Đời sống

Bà nội trợ choáng váng với thực phẩm nhuộm "xanh, đỏ, tím, vàng"

Gạch cua vàng đậm, ổi xanh thắm, sợi miến vàng óng, gà vàng ươm... bạn có biết phía sau vẻ bắt mắt của nhiều loại thực phẩm quen thuộc này là những hóa chất tẩm siêu độc hại?

Đi chợ, ai cũng muốn mua được con cá, gà tươi, thịt mới, rau củ quả tươi. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn mẫu mã bên ngoài, không ít bà nội trợ bị đánh lừa.
Càng đẹp, càng ngon, càng bắt mắt… càng độc
Có mấy bà nội trợ biết kỹ nghệ “F5” cho những con cua ghẹ “ngất” hoặc chết hẳn như những bà bán hàng rong. Chị Mai – một tiểu thương bán hải sản trên phố Tuệ Tĩnh cho biết: “Người tiêu dùng nên mua hải sản ở những cửa hàng có uy tín, đừng vì giá rẻ hơn mà chọn những nơi không có ‘bảo hành”.
Chị cho biết, những con cua, ghẹ được bán rong đúng là có giá rẻ hơn cửa hàng nhiều lần thật nhưng chẳng ai đảm bảo thực phẩm đó có an toàn hay không. Chị được biết, nhiều nơi họ có kỹ nghệ “biến cua ngất thành cua khỏe, cua chết thành cua sống”. Những con cua chết sẽ được “bơi” qua một lớp hỗn hợp đậm đặc hàn the, chất tạo ngọt, chất tạo màu, phụ gia không nguồn gốc để trở thành những con cua béo tròn, căng mẩy.
Bà nội trợ choáng váng với thực phẩm nhuộm "xanh, đỏ, tím, vàng" 1
Những con cua chết sẽ được “bơi” qua một lớp hỗn hợp đậm đặc hàn the, chất tạo ngọt, chất tạo màu, phụ gia không nguồn gốc để trở thành những con cua béo tròn, căng mẩy. (Ảnh minh họa)
Chưa hết, nhiều nơi còn tạo gạch cho những con cua này bằng một hỗn hợp gồm lòng đỏ trứng, bột mì và chất tạo mầu, phụ gia, hàn the rồi bơm trực tiếp vào mai. Nhìn những con cua màu sắc, khi ăn mở ra lại thấy gạch cua chi chít, căng mẩy, khách nào không biết cũng tấm tắc khen. 
Bên cạnh những con cua ghẹ, nhắc đến "tuyệt kỹ" nhuộm, không thể không kể đến làng miến Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Để có những sợi miến vàng óng ả như tơ, người sản xuất miến nơi đây đã sử dụng một loại bột nhuộm nghe rất tự nhiên: bột nghệ. Nhưng thực chất đó là một thứ thuốc có nguồn gốc không rõ ràng, được bày bán tràn lan và công khai ở chợ Đồng Xuân. 
Theo một tiểu thương lành nghề, tạo màu cho miến rất đơn giản "muốn màu gì có màu ấy". Nếu muốn miến có màu trắng, miến sẽ được ngâm mềm nửa ngày rồi ngâm tiếp với thuốc tím để tẩy trắng bóc. Muốn miến có màu vàng, miến sẽ được ngâm cùng bột nghệ 2 tiếng. 
Bà nội trợ choáng váng với thực phẩm nhuộm "xanh, đỏ, tím, vàng" 2
Nếu muốn miến có màu trắng, miến sẽ được ngâm mềm nửa ngày rồi ngâm tiếp với thuốc tím để tẩy trắng bóc. Muốn miến có màu vàng, miến sẽ được ngâm cùng bột nghệ 2 tiếng. (Ảnh minh họa)
Dạo quanh các chợ nhỏ lẻ trong nội thành Hà Nội từ chợ lớn đến chợ cóc, không khó bắt gặp những hàng quán bán những con gà làm sẵn có màu vàng ươm vô cùng đẹp mắt. Theo nhiều chuyên gia về thực phẩm, trên thực phẩm đây không phải là màu thật của da gà sau khi bị giết mổ.

Bí kíp để thay đổi màu da cho con gà chính là bột sắt. Đây là loại phẩm màu công nghiệp thường được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su, mực in…

Bột sắt được bày bán tràn lan ở chợ Cầu Diễn. Chỉ cần hòa ra nước, và ngâm gà vào chừng 1 tiếng là gà đã có màu da căng bóng hết sức đẹp mắt. Đây là loại bột được nhiều người sử dụng mua. Bột sắt chứa hàm lượng ô xit sắt cực cao, vì giá rẻ chỉ 20 nghìn một gói nhỏ nên chắc chắn không đạt độ tinh khiết, chúng lẫn kim loại nặng, và có khả năng gây ngộ độc, ung thư gan, hoại tử cao cho người dùng. 
“Hàng bắt mắt mới bán được tay”, đó là tâm sự rất thật của chị Huỳnh Trang – tiểu thương bán gà trên chợ Hôm. Chị bảo: “Sẽ chẳng ai làm điều này nếu như khách hàng tỉnh táo”. Chị bảo, sạp bán hàng của chị dù rất có tiếng, lâu đời nhưng nếu so lượng khách thì những sạp bán khác đông khách hơn nhiều.

