Đời sống

Tiền điện tăng: EVN Hà Nội thanh minh tại... thời tiết!

Thời điểm 3 đợt nắng nóng trùng với chu kỳ làm hoá đơn tiền điện tháng 6 khiến mức tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng đột biến.

Những ngày qua, các phương tiện truyền thông phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tại Hà Nội tăng cao bất thường so với những tháng trước.

Mặc dù ngành điện đã cam kết không tăng giá điện trong tháng 6, nhưng nhiều hộ gia đình đã nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng cao gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 so với các tháng khác.

Theo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội), nguyên nhân cơ bản dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ tăng là do những ngày đầu tháng 5 đến đầu tháng 6 vừa qua, Hà Nội đã có những đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43 độ C. Trong khi đó, tỷ lệ bê tông hoá ở Thủ đô ở mức cao dẫn đến độ hấp thụ nhiệt lớn, nhiệt độ không khí nóng thường duy trì đến tận đêm đều ở mức 30 độ C.

Trước diễn biến này, nhu cầu sử dụng điện để làm mát của khách hàng trong thời gian kể trên đã tăng vọt cả ban ngày lẫn ban đêm (thời gian sử dụng điều hòa nhiệt độ trên 10 giờ/ngày). Nhiều gia đình đã sử dụng điều hoà cả ban ngày và ban đêm.

"Chu kỳ làm hoá đơn tiền điện từ 5 – 25/5 đến 5– 25/6 là thời điểm bao gồm cả 3 đợt nắng nóng cao điểm (cuối tháng 5, đầu tháng 6) do vậy hoá đơn tiền điện ở thời gian này càng hội tụ các yếu tố đột biến làm sản lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao", EVN Hà Nội cho biết.

Tiền điện tăng: EVN Hà Nội thanh minh tại... thời tiết! 1
Hóa đơn tiền điện tháng 6 của nhiều hộ gia đình tăng đột biến

EVN Hà Nội khẳng định, quá trình ghi chỉ số công tơ điện cũng như quá trình tính toán hoá đơn tiền điện cho khách hàng hoàn toàn không có sai sót. Tại nhiều điểm đặt công tơ, dưới sự chứng kiến của khách hàng, nhân viên thuộc EVN Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hoạt động của công tơ đều hoạt động bình thường.

Mới đây, EVN cũng đã công bố báo cáo giám sát tóm tắt năm 2013 của Công ty mẹ. Theo đó, EVN lãi vượt kế hoạch được giao là nhờ đưa công trình thủy điện Sơn La sớm vận hành, cộng yếu tố thời tiết đã khiến sản lượng thuỷ điện tăng cao hơn dự kiến.

Tuy nhiên, do giá điện đã tăng khoảng 5% vào cuối tháng 12/2012 tạo điều kiện áp giá điện mới ngay từ đầu năm 2013 và tăng thêm 5% từ tháng 8/2013, khiến tình hình tài chính của EVN đã được cải thiện. Trong năm 2013, tỉ giá ngoại tệ ổn định khiến chi phí mua điện của các hợp đồng mua điện thanh toán bằng ngoại tệ không bị biến động tăng do tác động của tỉ giá.

Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2013 có lãi vượt kế hoạch được giao. Cụ thể, EVN công bố lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 8.242 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 10.372 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ là 8.239 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 9.197 tỉ đồng. Lợi nhuận sau khi đã bù lỗ luỹ kế là 267 tỉ đồng (lãi Công ty mẹ) và 547 tỉ đồng (hợp nhất).

Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) Công ty mẹ đạt 5,5%, trong khi mức lãi trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,2% đều tăng mạnh so với năm 2012. Tổng số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,4 lần (Công ty mẹ), 2,4 lần (hợp nhất). EVN cũng hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước số thuế là 4.258 tỉ đồng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra hàng loạt những sai phạm của EVN liên quan đến việc tập đoàn này tính chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi... vào giá điện.

EVN cũng ký hợp đồng mua điện giá cao với Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD). Hợp đồng mua điện của Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua.

Nếu không mua sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,115,445       167