Đời sống

Đà Nẵng: Chuyện ngủ đứng trong những căn nhà "hộp diêm"

Căn nhà này rộng chưa đầy 4m2 cho 4 nhân khẩu tá túc, chị Xí bảo, nhiều khi phải “ngủ đứng” vì chẳng có chỗ nằm.

Gần 40 năm nay, ít ai ngờ, giữa phố thị sầm uất quanh khu vực chợ Cồn (Đà Nẵng), vẫn còn xóm nhà “hộp diêm” mỗi nhà rộng chỉ 3-4m2, chen chúc, khổ sở của hàng trăm hộ dân.

Ngủ đứng trong nhà “hộp diêm”

Căn nhà chị Nguyễn Thị Xí (47 tuổi, tổ 10, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) nằm cuối hẻm âm u, ẩm thấp sát hông chợ Cồn. “Hộp diêm” này rộng chưa đầy 4m2 cho 4 nhân khẩu tá túc. Các vị trí bố trí tinh gọn, không chỗ vệ sinh.

Chồng mất năm 2002, một mình chị Xí bươn chải nghề bán đồ ăn buổi sáng, nuôi 3 miệng ăn. Con gái lớn Nguyễn Thị Ngọc Loan lập gia đình, có con nhỏ. Gia cảnh khó khăn, Loan nhiều lần bồng bế con về nhà ngoại ở. Nhà hộp diêm lại càng quá tải. Chị Xí bảo, nhiều khi phải “ngủ đứng” vì chẳng có chỗ nằm.

Sát nách nhà chị Xí, “hộp diêm” của chị Nguyễn Thị Sáu (44 tuổi, em dâu chị Xí) cũng chừng 3m2. “Nhà” bố trí vừa đủ 1 tủ lạnh nhỏ, vòi nước ngay cửa ra vào, một khoảng nằm “ngủ quắp” và chừa đoạn đặt cầu thang lên tum xép. “Nắng thế này lên đó như lò thiêu. Ngày mưa thì dột, trong nhà mà ướt như ngoài trời”, chị Sáu nói. Khổ nhất là chuột, mèo, đêm nào cũng “đánh trận” quần nhau rầm rầm trên mái tôn.

Đà Nẵng: Chuyện ngủ đứng trong những căn nhà "hộp diêm" 1
“Hộp diêm” hơn 3m2 của chị Sáu cho 4 nhân khẩu.

Chị Xí bảo: có đêm đang ngủ, mèo đái ướt cả mặt. Nhà kề tường khu bán cá chợ Cồn lúc nào bốc mùi hôi thối. Đêm hay ngày, phải thắp đèn 24/24 mới đủ sáng. Cả hai trông gầy đét. Chị Sáu cười nói: ở đây có mập cũng chẳng được vì lấy đâu ra chỗ mà nằm.

Cái chết sớm của anh Nguyễn Văn Thành (chồng chị Xí) nhiều người đồn đoán do nhà thiếu không khí. Em trai anh Thành là Nguyễn Văn Thanh, chồng chị Sáu cũng bí bách quá, đột nhiên bỏ nhà ra đi 4-5 năm nay, để một mình chị gồng gánh mưu sinh nuôi 4 miệng ăn.

Đầu con kiệt, bà Nguyễn Thị Thi (mẹ chồng của chị Sáu, Xí) cũng tá túc trong “nhà” chừng hơn 2m2. Ngoài 80 tuổi, bà Thi có đến hơn 60 năm gắn bó với “xóm đường ray” này. Ngày căn nhà nhỏ bị giải tỏa để mở đường phía Đông chợ Cồn, bà Thi được bố trí miếng đất cuối kiệt.

Hai con trai Thành, Thanh lập gia đình, bà cắt đôi miếng đất hơn 8m2 chia cho 2 đứa. Một mình bà ra tận dụng mảnh đất trống dựng chiếc “hộp diêm” quây bằng những tấm vải bạt chật trội, ẩm thấp. Căn bệnh thấp khớp, đau đầu kinh niên hành hạ bà Thi. Chị Xí và chị Sáu cả chục năm nay sống chung với bệnh thiếu máu não, suy nhược cơ thể.

Giấc mơ sổ “nghiệp chủ”

Dọc kiệt nhỏ ven chợ Cồn, khu vực tổ 10, 11, 12, 13 (phường Hải Châu 2), không thiếu căn hộ “hộp diêm, siêu mỏng”. Ba thế hệ nhà bà Phạm Thị Hồng Loan (70 tuổi, tổ 11), tá túc căn nhà chưa đầy 10m2, sát hông cổng chợ Cồn từ ngót 40 năm nay.

Đà Nẵng: Chuyện ngủ đứng trong những căn nhà "hộp diêm" 2
Chị Xí bảo: ở đây muốn mập cũng không được vì quá chật chội.

Dưới trệt, bà Loan bố trí chỗ vệ sinh, kê giường đơn, kệ bát đĩa, nhường căn gác cho 5 nhân khẩu nhà anh Huỳnh Duy Quang (49 tuổi, con bà). “Mấy anh chị đầu phải ra ngoài thuê phòng ở. Nhà chật nhưng không được cơi nới, xây dựng. Lúc con cái về đông, mọi người quay mặt cũng dễ đụng”, anh Quang nói.

Hai “hộp diêm” liền kề của anh em trai Nguyễn Văn Tấn (54 tuổi) và Nguyễn Văn Mai (51 tuổi, tổ 11) trong cảnh tương tự. Nhà chừng 7,5m2, lợp bằng tấm tôn rách, chăng bạt xung quanh. Trận siêu bão Haiyan (2013), chính quyền di dời khẩn cấp hai gia đình lên UBND phường tá túc.

