Đời sống

7 cách tiếp cận "con mồi" điển hình nhất của đối tượng kinh doanh đa cấp

Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng "vạch mặt" các chiêu trò thường được đối tượng bán hàng đa cấp sử dụng thì những thành viên này truyền cho nhau những bí kíp tiếp cận mới mẻ, ít ồn ào hơn.

Kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh phổ biến và hợp pháp trên thế giới nhưng khi về đến Việt Nam thì đã bị biến tướng, nhiều đối tượng lách luật, trục lợi từ mô hình kinh doanh đa cấp này và tạo một cái nhìn xấu cho toàn xã hội.

Những chiêu thức mà người bán hàng đa cấp dùng để chiêu dụ người khác vào mạng lưới, mua sản phẩm, đến tham gia hội nghị... thì nhiều vô số kể. Nhưng những cách làm thông thường như mời đến dự hội thảo, phát tờ rơi về kế hoạch làm giàu hay đăng tuyển thông tin mập mờ về công việc nhàn hạ kiếm được 10 triệu/ tháng đã trở nên quá quen thuộc và được nhiều người cảnh giác.

7 cách tiếp cận "con mồi" điển hình nhất của đối tượng kinh doanh đa cấp 1
Những người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp đều có đồng phục rất dễ nhận biết với áo vest đen, quần tây, thắt cà-vạt và lối nói chuyện trịnh trọng đầy sức thuyết phục giữa đám đông. Trong hình là các bạn trẻ tham gia Hội nghị vì sức khỏe cộng đồng do một công ty đa cấp của Trung Quốc chuyên bán thực phẩm chức năng tổ chức.

Tuy vậy, các đối tượng bán hàng đa cấp vẫn mưu mô và kiên trì hơn trong cách tiếp cận những "con mồi" vào mạng lưới đa cấp. Đây là 7 chiêu thức phổ biến nhất trong những năm trở lại đây mà chính người trong cuộc kể lại quá trình họ đã bị người kinh doanh đa cấp sử dụng để "mời gọi" như thế nào.


1. Xin việc ở công ty lớn để dụ dỗ đồng nghiệp mới cùng vào đa cấp

Những nhân viên trong một Công ty cổ phần viễn thông tại TP.HCM vẫn còn nhớ câu chuyện bi hài khi cô nhân viên mới được tuyển dụng vào vị trí nhân viên kinh doanh của công ty trong suốt một tháng vẫn không kiếm được hợp đồng nào, khi được hỏi, cô cho biết: "Thật ra mục đích em vào đây không phải để làm việc kiếm hợp đồng bình thường như vậy, em muốn giới thiệu với anh chị những sản phẩm mới, có tác dụng cực kỳ tốt mà em đang sử dụng. Các anh chị có thể mua về dùng thử, nếu thích có thể cộng tác bán hàng với công ty em, thời gian linh động mà có thể làm giàu dễ dàng, nhanh chóng".

Sau đó cô nàng kể ra những "nhân chứng sống" hùng hồn trong công ty của cô đã thành công rực rỡ thế nào. Khi ai tỏ vẻ không tin tưởng thì cô cho rằng đó là người có cái nhìn nông cạn, không có chí cầu tiến, mãi mãi không giàu có được. Cô nàng cũng đã bị cho nghỉ việc không ít lâu sau đó. Nhưng chỉ một tháng sau, chi nhánh khác của công ty này lại tuyển được hai nhân viên mới và họ lại tiếp tục bàn về các mặt hàng đa cấp ngay trong buổi họp của phòng, ban.

Những người trong công ty chỉ biết lắc đầu hỏi: "Sao người bán hàng đa cấp ở đâu cũng có thế này?"


7 cách tiếp cận "con mồi" điển hình nhất của đối tượng kinh doanh đa cấp 2
Người kinh doanh đa cấp cho rằng công việc của một nhân viên bình thường chẳng thể giúp bản thân làm giàu nhanh chóng. Họ luôn phát cáu khi người khác chỉ mải mê công việc hiện tại mà bỏ qua "cơ hội làm giàu" mà họ đem tới. (Ảnh minh họa).

