. Trong khi đó, DN của các đại gia giàu có hàng đầu lại đang ngày lớn mạnh và mở rộng ra nhiều mảng ngành nghề. Tư duy của nhiều ông chủ có lẽ là không ngừng mở rộng, nắm nhiều thị trường, trong và ngoài nước, thậm chí mở rộng ra nhiều ngành nghề để có được thêm nhiều cơ hội hơn. Và dường như có một sự lecchj pha ở đây.

Sự xuất hiện của các CEO trẻ tuổi tại nhiều DN lớn thực sự là một điều đáng mừng bởi lớp doanh nhân thế hệ 7x, 8x và giờ đây sắp là 9x đều là những lớp người được đào tạo, rèn luyện và cập nhậtt những kiến thức, kỹ năng mới nhất, tiếp cận với thế giới nhất. Sự tham gia của những lãnh đạo trẻ tuổi này sẽ giúp các DN phát triển năn của thế giới. Tuy nhiên, để hiểu được thị trường và nắm bắt được cơ hội cũng như giữ được sự phát triển bền vững cho DN không phải là điều dễ dàng đối với các CEO trẻ tuổi. Sự thất thường của tuổi trẻ có lẽ là điều mà các ông chủ lớn còn lo ngại.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,084,400       300