Đời sống

Chợ, siêu thị ế thê thảm

Lo ngại nghỉ lễ kéo dài sẽ kéo sức mua xuống thấp của giới kinh doanh đã trở thành sự thật. Mãi lực chung trên thị trường rất chậm, giá một số mặt hàng tiêu dùng tại Hà Nội, TP HCM chỉ tăng nhẹ.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, các siêu thị, trung tâm thương mại đã nỗ lực hút khách dịp lễ bằng hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc. Tuy nhiên, khách hàng ở TP HCM đi mua sắm không nhiều, chủ yếu vào buổi sáng và tập trung ở các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến nấu chín, thực phẩm công nghệ, đồ uống… để ăn lễ.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị Co.opmart, cho biết những mặt hàng đang có khuyến mãi giảm giá được khách hàng ưu tiên mua sắm. Đặc biệt, sức mua nghiêng hẳn về Co.opmart ở các tỉnh và ở những nhóm hàng như bánh kẹo, giò chả, mặt hàng chống nóng như nước giải khát, bia…

Tại các chợ truyền thống, ngày thường vốn đã vắng, ngày lễ càng thê thảm hơn do nhiều người dân về quê, đi du lịch. Chị Tư Ân, bán thịt heo gần chợ Rạch Ông (quận 8), kể ngày thường, chị bán được 40 kg thịt nhưng từ ngày 30/4 đến 1/5, chỉ lấy 30 kg/ngày.

Chợ, siêu thị ế thê thảm 1
Chợ Bến Thành, TP HCM vắng vẻ khách mua hàng trong ngày 1-5 
“Hồi trước, tụi tôi trông lễ, Tết để bán hàng, giờ hễ nghe nghỉ lễ là sợ vì ế. Mối mua hàng là bếp ăn công nhân, trường học ngưng lấy hàng đến hết tuần, quán cơm bình dân thì mua ít lại nên phải giảm 10 kg/ngày. Bán chậm lắm, toàn nhờ khách quen nên tôi không dám tăng giá, chỉ cần bán đắt hơn người khác vài ngàn đồng/kg là mất khách” - chị Tư Ân than. Vì biết trước nghỉ lễ dài ngày, chợ sẽ ế nên đa số tiểu thương nhập hàng rất hạn chế, một số quầy sạp còn đóng cửa, nghỉ bán.

Mặc dù sức mua ở chợ chậm nhưng theo khảo sát, giá một số mặt hàng “ăn lễ” tại chợ Rạch Ông, Nhị Thiên Đường (quận 8), Bình Thới (quận 11), Vườn Chuối (quận 3)… tăng nhẹ.

Tại chợ Nhị Thiên Đường, gà thả vườn giá 120.000-130.000 đồng/kg (tăng 5.000-10.000 đồng/kg), cá điêu hồng 48.000-50.000 đồng/kg, mực ống 130.000-140.000 đồng/kg… Một số loại rau quả như bông thiên lý, cải bó xôi, tần ô, cà chua, khổ qua, nấm rơm… cũng tăng ít nhất 3.000-5.000 đồng/kg so với tuần trước. Ngoài tâm lý “đến hẹn lại lên”, việc tăng giá lần này được giải thích là do chi phí vận chuyển tăng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội. Theo bà Lan - chủ đại lý bia rượu, bánh kẹo trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) - mọi năm đến dịp lễ 30-4, lượng rượu Tây bán ra tăng 30%-40% so với ngày thường do nhu cầu thăm hỏi, tặng quà, liên hoan, gặp mặt. Song năm nay, hàng hóa vô cùng ế ẩm. “Lượng bia, rượu bán ra chỉ nhỉnh hơn ngày thường một chút, còn bánh kẹo và thực phẩm khác thì không khác gì ngày thường” - bà Lan cho biết.

Ghi nhận tại 2 siêu thị trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) là Unimart và Ocean Mart cho thấy khách hàng đến mua sắm rất thưa thớt mặc dù các siêu thị đều tung ra chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu.

Một nhân viên của Ocean Mart cho hay sức mua tăng nhẹ vào 2 ngày 28/4 và 29/4 với các loại thực phẩm, hoa quả nhưng sang ngày 30/4 lại khá vắng khách. “Có thể các hộ gia đình chuẩn bị thực phẩm đi chơi xa hoặc tổ chức liên hoan tại nhà nên sức mua trước lễ tăng song mức tăng không lớn” - nhân viên này nói.

Tại siêu thị Big C, không khí mua sắm cũng khá “buồn tẻ” so với năm ngoái, hút khách nhất chỉ là các quầy hàng thực phẩm, hoa quả...

Giá hàng hóa tại các chợ dân sinh không tăng, lượng bán ra giảm so với ngày thường, nhất là những chợ gần khu sinh viên, công nhân lao động như Mai Dịch, chợ Nhà Xanh…

aFamily

      © 2021 FAP
        4,011,566       1,276