2. Tổ chức hội trại cho sinh viên kèm một chương trình giới thiệu cách làm giàu nhanh chóng

Đó là cách mà công ty H.K.T.G (Quận Bình Tân) sử dụng để những người trong mạng lưới đa cấp tiếp cận dễ dàng với đối tượng sinh viên nhẹ dạ, cả tin. Theo lời K.T, sinh viên trường ĐH Hutech kể lại, thì T. đã được một người bạn rủ đi khu du lịch Đại Nam 2 ngày 1 đêm cùng với công ty để vui chơi, tham gia hội trại, với mức phí 390.000 đồng/ người.

"Mình không biết đây là công ty kinh doanh đa cấp vì họ tổ chức nhiều trò chơi như một buổi cắm trại bình thường, thân thiện. Buổi trưa của ngày thứ hai, khi mọi người nghỉ trưa thì những người tự xưng là nhân viên cấp cao mới tụ tập mọi người để trò chuyện thân mật, hỏi về quan niệm sống, kế hoạch tương lai và giới thiệu cách làm giàu nhanh chóng. Lúc này mình mới tá hỏa khi biết đây là công ty đa cấp và người bạn mời mình đi cũng là nhân viên đa cấp". - K.T chia sẻ.

Sau buổi hội trại, những người trong công ty mời các sinh viên mới đến dự hội thảo. T. không đến tham gia nhưng cũng cho biết rằng rất nhiều bạn vì sau chuyến đi chơi này, cảm thấy gần gũi, thân thiết với những người đó nên đã tin tưởng tham gia đa cấp.

3. Những câu chuyện triết lý về thành công mà từng thành viên đều học thuộc lòng

Tại quán cafe trên đường Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận), mọi người đều thấy anh chàng H. mở đầu câu chuyện với một người lạ như sau: "Con mèo đuối chuột khắp nhà, con chuột là mục tiêu đạt được, nhưng khi không ai thấy con chuột mà chỉ thấy con mèo chạy nhảy, làm bể đồ, phá nhà.. thì lập tức cho rằng con mèo đó bị... điên mà không biết nó đang theo đuổi mục tiêu của nó. Chúng ta cũng vậy, bởi vì người ngoài không bao giờ hiểu được mục tiêu lớn lao của người kinh doanh đa cấp nên cho rằng chúng ta không bình thường. Bởi vậy chúng ta phải có niềm tin, phải phấn đấu cho mục tiêu làm giàu của chúng ta, khi ấy mọi người sẽ công nhận".

Câu chuyện mèo đuổi chuột của H. được khá nhiều đối tượng kinh doanh đa cấp sử dụng để thuật lại cho người mới. Ngoài ra, các đối tượng này luôn có những tuyên ngôn về làm giàu như "Làm giàu không khó", "Dám thử, dám thành công", "Làm không phải vì mình mà vì bố mẹ con cháu sau này".


7 cách tiếp cận "con mồi" điển hình nhất của đối tượng kinh doanh đa cấp 3
Những "triết lý" của công ty mỹ phẩm A. được những nhân viên "học thuộc lòng" để thuyết phục người khác.