Căn nhà bị gió bão đánh tơi tả, nhưng không thể sửa chữa vì nằm trong dự án “quy hoạch treo” Trung tâm thương mại Chợ Cồn. Ông Tấn bảo: nhà 4 khẩu, 2 con trai đã lớn, vậy mà đêm nào chúng cũng phải ngủ với vợ chồng già mới đủ chỗ.

Đà Nẵng: Chuyện ngủ đứng trong những căn nhà "hộp diêm" 3
Gác xép nhỏ nhà anh Quang vừa là nơi nấu ăn, vừa để ngủ nghỉ, con cái học tập.

“Xóm đường ray” tổ 23 (phường Hải Châu 1) nhìn ngoài đỡ hơn vì đường vào trải bê tông khá tinh tươm, nhưng những căn nhà ở đây đủ kiểu to nhỏ, không thiếu “hộp diêm” trên dưới 10m2. Năm nhân khẩu nhà anh Trần Nhỏ (45 tuổi, tổ 23), chen nhét trong căn nhà gần 8m2.

Tại nhà bà Võ Thị Thêm (61 tuổi), ba thế hệ bố mẹ, con cháu sống trong hộp diêm chừng 10m2. Ngay căn nhà tổ trưởng tổ 23 ông Võ Văn Tuấn (56 tuổi) được hơn 30m2 nhưng “tải” đến 3 hộ, với 15 nhân khẩu. Ông Tuấn cho biết, tổ có 37 nóc nhà, có đến hơn 50 hộ với gần 370 nhân khẩu. Phần lớn các hộ này ở ổn định từ khi giải phóng đến nay, với đủ sổ hộ khẩu, giấy tờ nhà đất nhưng chỉ thiếu sổ nghiệp chủ (sổ đỏ).

Ông Tuấn bảo: gọi “xóm đường ray”, bởi vị trí này từng có đường ray xe lửa cũ. Cùng với lịch sử chợ Cồn, người dân tập trung định cư hàng chục năm nay để mưu sinh. Năm 1994, đường ray được chính quyền Đà Nẵng tháo bỏ. Lúc này vẫn là con đường đất lầy lội, cả chục năm trời, người dân sống trong cảnh không điện, nước, cống rãnh.

Mãi năm 2005, khi thành phố bỏ việc kéo dài đường Nguyễn Hoàng chạy theo tuyến đường ray cũ, cắt đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Hải Phòng về nhà ga, con kiệt này mới được nâng cấp theo chủ trương “nhà nước nhân dân cùng làm”.

Đường ray đã bỏ nhưng hầu hết nhà hộ dân này vướng chỉ giới đường đỏ, lộ giới đường kiệt, vệt chỉ giới hành lang an toàn đường sắt, dự án khu thương mại chợ Cồn nên không thể cấp sổ đỏ, chỉnh trang nhà cửa.

Đà Nẵng: Chuyện ngủ đứng trong những căn nhà "hộp diêm" 4
Người dân tổ 23 phải ra đường ăn uống, sinh hoạt.

Theo bà Ngô Thị Nhành, Phó chủ tịch UBND phường Hải Châu 2, hơn 200 hộ với gần 900 khẩu thuộc địa bàn 5 tổ từ tổ 10 đến 13 và tổ 23 thuộc “xóm đường ray” là các hộ thuộc diện “lịch sử để lại”. Đến nay phần lớn chưa được cấp sổ đỏ, họ sống trong hàng loạt căn nhà diện tích chỉ từ 3,3m2- 11m2, trung bình 5-10 người/nhà.

Điển hình, tại tổ 11 có 49 hộ gia đình với 201 nhân khẩu nhưng toàn bộ diện tích cả khu vực (bao gồm nhà, đường,...) chỉ có hơn 800m2. Có những căn nhà không có nhà vệ sinh, giường nằm.

Phường đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp, nhưng các hộ dân này nằm trong quy hoạch dự án không thể sửa chữa. Nhiều trường hợp như hộ ông Tấn, ông Mai thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà. Tiền giao tận tay nhưng họ không được phép sửa nên phải hoàn trả.

Theo ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu: Dự án Trung tâm thương mại chợ Cồn được phê duyệt từ tháng 9/2011, dự kiến di dời, tái định cư nhưng vướng vì ... thiếu nhà đầu tư. Riêng các hộ tổ 23, ông Anh nói đang chờ kế hoạch thành phố.

Tháng 7/2013, TP Đà Nẵng ban hành văn bản theo đề xuất của Sở Xây dựng và Sở TN&MT hủy bỏ vệt hành lang an toàn đường sắt cũ, cho chủ trương cấp đổi sổ đỏ cho các hộ dân “xóm đường ray”. Riêng những hộ nằm trong ranh giới dự án Chợ Cồn, thành phố không cấp sổ đỏ.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, cho biết, Sở đã khảo sát và hướng dẫn cho các hộ “xóm đường ray” được cấp sổ đỏ. Đối với phần diện tích đất nằm ngoài hành lang an toàn đường thì giải quyết cấp sổ theo quy định. Với phần diện tích nằm trong hành lang an toàn đường sắt cũ thì thu từ 50-100% tiền sử dụng. Nhiều hộ dân kiến nghị, với quy định này, họ đóng vài chục triệu đồng mới đủ điều kiện “ra sổ”, trong khi phần lớn hộ dân thuộc diện nghèo, khó khăn.

Thành phố có biết bao sự thay da đổi thịt, khắp nơi đổi mới, riêng chỉ có một chỗ từ ngày giải phóng đến nay chưa có đổi mới gì, đó là “xóm đường ray cũ”- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nhắc nhở tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành xây dựng Đà Nẵng mới đây (tháng 2/2014). Ông Thọ yêu cầu, ngoài 12

aFamily

      © 2021 FAP
        4,245,632       441