Ngày 14/4, thảo luận về dự án Luật Dạy nghề (sửa đổi, bổ sung), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết, qua giám sát khâu quản lý nhà nước đối với giáo dục dạy nghề còn nhiều sơ hở, chồng chéo.
“Thậm chí, ngay Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cũng nói rằng nhiều khi không kiểm soát được lĩnh vực này” – ông Phước nói. Một số ý kiến cho rằng “tâm lý xính bằng cấp dẫn đến đào tạo lệch, thừa thầy, thiếu thợ”, hàng vạn cử nhân ra trường thất nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai kiến nghị Luật cần tạo ra động lực, tạo đột phá để xây dựng nguồn nhân lực trong 5-10 năm tới.
“Nâng cao chất lượng đào tạo nghề phải gắn với thị trường lao động, góp phần cho tái cơ cấu nền kinh tế. Thật khó hình dung trong 112 nghề trọng điểm quốc gia (đầu tư bằng ngân sách) lại có nghề bán hàng siêu thị, nghề chăm sóc sắc đẹp, giúp việc gia đình (gọi dân dã là osin).
Cơ sở nào để khẳng định đây là những nghề trọng điểm quốc gia? Cần rà soát cụ thể, nếu không sẽ tản mạn, lãng phí nguồn lực” – bà Mai nói.