4. Tung gái đẹp, làm quen kết bạn
Nhà sách cạnh ĐH C.N (TP.HCM) là nơi các nhân viên của một công ty đa cấp hay dập dìu, lượn lờ. Các đối tượng này chủ yếu là các cô gái xinh đẹp, hoặc nói năng cuốn hút. Anh Tấn Hùng (Thừa Thiên Huế) trong một lần ghé nhà sách này đã có hai cô gái sà đến hỏi thăm, làm quen, xin số điện thoại. Các cô gái này đôi khi “tinh vi” theo kiểu: Em lạc điện thoại rồi, anh chị gọi vào giúp để em tìm.”, “À đây rồi cảm ơn anh/chị!. Sau đó là nhắn tin qua lại cảm ơn, hỏi thăm thường xuyên. Anh Trương Vĩnh Tài (Q.11) trong dịp đi nhà sách, lúc lần mở một quyển sách anh đã tìm thấy một bookmark được thiết kế rất ấn tượng. Trên bookmark có cả số điện thoại kèm câu slogan khá kiêu: Sống là không chờ đợi.  Anh nghĩ ngay đến những tình huống lãng mạn kiểu phim Hàn nên đã nhắn tin làm quen.
Điểm đến cuối cùng của những cuộc gặp gỡ dạng trên là tại các công ty, các buổi nói chuyện về khởi nghiệp, núp bóng giới thiệu việc làm mà bản chất là dụ dỗ làm thành viên đa cấp.
5. Núp bóng các câu lạc bộ - hội - nhóm
Trong một lần đi chơi ở công viên Tao Đàn, cô gái sinh viên năm nhất, quê miền Tây tên Ngọc Phúc được một nhóm khá đông rủ tham gia sinh hoạt chung cho vui. Quản trò là một nam sinh viên ăn mặc rất tươm tất đã yêu cầu từng thành viên trong nhóm giới thiệu bản thân. Lúc đó, Phúc mới biết hầu hết thành viên trong nhóm là người của một công ty lớn và thu nhập rất cao. Phúc rất ngưỡng mộ họ. Sau màn giới thiệu, nam sinh viên bắt đầu diễn thuyết về chủ đề Sinh viên khởi nghiệp.

Lời diễn thuyết rất hùng hồn và có nhiều bạn sinh viên phụ họa theo làm Phúc vô cùng tin tưởng. Khi được giảng giải về cách thức bán hàng đa cấp và được đề nghị tham gia nhóm kinh doanh, Phúc đã đồng ý. Hậu quả là cô mắc nợ bạn bè gần năm triệu đồng, làm hàng xóm ở quê tức giận kéo sang tận nhà chửi ba mẹ cô không biết dạy con vì cô mời họ mua phải máy lọc nước, nước giặt đồ dỏm.
Bằng cách núp bóng các hội nhóm sinh hoạt vui chơi tập thể thế này, bọn đa cấp đã nhồi nhét lời đường mật cho rất nhiều đối tượng. Và hầu như 10 người nghe thì có đến 5 người thành con mồi nếu không tỉnh táo.
6. Lợi dụng khát vọng vào đời của bạn trẻ
Sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ĐH - CĐ các bạn trẻ bắt đầu bước chân vào đời. Tận dụng sự bỡ ngỡ này, bọn đa cấp dỏm sẽ ồ ạt tấn công. Nhất là với các bạn thi trượt  ĐH - CĐ, lâm vào tự ti, khi tiếp xúc chúng sẽ nhấn mạnh: Không học đại học vẫn có thể làm giàu. Chúng bắt đầu cho đối phương xem các clip, hình ảnh và ví dụ về các cá nhân không học ĐH vẫn kiếm cả tỷ đồng mỗi tháng. Những người học ĐH giờ rất hối hận, sống trong nghèo khó, phải bắt đầu lại từ đầu và chịu "làm lính" những người chưa học ĐH này.
Trong đợt thi TN THPT vừa rồi, nhiều đối tượng là thành viên của công ty đa cấp đã rình rập trước cổng trường để tiếp cận các bạn trẻ với danh nghĩa: tư vấn tuyển sinh và tổ chức câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm sống. Bằng việc điền vào phiếu trắc nghiệm mà các đối tượng này phát ra, các em đã để lộ thông tin cá nhân. Một thời gian sau, các đối tượng xấu sẽ điện thoại cho các em để rủ rê lôi kéo vào con đường đa cấp.
7 cách tiếp cận "con mồi" điển hình nhất của đối tượng kinh doanh đa cấp 4
 Các đối tượng đa cấp núp bóng hướng nghiệp để lấy thông tin của các em học sinh, phục vụ cho việc lôi kéo sau này.
7. Khiêu khích tâm lí muốn tự chủ tài chánh của bà nội trợ
Chị sướng rồi, chỉ lo làm nấu ăn giặt giũ rồi nằm đó chờ chồng nuôi. Chứ em thì không thích vậy. Phải tự làm mỗi tháng vài chục triệu để chồng không khinh chị ạ”. Đó là những lời mang tính khiêu khích mà chị Hồng Tâm (Q.3) nghe được khi đi tập thể dục ngoài công viên. Người bạn này chị Tâm mới quen khi đi tập thể dục vào mỗi  chiều. Khi ngồi nghỉ mệt, “người bạn tốt” tiếp tục bày cho chị cách kiếm tiền bằng việc mua máy lọc nước, trở thành thành viên công ty - một công ty không hề ràng buộc thời gian - hoặc môi giới sản phẩm với bạn bè, bán xong chẳng những có lời mà còn được tăng thứ bậc, tích điểm thưởng trong công ty. Khi kể lại với chồng, chị Tâm mới tóa hỏa biết rằng mấy tuần nay mình bị người của đa cấp “nghía”.
Vụ việc này cũng xảy ra tương tự với chị Huế Như (ngụ tại đường Bạch Đằng, Q. Gò Vấp). Một người bạn lâu ngày gặp lại, đã tỉ tê cùng chị: “Làm thêm đi, chứ nội trợ không, chồng nó xem thường mình.…”. Cũng may tên công ty đa cấp mà chị Như được rủ rê nghe rất quen, nên chị sớm nhận ra và “cạch mặt” người bạn cũ kia.

