Hưởng ứng tôn chỉ: Bữa ăn gia đình ấm áp yêu thương mà ngày Gia đình Việt Nam hướng tới, trong mấy ngày nay, các bà nội trợ tấp nập đi mua sắm thực phẩm để chuẩn bị bữa cơm ngon cuối tuần.
Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương là thông điệp mà ngày Gia đình việt Nam 28/06 hướng tới. Truyền thống, văn hóa của người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn coi bữa cơm là nét đẹp, lưu giữ thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Bữa cơm cũng là nơi các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm với nhau.
Gia đình hiện đại, cung cách người "nội tướng" chăm sóc gia đình cũng khác trước và cách mọi người cảm nhận hạnh phúc qua bữa cơm gia đình cũng khác. Những người trẻ hiện đại ngày nay khi được hỏi về ý nghĩa bữa cơm gia đình đều rất thoải mái, họ cho rằng bữa cơm gia đình quan trọng nhưng không đến mức... quá quan trọng.
Với họ, cuộc sống có nhiều việc cần làm hơn và có thể "du di" ra hàng ăn thay vì ăn tại nhà. Anh Văn Nghĩa, Định Công, Hà Nội cho rằng: "Nếu vợ chồng mình cùng bận việc không nấu cơm cũng chẳng sao. Ngay đầu phố có rất nhiều cửa hàng nhỏ, chợ cóc lớn bán đồ ăn ê hề".
Nói là nói vậy nhưng ai cũng biết bữa cơm gia đình quan trọng như thế nào, dù chưa tới ngày Gia đình Việt Nam 28/6, mấy ngày nay chị em nội trợ đã tất bật đi chợ chuẩn bị bữa ăn tối trong ngày đặc biệt này.
Chị Phương Linh (Tân Ấp, Hà Nội) cho biết: "Ngày thường có thể bận nhưng riêng ngày đặc biệt này, mình sẽ dành thời gian để chuẩn bị nấu nướng những món ăn cổ truyền mà ba cha con thích. Với mình, bữa ăn gia đình còn là để hướng con trẻ cách sống, đạo đức".
Thị trường thực phẩm mấy ngày nay khá tấp nập do tâm lý của người tiêu dùng hướng tới ngày Gia đình Việt Nam
Chợ lớn, chợ cóc: người mua hàng tấp nập
Vì lý do này, trước ngày gia đình Việt Nam 28/6, thị trường thực phẩm ngoài chợ đã rất tấp nập. Theo khảo sát, thị trường Hà Nội đang tràn ngập các loại trái cây đặc sản của miền Nam, Thái Lan,… Đây cũng là thời điểm nhiều loại trái cây của miền Bắc vào mùa như mận, đào, vải khiến thị trường càng trở nên phong phú.
Chợ Long Biên là đầu mối cung cấp hầu hết các loại trái cây cho thị trường Hà Nội. Chợ hoạt động từ nửa đêm, sôi động đến quá trưa. Tất cả những quầy hoa quả, các gánh hàng rong đều tập trung về chợ đầu mối từ sớm lấy hàng sau đó mới tỏa ra đi các ngả. Những bà nội trợ nào rảnh về thời gian, lại cẩn thận, có thể tiết kiệm chi tiêu bằng cách đi lên chợ Long Biên để chọn được những loại quả tươi ngon và giá cả tốt nhất. Chị Minh Chi, nhà ở Khâm Thiên Hà Nội, ngay từ sớm đã đạp xe lên chợ đầu mối này, chị cho hay: "Hơi mất công một chút vì đạp xe xa, chợ đông đúc nhưng bù lại tôi mua được khá nhiều loại quả ngon bổ mà giá lại rẻ hơn những 30% so với các nơi khác".
Còn nếu không có nhiều thời gian, bà nội trợ vẫn có thể chọn những chợ ngay nơi mình sinh sống như chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân, chợ Cầu Giấy…
Gạo nếp, đậu xanh... để làm xôi
Vào những ngày này, loại quả mà theo nhiều bà nội trợ là ngon nhất, bổ nhất, tốt cho sức khỏe và được mua nhiều đó chính là măng cụt. Năm nay, giá măng cụt có phần hạ nhiệt hơn so với năm ngoái một chút, măng cụt có giá 30.000 đồng/kg. Năm nay, trái cây miền Nam được mùa, đổ hàng ra phía Bắc khá nhiều.