Chị từng biết có những “đồng nghiệp” của mình buộc lòng “chiều khách” vì tâm lý khách hàng ai cũng muốn mình mua những loại thực phẩm chất lượng, hình dáng bên ngoài cũng như màu sắc phải đẹp. Chính vì vậy mà rất nhiều thương lái cho hóa chất vào thực phẩm để có thể bán được giá cao và mau hết. 
Mới đây, bức ảnh một người phụ nữ đang đổ chất màu xanh, chất tạo màu vào chậu cốm ngay trên đường, để hô biến chậu cốm nhạt màu thành cốm xanh óng ả được dân mạng chú ý. Ai cũng đặt câu hỏi, trong cái chai màu xanh kia chứa chất gì? Liệu đó có phải là thực phẩm tạo màu an toàn hay chất độc hại?
Bà nội trợ choáng váng với thực phẩm nhuộm "xanh, đỏ, tím, vàng" 3
Mới đây, bức ảnh một người phụ nữ đang đổ chất màu xanh, chất tạo màu vào chậu cốm ngay trên đường, để hô biến chậu cốm nhạt màu thành cốm xanh óng ả được dân mạng chú ý.
Ngày 19/3 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Sâm và gia đình ông Nguyễn Xuân Quế (phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh) có mua thịt và sườn lợn ở một cửa hàng thịt ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau khi được luộc chín, thịt đã chuyển sang màu đỏ tươi như máu.

Điều này khiến người dân tỏ ra hoang mang, lo sợ. Một sô người cho rằng, sở dĩ có màu đó là do phẩm màu nhuộm thịt bị "phai" ra sau khi thịt đông lạnh.

Tuy nhiên, khi Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh nhận định màu đỏ máu này xuất hiện là do bảo quản sai cách, tạo điều kiện cho sinh vật, nấm mốc xuất hiện!
Bà nội trợ choáng váng với thực phẩm nhuộm "xanh, đỏ, tím, vàng" 4
Sau khi được luộc chín, thịt đã chuyển sang màu đỏ tươi như máu. 
Bên cạnh đó, hoa quả cũng được tham gia vào đường dây nhuộm. Mới đầu nhìn vào, ai cũng phải thòm thèm trước những trái ổi, quả cóc xanh căng mọng, tròn trịa, màu xanh nhẹ. Nhưng ít ai biết trước khi đến tay người dùng, chúng được “tắm” mình kỹ càng trong một chậu hóa chất độc hại.
Ổi, cóc này đặc điểm không xù xì, nhẵn nhịu, căng bóng. Người buôn bán chọn quả to, tròn, đều rồi cạo sạch lớp vỏ. Sau khi cạo sạch vỏ, bề mặt nhẵn, chúng được ngâm vào 1 cái chậu có màu xanh ngắt gồm: chất tạo màu, hương liệu, chất keo bám bề mặt trong vòng 30 phút – 1 tiếng. Trong quãng thời gian đó, những loại quả này được đảo đi đảo lại để chắc chắn rằng màu đã bám đầy đủ bề mặt. 
Loại ổi ngọt, mầu đẹp, căng mịn này có giá từ 50.000 đồng/kg. 
Ăn nhiều chất độc, người tiêu dùng dễ bị ung thư
Trả lời về vấn đề này Tiến sỹ Khoa học - Khoa Hóa ĐHQG Lưu Văn Bôi cho biết, việc sử dụng thực phẩm chứa phẩm màu không rõ xuất xứ lâu dài sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.  
Phẩm màu thực phẩm hiện có 2 loại chính: tự nhiên và tổng hợp. Phẩm màu tự nhiên được chiết xuất từ động vật, thực vật (củ nghệ, lá cây, côn trùng...), giá thành cao, có độ bền kém.

Phẩm màu tổng hợp được tạo ra từ các phản ứng hóa học, có độ bền cao, dễ sử dụng và giá rẻ nên được các nhà chế biến thực phẩm ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, phẩm màu tổng hợp chỉ được xem là an toàn trong một giới hạn sử dụng nào đó. Phẩm màu tổng hợp không có giá trị về dinh dưỡng khi đưa vào cơ thể.

Những nghiên cứu được công bố mới đây cho biết nếu sử dụng phẩm màu tổng hợp lâu dài, không có chỉ định, mức độ rõ ràng, sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Các bệnh thường gặp như u não, hen suyễn, dị ứng, ung thư, tổn thương nhiễm sắc thể, gây tổn thương hệ thần kinh... 
aFamily

      © 2021 FAP
        4,246,113       140