"Khi vào đến công ty T., tôi được giới thiệu về cách làm giàu. Có người trong đó tự xưng mình từng là công nhân (cô cho mọi người xem hình thời quá khứ đầy tàn tạ), giờ thì đã xinh đẹp giàu có. Hễ một người lên diễn thuyết là tất cả nhân viên hò reo theo: “Tin! Tin!” , “Đồng ý! Đồng ý!” để áp đảo tinh thần người nghe. Lúc nào cũng có hai người kè kè bên bạn, nói như tra tấn tinh thần bạn vậy. Tôi muốn bước ra nhưng họ cứ níu kéo, thậm chí đi toilet, cũng có người đi theo. Đến khi bạn bị mệt mỏi, kiệt sức đành phải cam chịu gia nhập bằng cách mua hàng, đóng tiền cọc, hoặc để lại giấy chứng minh nhân dân. Khi bạn kiên quyết không gia nhập, họ sẽ vừa khóc vừa chửi bạn: “Sao anh chị lại thế?! Có cơ hội kiếm tiền, báo hiếu cho cha mẹ mà lại bỏ qua. Bất hiếu! Nhu nhược! Vô dụng”… (Một người từng là nạn nhân của T. kể lại)

7 cách tiếp cận "con mồi" điển hình nhất của đối tượng kinh doanh đa cấp 5
Thiên Ngọc Minh Uy là công ty đa cấp bị lên án nhiều nhất năm 2013 sau khi clip ghi cảnh nhân viên công ty này đánh người được tung lên mạng.

Những dấu hiệu cần đặt nghi vấn
- Người lạ xin số điện thoại hoặc làm quen;
- Tờ rơi giới thiệu việc làm mà chẳng rõ làm gì, chỉ yêu cầu mang theo giấy chứng minh nhân dân, hoặc thậm chí "không cần hồ sơ đâu em, đến nghe thôi rồi tính";
- Bạn mới hoặc người quen lâu ngày gặp lại đột nhiên nhiệt tình rủ rê “Mai đến X nha, có vụ này vui lắm” mà chẳng rõ vụ gì.
- Được hẹn gặp, nhưng xuất hiện thêm người thứ ba. Sau phần giới thiệu, người này hùng hồn “chém” về việc kiếm tiền triệu.

Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Ngày 14/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo Nghị định này, cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; Lôi kéo, dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Người tham gia bán hàng đa cấp phải trải qua khóa đào tạo và chỉ được thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên. Chỉ những người được cấp Chứng chỉ đào tạo viên theo mẫu của Bộ Công thương mới được đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp.

Nghị định này có hiệu lực từ 01/07/2014.


aFamily

      © 2021 FAP
        4,299,900       269