Chưa bao giờ người tiêu dùng Hà Nội lại có cơ hội được thưởng thức trái cây đặc sản miền Nam thỏa thích như năm nay. Các loại trái đặc sản như xoài, chanh leo, dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, quýt đường, ổi không hạt… hiện đang chiếm ưu thế tại các quầy trái cây, gánh hàng rong của thủ đô Hà Nội. So với thời gian trước, giá hoa quả hiện tại không cao, chỉ khoảng 70% giá trước.
Vì giá phải chăng nên việc tiêu thụ cũng mạnh hơn đặc biệt trong thời điểm này. Chị Bích Lý, bán hàng tại chợ Long Biên cho biết, đầu tuần trở lại đây có những ngày, chợ tiêu thụ hàng tấn măng cụt, sầu riêng.
Thời tiết nắng nóng, các loại quả phục vụ nhu cầu giải khát như dưa hấu, cam quýt, chanh leo, mãng cầu, bơ… cũng được tiêu thụ mạnh. Dưa hấu miền Nam nay đầy ắp các chợ và luôn bán được giá hơn dưa hấu trồng phía Bắc có giá 8000 đồng/kg. Ngoài ra, xoài, vú sữa, chôm chôm nhãn cũng là loại trái cây được người Hà Nội ưa thích.
Trong khi thị trường vẫn đang tràn ngập hoa trái miền Nam thì miền Bắc một số loại trái cây đang vào mùa. Dứa chưa bao giờ được mùa như năm nay, loại ngon 10.000 đồng/quả to, quả nhỏ 3000 đồng. Mận đang vào mùa khiến giá cả rớt rất nhanh, từ 6000- 8000 đồng/kg, dưa lê có giá 10.000 đồng/kg.
Theo khảo sát, giá hoa cũng có nhỉnh hơn thời gian trước
Những loại thịt, thực phẩm để làm nên những món ăn đặc trưng truyền thống giá cũng tương đối ổn định. Tại các chợ, giá thịt lợn, thịt nạc vai có giá từ 100.000 – 110.000 đồng/cân, xương ống 30.000 đồng/cân, sườn non 100.000 đồng/cân. Thịt gà công nghiệp có giá từ 55.000 lên 65.000 đồng/cân. Gà ta cả lông là 130.000 đồng/cân. Bánh đa nem: 5000 đồng/xấp. Theo khảo sát tại một số đại lý gạo, siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại địa bàn Hà Nội, giá gạo nếp và đỗ xanh tăng 3.000-6.000 đồng/kg so với tháng trước. Gạo nếp Bắc loại 3 từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/kg, còn loại 2 tăng 2.000 đồng, lên 32.000 đồng, gạo nếp Điện Biên từ 42.000 đồng nay bán 45.000 đồng.
Nếu như trước đây tôm có giá là 650.000 đồng/kg thì hiện tại khoảng 550.000 đồng - 570.000 đồng/cân. Ghẹ 200000 đồng/kg.
Nhân ngày Gia đình Việt Nam, thị trường hoa cũng tăng nhẹ. Cụ thể, hoa hồng có giá dao động từ 2500-4000 đồng/bông; hoa loa kèn 3500-5000 đồng/bông; hoa ly 6000-7000 đồng/bông...
Đến mạng ảo: chợ thực phẩm cũng đắt khách
Những shop online mọc ra như nấm trên mạng, trên Facebook như hiện nay phục vụ cho đa số những chị em bận rộn, không có thời gian đi chợ. Họ có thể mua hàng qua mạng rồi ngồi chờ hàng hóa, thực phẩm được chuyển đến tận nơi. Tuy nhiên, bù lại người tiêu dùng phải chịu đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba giá bán tại chợ hoặc hàng quán ngoài phố. Măng cụt được rao bán online với giá 80.000 đồng/kg, mãng cầu 60.000 đồng/kg, dứa 22.000 đồng/quả, cam Xoàn 90000 đồng/kg, bơ sáp 60000 đồng/kg … đắt hơn nhiều giá tại chợ và siêu thị.
Tương tự, thịt gà đồi cũng đắt gấp đôi so với ở ngoài thị trường, tại các cửa hàng thực phẩm tiện lợi, thịt gà đồi được niêm yết ở giá 230.000 đồng/kg. Thịt thăn lợn 150.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 120.000 đồng/kg, cá chép đầm 140.000 đồng/kg, lợn cắp nách 300.000 đồng/kg...