Bố ra đi trong lúc đánh cá mưu sinh, mới đây mẹ lại mất trong một cơn bạo bệnh để lại hai anh em sống với nhau trong căn nhà chắp vá tạm bợ.
Bố mẹ đều qua đời khi em Trần Ngọc Hoàng (sinh năm 2000) chuẩn bị vào lớp 8 và em Trần Minh Phụng (2002) bước chân vào lớp 6. Có lẽ cũng vì sớm va chạm với nắng gió cuộc đời nên Hoàng, cậu học trò lớp 8 này có vẻ ngoài trưởng thành hơn so với cái tuổi 14 của mình và Phụng chững chạc hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Căn nhà tạm bợ của hai anh em Hoàng và Phụng
Phía trước căn nhà
Căn nhà đã dột nát
Thầy Nguyễn Khánh Khang, phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi đã dành cho hai học sinh đặc biệt này những lời xúc động: “Ở lớp, hai em là những học sinh rất ngoan và chăm chỉ, nghe lời các thầy cô giáo. Tuy nhiên hai em thường trầm tư một mình vì tủi thân. Bố ra đi khi các em còn nhỏ, mấy mẹ con sống trong cảnh khó khăn, nghèo túng.
Lúc ấy Hoàng đang học lớp 4. Vừa rồi đầu năm học, mẹ lại qua đời đột ngột nên các em rơi vào tâm trạng hụt hẫng, hoang mang. Nhờ bà con, chính quyền động viên nên các em tiếp tục đến trường. Ở trên lớp, các em chăm chú học bài nhưng hầu như giờ ra chơi nào em Phụng cũng ngồi khóc còn Hoàng thì an ủi em. Và khi tan học thì 2 em vội vã về để mưu sinh.”
Em Phụng cạo hột điều thuê
Hằng ngày để mưu sinh, Phụng cạo hột điều còn Hoàng đi bắt cá trên khúc sông ngày trước bố em kiếm sống. Thường Hoàng bắt cá chủ yếu lo cho bữa ăn hàng ngày, số cá còn dư em mang đổi rau, thịt hoặc bán cho bà con hàng xóm. Bà con xóm giềng thương hai anh em mồ côi nên vừa mua vừa cho tiền xem như giúp được các em phần nào.
Gương mặt cậu bé đầy ưu tư
Khi bước chân vào ngôi nhà này, chúng tôi thấy được những nén nhang mà bà con thắp cho cha mẹ các em để căn nhà bớt đi sự lạnh lẽo. Có mặt lúc đó còn có đại diện chính quyền địa phương - anh Nguyễn Mạnh Khỏe, cho biết: “Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đã có phương án giúp đỡ các cháu. Tuy nhiên tôi cũng phải chia sẻ thật, sự đỡ đần của địa phương chủ yếu về phương diện tinh thần, còn vật chất thì chỉ là một chút thôi. Các em vẫn phải tự bươn chải lo cuộc sống”.
Cảm nhận được tình thương mọi người dành cho mình nhưng các em không ỷ lại mà cố gắng đương đầu với khó khăn của cuộc sống. Em cạo hột điều, anh bắt cá hàng ngày cũng được bó rau, cân thịt cải thiện bữa ăn. Hoàng khoe: “Thỉnh thoảng có ngày bắt được nhiều cá đem bán cộng với tiền em Phụng kiếm là gần năm chục nghìn.”
Rồi giọng em buồn rầu “Nhưng lâu lâu mới được như vậy, giá ngày nào cũng thế. Dạo này cá ít hẳn chỉ đủ cho chúng em ăn thôi.” Hoàng dự tính học hết lớp 8 này em sẽ nghỉ học để kiếm việc gì làm ổn định lo cho em. “Biết ba mẹ sẽ buồn nhưng em làm vậy mới lo cho Phụng không phải nghỉ học.”
Phụng nhóm lửa nấu cơm
Hai anh em chăm chỉ học bài
Hoàng nói giọng buồn nhưng đầy quyết tâm: “Dù thế nào em cũng phải chăm sóc, lo cho em của em. Trước lúc mẹ mất từng nói tụi em phải yêu thương, đùm bọc nhau. Em là anh nên phải thay ba mẹ lo cho em nên người.”
Bạn đọc hảo tâm, muốn giúp đỡ, chia sẻ với hai anh em xin liên lạc về theo địa chỉ: em Trần Ngọc Hoàng và em Trần Minh Phụng ngụ ấp Bến Nôm xã Phú Cường huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai. Số điện thoại: 01866921340 (em Hoàng). |